Testosterone là một hormon sinh dục nam, là nhân tố quyết định tới sự hình thành những đặc điểm của đàn ông, mang lại sự nam tính và mạnh mẽ cho nam giới. Bên cạnh đó, nó cũng chi phối các hoạt động tình dục và sức khỏe nói chung của cánh mày râu.
1. Vai trò của testosterone đối với sức khỏe của nam giới
Testosterone là một trong những hormon sinh dục nam, được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận. Testosterone đóng vai trò hết sức quan trọng tới sức khỏe của nam giới, bao gồm:
- Giúp hình thành thể hình nam tính trong giai đoạn biệt hóa sinh dục (thời kỳ phôi thai)
- Phát triển giới tính thứ phát và chức năng sinh dục ở tuổi dậy thì
- Thúc đẩy sự phát triển của chức năng sinh dục sau tuổi dậy thì
- Khởi động và duy trì quá trình sinh tinh
- Đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tình dục và làm cương dương vật của nam giới.
- Cần thiết cho các hoạt động chuyển hóa của cơ thể như tổng hợp protein, chức năng gan, sản xuất tế bào máu trong tủy xương, tạo xương, chuyển hóa mỡ, đường và làm to tuyến tiền liệt.
2. Testosterone thấp ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe nam giới?
Tuổi tác càng cao, nồng độ testosterone trong máu càng giảm dần. Đây là một phần của quá trình lão hóa, hay còn gọi là thời kỳ mãn dục ở nam giới. Đối với nhiều nam giới, tình trạng này có thể không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe hoặc không gặp bất cứ triệu chứng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhận thấy cơ thể của họ bắt đầu có những sự thay đổi rõ rệt về sức khỏe, bao gồm:
- Giảm ham muốn tình dục, giảm cương dương vật và số lượng tinh trùng.
- Hệ thần kinh bị suy giảm
- Lười hoạt động thể lực
- Thay đổi thói quen sống, tâm lý và cảm xúc
- Thích sống cô độc
- Thường xuyên thấy đau nhức, mệt mỏi toàn thân
- Giảm sức mạnh và khối lượng cơ bắp
- Tăng khối lượng mỡ bụng và phần trên cơ thể
- Đau lưng, loãng xương
- Nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch
- Rối loạn hệ thống tạo máu
- Ảnh hưởng tới da, tóc, móng và lông.
Ngoài ra, nồng độ testosterone bị suy giảm cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và gây ra các tác hại lâu dài, tiềm ẩn cho nam giới, đặc biệt là nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, loãng xương, béo phì.
3. Mối liên hệ giữa suy giảm testosterone và bệnh tiểu đường
Theo các nghiên cứu gần đây cho biết, đàn ông mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị suy giảm testosterone và ngược lại, những người đàn ông có mức độ testosterone thấp có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường sau này. Testosterone giúp các mô của cơ thể hấp thụ nhiều đường trong máu để đáp ứng với insulin. Nam giới có testosterone thấp thường xuyên bị kháng insulin: họ cần sản xuất nhiều insulin hơn để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Khi thực hiện một cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên, người ta đã chỉ ra rằng có đến một nửa số đàn ông mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nồng độ testosterone thấp.
4. Mối liên hệ giữa sự suy giảm testosterone và bệnh béo phì
Béo phì và sự suy giảm nồng độ testosterone có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, khiến cánh mày râu rơi vào “vòng xoáy” tăng cân và mất cân bằng nội tiết.
Các tế bào mỡ chuyển hóa testosterone thành estrogen, làm giảm nồng độ testosterone. Ngoài ra, béo phì còn làm giảm mức độ globulin liên kết với hormone giới tính (SHBG), một loại protein mang testosterone trong máu. Ít SHBG có nghĩa là testosterone tự do sẽ ít hơn bình thường.
Để cải thiện tình trạng này, giảm cân thông qua tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng nồng độ testosterone trong cơ thể.
5. Hội chứng chuyển hóa và sự suy giảm testosterone
Hội chứng chuyển hóa là tên của một tình trạng bao gồm sự hiện diện của mức cholesterol bất thường, huyết áp cao, béo phì ở vòng eo và lượng đường trong máu cao. Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Các nghiên cứu cho thấy những người đàn ông có testosterone thấp có nhiều khả năng phát triển hội chứng chuyển hóa. Trong hội chứng chuyển hóa, mô mỡ là cơ quan nội tiết sản xuất phần lớn các hormon và cytokin, trong đó mỡ tạng có áp lực mạnh với các thụ thể andogen và các axit béo vì vậy các thụ thể androgen bị tích lũy trong mỡ. Đã có bằng chứng cho rằng testosterone là yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến tình trạng béo phì. Sản xuất chất leptin từ mô mỡ có mối liên hệ chặt chẽ với đề kháng insulin và nó đóng vai trò chính trong quá trình tổng hợp hormon và giảm nồng độ testosterone huyết tương.
Liệu pháp thay thế testosterone có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và béo phì ở nam giới có testosterone thấp. Tuy nhiên, liệu pháp testosterone làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, vì vậy nó không được sử dụng để điều trị hội chứng chuyển hóa.
6. Bệnh tim và sự suy giảm testosterone
Testosterone có tác dụng hỗn hợp trên các động mạch. Nhiều chuyên gia cho biết testosterone góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim và huyết áp cao có xu hướng ảnh hưởng đến nam giới ở độ tuổi trẻ hơn. Nồng độ testosterone cao có thể có hại cho tim. Tuy nhiên, sự thiếu hụt testosterone có liên quan đến tình trạng kháng insulin, béo phì và tiểu đường. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Đàn ông mắc bệnh tiểu đường và testosterone thấp cũng có tỷ lệ xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch cao hơn bình thường.
Một lượng testosterone nhất định là cần thiết để giúp cho các động mạch khỏe mạnh vì nó được chuyển đổi thành estrogen, giúp bảo vệ các động mạch khỏi bị hư hại. Tuy nhiên, cho đến nay, không có nghiên cứu nào cho thấy việc thay thế testosterone có thể bảo vệ tim hoặc ngăn ngừa các cơn đau tim.
7. Sự suy giảm testosterone và các vấn đề sức khỏe khác ở nam giới
Testosterone thấp thường dẫn tới các tình trạng sức khỏe sau:
- Trầm cảm: Trong một nghiên cứu ở gần 4.000 đàn ông trên 70 tuổi, những người có mức testosterone thấp nhất có khả năng bị trầm cảm cao gấp đôi.
- Rối loạn chức năng cương dương (ED): Các vấn đề về cương cứng và giảm ham muốn tình dục là những triệu chứng phổ biến của sự suy giảm testosterone. Trong khi hầu hết các tình trạng bị rối loạn chức năng cương dương ở những người đàn ông lớn tuổi là do xơ vữa động mạch.
8. Các biện pháp giúp tăng testosterone ở nam giới
Sự gia tăng testosterone ở nam giới tạo điều kiện cho sự phát triển của cơ bắp và giúp cải thiện sức khỏe sinh sản. Cánh mày râu nên cố gắng duy trì mức độ testosterone ổn định, nhất là khi đã có tuổi. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp bạn làm tăng testosterone trong cơ thể:
- Tập thể dục thường xuyên: đối với những người cao tuổi nên tập luyện thể dục hàng ngày để duy trì mức testosterone, giúp cơ thể luôn sung mãn mặc dù đã bị suy giảm đi ít nhiều do sự tàn phá của thời gian.
- Bổ sung đầy đủ lượng protein, chất béo và carbohydrates: một chế độ ăn uống khoa học giúp tăng nồng độ testosterone cho nam giới, bao gồm đủ protein để hỗ trợ giảm béo và duy trì nguồn nguyên liệu đi nuôi dưỡng cơ thể, nạp thêm các loại chất béo tốt từ dầu cá, dầu thực vật, hạt lanh, vừng,...rất có lợi cho testosterone và sức khỏe nói chung, đủ lượng carbohydrate giúp tối ưu hóa mức độ testosterone trong quá trình rèn luyện cơ thể.
- Giảm thiểu căng thẳng và mức cortisol: sự căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nồng độ hormone cortisol trong cơ thể, dẫn tới suy giảm testosterone.
- Bổ sung vitamin D: đây là một chất giúp tăng cường testosterone tự nhiên.
- Bổ sung đầy đủ khoáng chất và các loại vitamin: giúp tăng nội tiết tố ở nam giới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com