Mỗi năm trẻ cần cao thêm bao nhiêu mới đạt chuẩn?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sự tăng trưởng và phát triển chiều cao của trẻ diễn ra liên tục từ giai đoạn bào thai cho đến tuổi dậy thì. Tuy nhiên, không phải giai đoạn nào chiều cao của trẻ cũng tăng, có lúc tăng nhanh, có lúc chậm lại. Vì vậy, việc hiểu rõ các mốc phát triển chiều cao của trẻ sẽ giúp cha mẹ biết cách chăm sóc trẻ đúng cách để con có một chiều cao lý tưởng.

1. Giai đoạn phát triển bào thai

Cột mốc đầu tiên trong quá trình phát triển chiều cao của trẻ mà ít khi cha mẹ chú ý tới đó chính là giai đoạn ngay từ trong bào thai. Lúc này sự phát triển của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Vì vậy, khi mang thai người mẹ cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt nhất để trẻ phát triển chiều cao thuận lợi.

Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, hệ thống xương của trẻ được hình thành và phát triển nhanh chóng. Tại thời điểm này, trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là canxi để xương phát triển. Đối với thai phụ cần ăn nhiều thực phẩm giàu canxi để đáp ứng nhu cầu canxi cần thiết của cơ thể và giúp trẻ đạt chiều cao tối đa, tạo tiền đề cho trẻ phát triển chiều cao trong tương lai. Thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tinh thần tốt và nghỉ ngơi hợp lý, cân nặng có thể tăng từ 10-12kg, khi đó em bé sinh ra sẽ đạt chiều cao chuẩn > 50cm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

2. Giai đoạn phát triển từ 0-2 tuổi

Giai đoạn từ 0-2 tuổi được tính từ khi em bé sinh ra cho đến khi em bé được 2 tuổi. Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/ năm trong năm tiếp theo. Do đó, trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35 cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng 1⁄2 chiều cao lúc trưởng thành. Do vậy, để đạt được chiều cao lý tưởng cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ đúng cách như:

  • Dinh dưỡng: Trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Bởi vì sữa mẹ là nguồn thức ăn chứa đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa. Sau 6 tháng, khi trẻ chuyển sang giai đoạn ăn dặm, cha mẹ cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm giúp phát triển chiều cao cho trẻ.
  • Chăm sóc sức khỏe: Cho trẻ tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng, sụt cân, biếng ăn,... Đồng thời, bổ sung canxi và vitamin D nhằm hỗ trợ sự phát triển của xương khớp. Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Chế độ dinh dưỡng tốt giúp trẻ phát triển chiều cao giai đoạn 0-2 tuổi
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp trẻ phát triển chiều cao giai đoạn 0-2 tuổi

3. Giai đoạn tuổi dậy thì

Giai đoạn dậy thì chính là giai đoạn vàng phát triển chiều cao của trẻ và đây cũng chính là cơ hội cuối để thúc đẩy tăng trưởng cho trẻ. Tuổi dậy thì sẽ có sự khác biệt giữa bé nam và bé nữ. Đối với bé nữ là từ 10-16 tuổi, nam là từ 12-18 tuổi. Trong giai đoạn này bé nữ có thể tăng chiều cao lên khoảng 8cm/năm và bé nam là 10cm/năm.

Đây được coi là giai đoạn cuối cùng để trẻ phát triển chiều cao, cho đến năm 20 tuổi hầu hết chiều cao sẽ ngừng phát triển, bởi vì mô sụn ở tuổi dậy thì sẽ không còn kéo dài được nữa. Tuy nhiên giai đoạn này cha mẹ lại ít khi chú trọng đến trẻ vì nghĩ rằng trẻ đã lớn và có thể tự chăm sóc bản thân bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Do vậy, để đạt được chiều cao lý tưởng khi bước vào tuổi trưởng thành, bên cạnh chế độ dinh dưỡng phù hợp đầy đủ canxi, vitamin D, chondroitin sulfat, DHA, acid folic,... thì cần có chế độ luyện tập phù hợp. Luyện tập thể dục thể thao chiếm 20% sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Tùy theo năng lực và sở thích của bé, cha mẹ nên tạo điều kiện tốt cho con tham gia một số môn thể thao tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ như bơi lội, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, nhảy dây, đu xà, đạp xe,...

Bên cạnh đó, trong độ tuổi dậy thì, việc sản xuất hormone tăng trưởng đầy đủ là yếu tố cần thiết giúp cho trẻ phát triển chiều cao trong tuổi dậy thì. Tuy nhiên, hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất khi trẻ ngủ sâu giấc vào ban đêm. Vì vậy, hãy nhắc nhở trẻ đi ngủ trước 22 giờ đêm để đảm bảo sức khỏe tốt cũng như phát triển chiều cao một cách tối đa.

Đặc biệt cha mẹ cũng cần lưu ý, ngày nay tình trạng dậy thì sớm ở trẻ phát triển ngày càng nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sự gia tăng chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng và có xu hướng chững lại nếu trẻ dậy thì sớm.


Giai đoạn dậy thì trẻ có thể phát triển chiều cao theo từng năm
Giai đoạn dậy thì trẻ có thể phát triển chiều cao theo từng năm

Tóm lại, trẻ phát triển chiều cao ngay từ trong bụng mẹ và các mốc phát triển chiều cao vượt trội đó là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Do đó, để giúp trẻ phát triển chiều cao một cách tối đa, trong các giai đoạn vàng, cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý và chế độ luyện tập phù hợp cho trẻ.

Nếu trong các trường hợp áp dụng các lối sống, dinh dưỡng mà chiều cao của trẻ không thể cải thiện, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên sâu Nội tiết - Nhi để được thăm khám và hỗ trợ điều trị khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe