Bài viết được viết bởi Cử nhân Trương Tạ Anh Nga - Chuyên viên Tâm lý tại đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Giáo dục hoà nhập là phương thức giáo dục mọi trẻ em, trong đó trẻ khuyết tật được học cùng trẻ bình thường trong trường bình thường. Bản chất của gíao dục hoà nhập là mọi trẻ em đều được học trong môi trường giáo dục mà trong đó trẻ có điều kiện và cơ hội để lĩnh hội kiến thức theo nhu cầu và khả năng của mình.
Mô hình giáo dục hoà nhập phát huy tối đa quan điểm bình thường hoá hoạt động giáo dục trẻ tự kỷ trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, môi trường lớp học với những hướng dẫn chung, nguyên tắc cơ bản và sự tương tác thường xuyên khiến trẻ gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ cần nhận diện và giải thích được những khó khăn của trẻ để trẻ có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho trẻ.
1. Một số khó khăn khi học hoà nhập
- Trẻ tự kỷ không thích hoặc chưa biết chơi với bạn khác, không quan tâm và chưa có cách ứng xử phù hợp với các mối quan hệ trong trường học
- Khó khăn trong việc hiểu khái niệm thời gian, không gian khi hoạt động
- Thích làm việc tự do và thích một số công việc quen thuộc
- Trẻ chưa có tính tổ chức trong khi thực hiện nhiệm vụ. Trẻ cảm thấy không thoải mái, lo lắng hoặc giận dữ khi không viết thứ tự các sự việc
- Trẻ gặp khó khăn trong việc xác định trình tự công việc
- Trẻ cảm thấy không thỏai mái, lo lắng hoặc giận dữ khi không biết phải làm gì và làm như thế ào oặc khi được giao nhiệm vụ mới
- Trẻ khó khăn trong việc thể hiện ý kiến của bản thân. Bằng giao tiếp có lời và giao tiếp không lời
- Trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện nội quy lớp học
- Trẻ có hành vi bất thường làm ảnh hưởng đến bản thân và hoạt động trong lớp
- Khả năng tiếp thu các kiến thức, kỹ năng học đường khó khăn đặc biệt là những kiến thức đòi hỏi khả năng ngôn ngữ và tư duy trừu tượng
2. Chiến lược giúp trẻ tự kỷ khi đi học hoà nhập
- Sử dụng đồ vật hoặc hoạt động mà trẻ ưa thích để làm phần thưởng
- Giải thích rõ việc thực hiện nhiệm vụ
- Xây dựng thời khoá biểu/thời gian biểu bằng một hình ảnh rõ ràng
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động nhiều hứng thú
- Sử dụng quy trình nhất quán, không nên duy trì quá lâu
- Dành thời gian và không gian hợp lý để trẻ hoạt động theo nhu cầu và hứng thú
- Nên tổ chức cho trẻ hoạt động liên tục, không để thời gian trống quá lâu
- Sử dụng phương tiện trực quan, hình ảnh trong giao tiếp và khi hướng dẫn trẻ
- Khi yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ, sử dụng cách thể hiện tích cực
- Động viên khen thưởng trẻ kịp thời