Mòn cổ răng - bệnh lý nha khoa phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, Bác sĩ Lại Đỗ Quyên - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt -Khoa Liên Chuyên Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Mòn cổ răng không những làm cho hàm răng mất đi thẩm mỹ, không tự tin khi nở nụ cười mà còn gây khó chịu, khiến việc ăn nhai, vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn, làm răng bị gãy thậm chí là mất răng. Việc phát hiện và chữa kịp thời sẽ bảo tồn được răng, tránh được những biến chứng.

1. Thế nào là mòn cổ răng?

Mòn cổ răng là tình trạng tổ chức cứng ở vùng cổ của răng bị mất đi. Tổ chức cứng của răng gồm men và ngà răng. Mòn cổ răng có thể mất đi lớp men hoặc cả lớp men và ngà răng.

Khi men và ngà răng bị mất đi, chúng sẽ không được thay thế lại một cách tự nhiên.


Hình ảnh cổ răng bị mòn
Hình ảnh cổ răng bị mòn

2. Nguyên nhân gây ra mòn cổ răng

Khác với các bệnh lý của răng là thường do vi khuẩn, nguyên nhân gây mòn cổ răng chủ yếu xuất phát từ thói quen vệ sinh răng miệng thiếu khoa học và chế độ ăn uống không hợp lý của người bệnh.

  • Đánh răng sai cách: việc đánh răng quá mạnh, dùng bàn chải cứng chà sát lên bề mặt răng sẽ làm tổ chức cứng của răng bị mài mòn đi nhanh chóng. Việc chải răng theo hướng ngang cũng làm cho lợi dễ tụt xuống thấp, lộ chân răng, vị trí cổ răng đến chân răng chỉ có lớp ngà răng phủ, không có lớp men răng cứng bảo vệ nên khi lợi tụt, cổ răng dễ bị mòn và tốc độ mòn sẽ nhanh hơn.
  • Giữ vệ sinh răng miệng không sạch: thức ăn còn lại bám trên mặt răng phần sát lợi và ở kẽ răng, lâu ngày thức ăn sẽ biến thành môi trường có tính acid gây mòn cổ răng.
  • Thói quen sử dụng những thực phẩm quá chua trong một thời gian liên tục.
  • Tiếp xúc với acid và nước ngọt có ga: thống kê cho thấy rằng: công nhân tiếp xúc với hơi và bụi nước có tính acid (sản xuất ắc-qui chì,...) có mòn cổ răng trầm trọng. Nước ngọt có gas như cocacola, sprite,... có tính acid thấp cũng dễ gây mòn cổ răng.

Nước ngọt có ga có thể gây mòn cổ răng
Nước ngọt có ga có thể gây mòn cổ răng

  • Răng mọc lệch, chen chúc: lợi phủ ở răng mọc lệch mỏng hơn ở các răng khác nên lợi dễ bị tụt và mòn cổ răng.
  • Khớp cắn không bình thường.
  • Răng bị chịu lực uốn ở phần cổ răng không đáng có do nhiều nguyên nhân.
  • Thói quen nhai, nghiền đồ ăn.
  • Yếu tố di truyền: gây rối loạn hình thành tổ chức cứng của răng, làm cho răng “mềm “ hơn và răng dễ bị mòn.
  • Bệnh lý toàn thân hay chịu tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh.

3. Biểu hiện của mòn cổ răng

Lúc đầu, mòn cổ răng chỉ là một rãnh nhỏ ở cổ răng sát lợi, có thể phát hiện bằng mắt hoặc bằng dụng cụ thăm khám. Bạn chưa thấy buốt, đau nhức hay có bất kỳ khó chịu nào.

Giai đoạn tiếp theo, rãnh to dần, có hình chữ V. Bạn sẽ thấy răng bị ê buốt khi ăn đồ nóng, lạnh, chua, hít gió hay khi đánh răng. Cảm giác ê buốt khó chịu ảnh hưởng đến việc ăn nhai, sinh hoạt. Lợi có thể bị tụt thấp xuống, chân răng lộ nhiều hơn, bạn lại càng ê buốt răng hơn và răng mất thẩm mỹ. Thức ăn có thể giắt vào rãnh, kích thích làm lợi viêm đỏ, chảy máu, miệng hôi.


Cảm giác răng bị ê buốt là một trong các biểu hiện của mòn cổ răng
Cảm giác răng bị ê buốt là một trong các biểu hiện của mòn cổ răng

Nếu bạn bỏ qua hoặc không được điều trị, phần mòn chạm tủy răng, bạn sẽ đau đớn. Nếu tủy răng chết, sẽ gây viêm nhiễm ở vùng chóp của chân răng (vùng cuống răng), lợi sưng, có mủ, răng đau, lung lay. Nếu phần mòn quá sâu, răng có thể bị bị gãy ngang. Lợi tụt nhiều, chân răng bị lộ nhiều. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.

4. Vì sao phải chữa mòn cổ răng?

Như đã nói ở trên, mòn cổ răng là bệnh lý của răng hay gặp nhưng lại dễ bị bỏ qua. Người bệnh chỉ đến xin điều trị khi thấy khó chịu hoặc sưng lợi. Lúc đó có thể tình trạng của răng đã tồi và việc chữa để giữ lại răng bị hạn chế rất nhiều.

Phát hiện và chữa sớm bệnh lý mòn cổ răng đem lại nhiều lợi ích:

  • Tránh được những biến chứng của mòn cổ răng: sâu răng, tủy chết, viêm nhiễm vùng cuống răng, gãy răng,... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn thân.
  • Không còn cảm giác ê buốt, khó chịu khi ăn uống hay sinh hoạt do mòn cổ răng gây ra.
  • Tránh được hôi miệng, lợi đỏ, sưng, chảy máu do thức ăn giắt ở khe mòn cổ.
  • Hàm răng thẩm mỹ hơn.
  • Chi phí điều trị thấp hơn.

Hình ảnh trước và sau điều trị mòn cổ răng
Hình ảnh trước và sau điều trị mòn cổ răng

5. Chữa mòn cổ răng như thế nào?

Các chuyên gia nha khoa đều đánh giá rằng mòn cổ răng chữa được và không khó. Việc chữa trị chỉ thật sự khó giải quyết khi tình trạng ăn mòn phá hủy nhiều tổ chức răng, gây chết tủy, nhiễm trùng cuống răng hay gãy răng. Do vậy, ngay khi phát hiện cổ răng có dấu hiệu bị mòn, răng ê buốt, bạn cần nhanh chóng đến gặp nha sĩ để được điều trị sớm.

Ở giai đoạn đầu: mòn cổ răng là khe nhỏ hoặc to hơn có hình chữ V nhưng chưa ảnh hưởng đến tủy răng. Chữa trị là: nha sĩ sẽ loại bỏ hết tổ chức bệnh, dùng vật liệu hàn răng tương thích với tổ chức răng và có màu giống với màu của răng để lấp kín khe hở. Việc hàn răng vừa bù vào phần răng đã mất, bảo vệ răng, loại bỏ ê buốt răng, vừa đảm bảo thẩm mỹ cho hàm răng.

Ở giai đoạn sau: khi tủy răng đã bị ảnh hưởng gây đau đớn, viêm nhiễm vùng cuống răng hay gãy ngang thân răng. Điều trị là: chữa tủy răng, tạo lại thân răng bằng chất hàn và răng cần được bọc lại bằng chụp để bảo vệ răng.

6. Một số gợi ý giúp bạn phòng ngừa mòn cổ răng:

  • Bạn nên thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày: dùng bàn chải đánh răng có lông mềm; dùng kem đánh răng có Fluor để chải răng; chải răng theo chiều dọc hoặc xoay tròn; chải răng chậm và nhẹ nhàng, không chà mạnh lên mặt răng; chải sạch ở mặt trong, mặt ngoài và mặt trên cùng của tất cả các răng. Việc chải răng đúng cách sẽ giúp làm sạch răng, xoa bóp nhẹ nhàng vùng lợi sát răng giúp tăng lưu thông máu cho lợi, làm lợi khỏe mạnh mà không gây tụt lợi. nhưng chỉ chải răng không là chưa đủ. Kết hợp chải răng đúng cách và dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch các kẽ răng là phương pháp làm sạch răng hiệu quả nhất.
  • Bạn nên tránh ăn vặt, ăn nhiều các đồ ăn cứng, dai.
  • Bạn nên hạn chế dùng đồ ăn quá chua, ngọt, có gas.
  • Bạn nên hỏi kỹ bác sĩ điều trị của bạn về tác dụng phụ của thuốc đối với răng, tiết nước bọt trong miệng,...
  • Bạn nên tự lên lịch khám răng định kỳ 6 tháng một lần để loại bỏ cao răng, mảng bám trên mặt răng và có những điều chỉnh thích hợp cho hàm răng của mình.
  • Bạn nên tuân thủ các lời khuyên của nha sĩ.

Khám răng định kỳ 6 tháng một lần giúp phát hiên sớm bệnh lý nha khoa
Khám răng định kỳ 6 tháng một lần giúp phát hiên sớm bệnh lý nha khoa

Mòn cổ răng là bệnh lý hay gặp nhưng dễ bỏ qua, điều trị không khó và đạt thẩm mỹ cao nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Mong rằng mỗi chúng ta đều là nha sĩ của riêng mình, tự lắng nghe và tự phát hiện những dấu hiệu dù là nhỏ nhất ở hàm răng của mình, đến khám tư vấn định kỳ với nha sĩ để ai cũng có hàm răng đẹp, khỏe mạnh.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe