Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Ung thư âm đạo chiếm khoảng 6% ung thư phụ khoa và ít phổ biến hơn ung thư cổ tử cung. Các trường hợp ung thư âm đạo là tương đối hiếm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy kết quả khi kiểm tra những phụ nữ có dấu hiệu tổn thương âm đạo có liên quan đến chủng vi rút HPV. Đây là loại lây lan qua quan hệ tình dục rất phổ biến. Một số chủng HPV có liên quan đến nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, âm hộ và âm đạo.
1. Vi rút HPV là gì?
HPV (Human papilloma virus) là một loại virus gây u nhú ở người. Nhiễm HPV là nhiễm trùng phổ biến trên thế giới. Có đến 11-12% dân số thế giới (tương đương 700 - 800 triệu người) hiện đang nhiễm HPV ở cả nam và nữ. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm HPV vào khoảng 8 -11% tùy vùng miền. Có ít nhất 50% phụ nữ đã nhiễm HPV 1 lần trong đời. Một số loại có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như mụn sinh dục và ung thư. Nhưng có những loại vắc-xin có thể ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe này.
Virus HPV lây truyền qua đường tình dục có hai loại khác nhau:
- Các chủng virus HPV nguy cơ thấp gây ra mụn cóc sinh dục trên dương vật hay âm đạo.
- Các chủng virus HPV nguy cơ cao gây ung thư ở cả nam và nữ.
Virus HPV liên quan đến các bệnh ung thư: hậu môn, hầu họng, cổ tử cung, dương vật, âm đạo. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở phụ nữ đã bị nhiễm HPV, tiêm vắc xin Gardasil có hiệu quả 97-100% chống lại các tổn thương âm hộ và tiền ung thư âm đạo. Tuy nhiên, vắc xin này có thể hiệu quả cao nhất đối với những phụ nữ chưa từng hoạt động tình dục.
2. Tổng quan về ung thư âm đạo
Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp xảy ra trong âm đạo - là cơ ống kết nối tử cung với bộ phận sinh dục bên ngoài. Ung thư âm đạo thường xảy ra trong các tế bào lót trên bề mặt âm đạo. Trong khi một số loại ung thư có thể lan đến âm đạo từ những nơi khác trong cơ thể, thì ung thư mà bắt đầu ở âm đạo (ung thư âm đạo nguyên phát) là rất hiếm.
Chẩn đoán ung thư âm đạo giai đoạn đầu là cơ hội tốt nhất để chữa trị. Khi ung thư âm đạo lan ra phạm vi ngoài âm đạo thì chữa trị sẽ khó hơn nhiều. Tỷ lệ sống sót đối với ung thư âm đạo là khác nhau và dựa vào các yếu tố khác nhau. Nhìn chung, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với phụ nữ mắc tất cả các giai đoạn ung thư âm đạo là 47%. Nếu ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm nhất trước khi nó lan rộng (có thể coi là giai đoạn 1), tỷ lệ sống sót sau 5 năm dao động từ 75-95%. Nếu ung thư chưa lan ra ngoài âm đạo (giai đoạn 2), tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 50-80%. Nếu ung thư lan ra bên ngoài thành âm đạo (giai đoạn 3, 4), tỷ lệ sống sót sau 5 năm dao động 15-60%.
2.1. Triệu chứng
Ung thư âm đạo sớm có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì. Khi đến giai đoạn bùng phát bệnh thì có thể gây ra một số triệu chứng:
- Chảy máu âm đạo bất thường. Ví dụ như sau khi giao hợp hoặc sau thời kỳ mãn kinh.
- Cục hoặc khối trong âm đạo.
- Đi tiểu cảm thấy đau.
- Có dấu hiệu bị táo bón.
- Đau vùng xương chậu.
2.2. Nguyên nhân
Ung thư âm đạo không có nguyên nhân rõ ràng. Nói chung, ung thư bắt đầu từ khi các tế bào khỏe mạnh có sự đột biến gen biến các tế bào bình thường thành các tế bào bất thường. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và nhân lên với tốc độ nhanh rồi cuối cùng sẽ bị chết trong một thời gian định sẵn. Các tế bào ung thư phát triển và nhân lên khỏi tầm kiểm soát và chúng không chết. Những tế bào bất thường sẽ tích luỹ tạo thành một khối (khối u). Các tế bào ung thư xâm lấn các mô gần đó và có thể vỡ ra một khối u ban đầu để lan rộng ra nơi khác trong cơ thể (di căn).
2.3. Các loại ung thư âm đạo
Ung thư âm đạo được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu. Các loại ung thư âm đạo bao gồm:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy âm đạo: Bắt đầu trong các tế bào mỏng, phẳng (tế bào vảy) nằm trên bề mặt âm đạo và đây là loại ung thư phổ biến nhất.
- Ung thư tuyến âm đạo (một bướu biểu mô ác tính): Bắt đầu trong các tế bào tuyến trên bề mặt âm đạo.
- U ác tính âm đạo phát triển trong các tế bào sản xuất sắc tố (melanocytes) của âm đạo.
- Ung thư mô liên kết âm đạo phát triển trong các tế bào mô liên kết hoặc các tế bào cơ trong các bức tường của âm đạo.
2.4. Các yếu tố nguy cơ
- Tuổi: Nguy cơ ung thư âm đạo tăng lên khi về già. Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư âm đạo đều trên 60 tuổi.
- Mắc bệnh viêm âm đạo (VAIN) có thể là yếu tố nguy cơ ung thư âm đạo. Với bệnh viêm âm đạo, các tế bào trong âm đạo xuất hiện khác với các tế bào bình thường, nhưng không đủ để được coi là ung thư. Một số ít những người mắc bệnh viêm âm đạo cuối cùng có thể sẽ phát triển thành ung thư âm đạo. Mặc dù vậy, bác sĩ cũng không chắc chắn được nguyên nhân nào khiến một số trường hợp phát triển thành ung thư âm và những người khác vẫn lành tính. Bệnh viêm âm đạo thường được gây ra bởi vi rút HPV lây truyền qua đường tình dục, có thể gây ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ.
- Tiếp xúc với thuốc ngừa sẩy thai: Nếu dùng thuốc diethylstilbestrol(DES) trong khi mang thai vào những năm 1950, có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư âm đạo, cụ thể là ung thư biểu mô âm đạo.
- Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác có liên quan như: nhiều đối tác tình dục, quan hệ tình dục sớm, hút thuốc lá, nhiễm HIV,...
2.5. Biến chứng
Ung thư âm đạo có thể lan rộng (di căn) đến các khu vực xa của cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan và xương.
2.6 Phòng bệnh ung thư âm đạo
Không có cách chắc chắn để ngăn ngừa ung thư âm đạo. Tuy nhiên, để giảm các rủi ro mắc bệnh nên:
- Kiểm tra vùng chậu thường xuyên bằng xét nghiệm Pap. Khi phát hiện ở giai đoạn sớm nhất, ung thư âm đạo có nhiều khả năng được chữa khỏi.
- Tiêm phòng vắc-xin HPV để ngăn ngừa nhiễm trùng HPV có thể làm giảm nguy cơ ung thư âm đạo và các bệnh ung thư liên quan đến HPV.
- Không hút thuốc lá.
3. Vai trò của vắc-xin trong dự phòng HPV
Vi rút HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của người bị nhiễm bệnh. Hôn hay chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng sẽ có nguy cơ cao bị lây truyền vi rút HPV.
Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp phòng ngừa HPV tốt nhất. Vắc-xin HPV giúp phòng bệnh sùi mào gà và các bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo hay u nhú bộ phận sinh dịch do Human Papillomavirus (HPV) gây ra.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang có hai loại vắc-xin phòng HPV được sử dụng là Gardasil 0,5ml (cung cấp bởi MSD - Mỹ) và Cervarix (cung cấp bởi GSK - Bỉ). Hai loại vắc xin này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng chủng vi rút HPV có thể phòng ngừa, đối tượng và lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.
Khi lựa chọn dịch vụ tiêm phòng vắc xin tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, quý khách sẽ được hưởng các lợi ích sau:
- Khách hàng được các bác sĩ chuyên khoa - Vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc khách hàng sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho người tiêm vắc-xin.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho khách hàng trong quá trình tiêm chủng.
- 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng để xử trí các trường hợp như sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Vắc-xin tại bệnh viện được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giúp chất lượng của vắc-xin được đảm bảo tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; webmd.com; cancer.net