Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Trong khi hen là một trong những bệnh mạn tính thường gặp nhất thì bệnh tim mạch lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Do đó, tìm hiểu mối liên hệ giữa hai căn bệnh trên có ý nghĩa rất lớn trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân hen và bệnh tim mạch.
1. Yếu tố nguy cơ chung
Ô nhiễm không khí do khói thuốc lá và nitrogen dioxide (NO2) đã được khẳng định không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn gây ảnh hưởng xấu đến hen suyễn.
- Phân tử bụi mịn: Số liệu dịch tễ học ghi nhận trên toàn thế giới đã cho thấy tần suất tử vong do tim và đột quỵ tỉ lệ thuận với thời gian bệnh nhân bị phơi nhiễm với nồng độ các chất gây ô nhiễm, mà đặc biệt là các phần tử nhỏ có trong không khí.
- Khói thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa hơn 4000 hóa chất có thể gây hại cho cơ thể. Tác động của thuốc lá khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên gấp 2 lần. Bên cạnh đó, người bị bệnh hen suyễn hút thuốc lá thường xuyên cũng khiến tình trạng hen nặng hơn. Khói thuốc làm cơ thể có phản ứng viêm phế quản (có liên quan đến bạch cầu đa nhân trung tính) và tình trạng tắc nghẽn sẽ khó phục hồi hơn.
- Nitrogen dioxide: Nguy cơ mắc cả bệnh hen lẫn bệnh tim đều tăng do chất gây ô nhiễm nitrogen dioxide (NO2). Phơi nhiễm với NO2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt đối với người đang bị bệnh hen suyễn. Khả năng hô hấp ở bệnh nhân hen rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc nhiều với khí nitrogen dioxide, song điều này không ảnh hướng đến chức năng thở của người bình thường khỏe mạnh.
2. Giữa hen suyễn và bệnh tim có mối liên hệ gì?
Theo các bác sĩ, nếu như bệnh nhân hen không hút thuốc thì có 33% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đối với những người bệnh hen suyễn có hút thuốc thì nguy cơ này sẽ cao hơn rất nhiều.
Nghiên cứu của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ cho biết nguy cơ xuất hiện biến cố tim mạch ở bệnh nhân hen dai dẳng cao hơn 60% so với người bình thường. Các số liệu y tế khác cũng ghi nhận 37% bệnh nhân hen có tăng huyết áp và thường xảy ra trong cơn hen suyễn cấp nghiêm trọng. Bệnh hen dẫn đến tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên gấp 1,4 lần, tai biến mạch máu não gấp 1,2 lần, làm tăng nguy cơ suy tim lên gấp 2,1 lần.
2.1. Cơ chế chung
Nguyên nhân của thực tế trên là cả bệnh tim và hen đều là những bệnh lý viêm. Đối với người bệnh hen dai dẳng, hai hoạt chất C-reactive protein (CRP) và fibrinogen gia tăng đáng kể, cho thấy mối liên hệ giữa tiến trình viêm ở bệnh nhân bị hen và tim mạch. Bên cạnh đó, các cytokine bất thường tăng sinh trong cơn hen cũng khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên. Ngoài cao huyết áp, khi đang lên cơn hen, mạch của người bệnh còn đập nhanh do cường giao cảm, có dấu hiệu thiếu oxy máu, hoặc toan chuyển hóa do acid lactic.
2.2. Ảnh hưởng của thuốc
Thuốc hen với bệnh tim mạch
Một số loại thuốc dùng điều trị hen có khả năng khiến tình trạng bệnh tim mạch diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực. Chẳng hạn như:
- Thuốc kháng viêm corticoid đường uống: Có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim lên gấp 2,5 lần, dùng corticoid toàn thân liều càng cao thì càng có nhiều nguy cơ hơn.
- Thuốc đồng vận beta: Loại thuốc hỗ trợ giãn phế quản này được báo cáo làm tăng nhịp tim, hạ kali máu. Nếu dùng thuốc đồng vận beta liều cao có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp, và đột tử.
- Theophylline: Mặc dù có tác dụng điều trị hen, loại thuốc này cũng hiếm được sử dụng vì có nguy cơ gây tai biến tim mạch với liều cao, chống chỉ định cho người có nhịp tim nhanh hoặc bệnh mạch vành.
Thuốc tim mạch với bệnh hen
- Một số thuốc ức chế beta, cụ thể là thuốc ức chế beta không chọn lọc, thường dùng trong điều trị bệnh lý tim mạch có thể khiến bệnh nhân hen bị lên cơn hen cấp nếu sử dụng không thích hợp.
- Ở trường hợp hiếm gặp hơn, các loại thuốc tim khác như aspirin có nguy cơ khởi phát hen trên một vài người bệnh và thuốc ức chế men chuyển có khả năng khiến bệnh nhân bị ho hoặc co thắt phế quản.
3. Chẩn đoán bệnh nhân bị hen và tim mạch
Để chẩn đoán bệnh nhân hen có bị mắc cả bệnh tim mạch hay không cần lưu ý một số đặc điểm sau:
- Các triệu chứng ho, khó thở, nặng ngực và khò khè là biểu hiện của bệnh hen suyễn.
- Trong khi đó, đau ngực (không phải nặng ngực) có thể là do bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc các bệnh lý liên quan đến lồng ngực khác.
- Bệnh nhân hen bị ho do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu là ho mãn tính thì không phải là do các loại thuốc hay được dùng cho bệnh nhân tim mạch.
- Khó thở và khò khè cũng có thể là triệu chứng của suy tim.
- Nếu bệnh nhân có nhiều dấu hiệu của hen thì có thể thử điều trị hen bằng thuốc giãn phế quản và corticoid trước.
- Ngược lại, bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng đơn lẻ và điều trị hen không có hiệu quả thì cần lưu ý đến các bệnh tim mạch.
Bệnh hen không có cách chữa trị dứt điểm, song người bệnh có thể yên tâm dùng corticoid hít và montelukast để kiểm soát tốt các triệu chứng. Bệnh nhân bị hen và tim mạch nên điều chỉnh lối sống nhằm tránh những yếu tố có hại cho tim mạch như: hút thuốc, béo phì, ít vận động. Ngoài ra luyện tập thể dục thường xuyên và khám sức khỏe đều đặn là những điều bệnh nhân hen tim cần ghi nhớ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.