Mổ u nang buồng trứng có ảnh hưởng gì không?

Mổ u nang buồng trứng được chỉ định khi các khối u được xác định là khối u thực thể, đặc biệt là trong trường hợp khối u có kích thước lớn, phát triển nhanh và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vậy sau khi mổ u nang buồng trứng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bệnh nhân không? Những điều cần lưu ý khi thực hiện sẽ được chia sẻ qua bài viết này.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. U nang buồng trứng là bệnh gì?

U nang buồng trứng là một loại khối u lành thường, hình thành và phát triển trong buồng trứng của phụ nữ từ giai đoạn tuổi dậy thì. Khối u có dạng nước và chứa dịch bên trong, được bao bọc bên ngoài bởi vỏ nang. Đa số các trường hợp là u lành tính, tức là không gây ra vấn đề nghiêm trọng và thường tự biến mất mà không cần điều trị.  

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi khối u nang thực thể phát triển to lớn, khối u có thể gây ra tình trạng chèn ép lên các cơ quan xung quanh hoặc gây xoắn buồng trứng. Trong những trường hợp này, việc theo dõi và điều trị kịp thời bằng cách mổ u nang buồng trứng là cần thiết để ngăn chặn những biến chứng tiêu cực.

Các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ mắc u nang buồng trứng bao gồm cảm giác đau sau khi quan hệ tình dục, rối loạn kinh nguyệt, cơn đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở bụng dưới hoặc ở phía bên trái hoặc phải của buồng trứng, thường xuyên bị đầy hơi, và chướng bụng.

Có hai loại chính của u nang buồng trứng:

  • U nang cơ năng: Đây là các khối u nước có vỏ mỏng, thường xuất hiện ở phụ nữ còn kinh nguyệt, hình thành do rối loạn chức năng của buồng trứng.
  • U nang thực thể: Gồm ba dạng chính là u nang nước, u nang nhầy và u nang bì. U nang nước là khối u chứa nhiều dịch, có vỏ mỏng và thường lành tính. U nang nhầy có thể phát triển lớn và chứa nhiều dịch nhầy trong lớp vỏ của u nang. U nang bì thường có cấu trúc phức tạp hơn.

Phương pháp điều trị sẽ được quyết định dựa trên từng trường hợp cụ thể sau khi bác sĩ khám và tư vấn. Trong những trường hợp khối u nang có kích thước lớn hơn 10cm, gây chảy máu hoặc gây ra biểu hiện của việc xoắn buồng trứng, phương pháp điều trị ngoại khoa phẫu thuật mở sẽ được thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.

2. Một số cách mổ u nang buồng trứng

Quyết định phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người, sự tiến triển của bệnh và nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Trong những trường hợp cần thiết phải phẫu thuật, các phương pháp sau có thể được bác sĩ thực hiện:

2.1. Phẫu thuật nội soi

Đây là một phương pháp điều trị tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích như an toàn, đạt được kết quả thẩm mỹ cao, không cần sử dụng kháng sinh hoặc chỉ sử dụng với mục đích phòng tránh, ít gặp phải biến chứng và có khả năng phục hồi nhanh chóng.

Phương pháp mổ u nang buồng trứng này được áp dụng cho những trường hợp khối u không gây nghi ngờ hoặc không có dấu hiệu  ác tính, và kích thước của khối u cũng không quá lớn.

Trong quá trình này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi được trang bị nguồn sáng và camera ở đầu ống, đưa vào bên trong ổ bụng của bệnh nhân thông qua một vết cắt nhỏ chỉ dài khoảng 1cm tại rốn để quan sát bên trong. Đặc biệt, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng vùng buồng trứng có khối u và đánh giá tình trạng của khối u này.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiếp tục tạo các vết cắt nhỏ khác, dài khoảng 5mm, để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào bên trong ổ bụng và thực hiện việc cắt bỏ khối u. Khối u sau khi được cắt bỏ sẽ được đặt vào một túi đóng kín và đưa ra khỏi bụng của bệnh nhân.

2.2. Phương pháp mổ mở

Trường hợp u nang buồng trứng có kích thước lớn, gặp biến chứng như xoắn, vỡ nang hoặc u nang xuất hiện ở những người có bệnh lý nền sẽ được bác sĩ chỉ định mổ mở.

Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ thực hiện một cắt trên vùng bụng của bệnh nhân, chiều dài của vết cắt sẽ phụ thuộc vào kích thước của khối u để tiếp cận khối u một cách dễ dàng. Bác sĩ sẽ quyết định chỉ loại bỏ u hoặc cả buồng trứng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Sau phẫu thuật, toàn bộ khối u đã được cắt ra sẽ được gửi đi kiểm tra giải phẫu bệnh để xác định tính chất của khối u và lập kế hoạch điều trị tiếp theo.

So với phương pháp mổ nội soi, phương pháp này mang theo nhiều rủi ro hơn như nhiễm trùng vết mổ, dính ruột, hoặc tắc nghẽn ruột. Thêm vào đó, quá trình hồi phục sau phẫu thuật cũng kéo dài hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ ở độ tuổi cao.

3. Phụ nữ mổ u nang buồng trứng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Một vấn đề được nhiều phụ nữ quan tâm khi phải mổ u nang buồng trứng là liệu quá trình này có ảnh hưởng đến sức khỏe không. Phẫu thuật u nang buồng trứng là một phương pháp ngoại khoa nhằm loại bỏ các khối u nang không bình thường trên buồng trứng, giúp khôi phục chức năng sinh sản của phụ nữ. Vì vậy, phương pháp này không gây ra ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của bệnh nhân.

Tuy nhiên, như mọi phẫu thuật khác, mổ u nang buồng trứng cũng có nguy cơ tiềm ẩn. Dù khối u thường lành tính và phẫu thuật có tỉ lệ thành công cao, nhưng có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng sau phẫu thuật, chảy máu, tổn thương đến ruột và bàng quang, cũng như để lại sẹo sau quá trình mổ.

4. Mổ u nang buồng trứng có sinh con được không?

Sau khi mổ u nang buồng trứng nhiều phụ nữ lo lắng rằng có thể mang thai được hay không. Ảnh hưởng của u nang buồng trứng đối với sức khỏe tổng thể và khả năng mang thai cũng như giai đoạn thai kỳ của phụ nữ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại u nang, kích thước, biến chứng, tuổi tác và khả năng sinh sản cơ bản của bệnh nhân.

Sự phát triển của thai nhi diễn ra khá nhanh chóng, đặc biệt là trong 3 tháng giữa thai kỳ, khiến cho các u nang thường tăng kích thước, có thể gây ra tác động tiêu cực đối với thai nhi như sinh non hoặc sảy thai.

Ngược lại, việc mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến u nang buồng trứng, có thể gây ra biến chứng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, kể cả sau khi sinh. Đặc biệt là sau sinh, khi ổ bụng rỗng, thành bụng mềm, bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến chứng xoắn u.

Vì vậy, nếu phát hiện bản thân mắc u nang buồng trứng có khuynh hướng diễn tiến trong thai kỳ, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị ngay từ khi chưa có triệu chứng, để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, chuyển dạ an toàn cho cả mẹ và em bé.

5. Những điều cần chuẩn bị khi phẫu thuật u nang buồng trứng

5.1. Trước khi phẫu thuật

  • Cần hiểu rõ tất cả các lý do tại sao phải thực hiện phẫu thuật, cũng như các nguy cơ biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật.  
  • Ngưng sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến sự đông máu.
  • Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh lý nào khác, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Cần điều trị ổn định bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào, bao gồm cả nhiễm nấm, bệnh tim mạch, tiểu đường, cường giáp, hen suyễn, huyết khối tĩnh mạch, suy dinh dưỡng, thiếu máu...
  • Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào có thể ảnh hưởng đến quá trình mổ u nang buồng trứng, bao gồm tiền sử dị ứng, sốc phản vệ, sốc thuốc, các bệnh trước đây, việc tháo lắp răng giả, răng lung lay dễ gãy.
  • Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia... để quá trình phục hồi sau phẫu thuật diễn ra nhanh chóng hơn.

5.2. Vào ngày phẫu thuật

  • Trước thời gian dự kiến phẫu thuật, bệnh nhân cần nhịn ăn và uống ít nhất 6 giờ. Thời gian nhịn ăn và chuẩn bị ruột trước phẫu thuật sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức độ phức tạp của ca mổ và cần thiết phải nhịn ăn lâu hơn trong một số trường hợp.
  • Vào đêm trước ngày phẫu thuật, người bệnh cần tắm gội sạch sẽ, cắt móng tay, và loại bỏ hoàn toàn các sơn móng tay và móng chân.
  • Trong trường hợp cần phải uống thuốc theo hướng dẫn, chỉ nên uống với một ít nước lọc.

5.3. Sau khi phẫu thuật

  • Trong khoảng thời gian 24-48 giờ sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể trải qua cảm giác đau ở vết mổ, tuy nhiên, tình trạng này sẽ dần giảm đi trong những ngày tiếp theo.
  • Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau để giảm đau sau phẫu thuật, và nếu cần thiết, cũng sẽ kê đơn kháng sinh dài ngày.
  • Để tránh nguy cơ dính ruột và huyết khối tĩnh mạch, người bệnh cần nỗ lực ngồi dậy sớm và thực hiện các bài tập đi lại.
  • Việc cắt chỉ vết mổ thường diễn ra sau 5-7 ngày sau khi phẫu thuật.
  • Kết quả của xét nghiệm mổ u nang buồng trứng thường sẽ có sau 7-10 ngày. Nếu kết quả cho ra là u nang lành tính thì việc điều trị được coi là hoàn tất. Tuy nhiên, nếu không may kết quả là u nang ác tính, bác sĩ sẽ cùng người bệnh và gia đình thảo luận về kế hoạch điều trị tiếp theo để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

6. Lưu ý sau khi mổ u nang buồng trứng

Dưới đây là một số điều cần lưu ý trong quá trình chăm sóc sau quá trình mổ u nang buồng trứng để giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng:

  • Uống đủ nước hàng ngày để duy trì sức khỏe và hỗ trợ quá trình phục hồi.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và không cần kiêng các loại thực phẩm như thịt cá, rau xanh, và các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa.
  • Giữ tinh thần vui vẻ và thoải mái, tránh thức khuya để cơ thể có thể nghỉ ngơi và phục hồi tốt hơn.
  • Tránh hút thuốc, uống rượu bia và các chất kích thích để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra một cách tốt nhất.
  • Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không ngưng sử dụng thuốc một cách tự ý.
  • Vận động và tập luyện đi lại đều đặn, vừa phải.

Đi tái khám theo lịch trình đã được bác sĩ chỉ định để kiểm tra sức khỏe sau phẫu thuật và đánh giá tình trạng làm lành của vết thương. 

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sau khi mổ u nang buồng trứng để phục hồi nhanh chóng.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sau khi mổ u nang buồng trứng để phục hồi nhanh chóng.

Tóm lại, mặc dù u nang buồng trứng thường lành tính và tỉ lệ thành công khi mổ u nang buồng trứng cao nhưng bệnh nhân vẫn cần theo dõi và điều trị kịp thời. Những người có kế hoạch mang thai trong tương lai gần cần can thiệp sớm để đảm bảo sức khỏe sinh sản và phát triển của thai nhi. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe