Mở nắp sọ điều trị u sọ hầu

U sọ hầu là bệnh lý nguy hiểm, nếu không cắt bỏ hoàn toàn sẽ dễ dẫn đến tái phát. Phẫu thuật mở nắp sọ điều trị u sọ hầu là phương pháp có hiệu quả khả quan trong điều trị căn bệnh này.

1. Tìm hiểu về u sọ hầu

U sọ hầu là khối u phát triển gần tuyến yên, sát xương sọ. Bệnh u sọ hầu chiếm tỷ lệ 2 - 4% trong tổng số các ca u não. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, đôi khi gặp ở người lớn. U sọ hầu có 2 thể là: Thể men răng (thường gặp ở trẻ em) và thể nhú (thường gặp ở người lớn). Hầu hết các khối u sọ hầu đều phát triển chậm và lành tính.

Vị trí phát triển của khối u sọ hầu ngay dưới đồi thị, quanh tuyến yên và mạch máu lớn của não. Đây là vị trí đặc biệt nguy hiểm. Đồng thời, nếu không cắt bỏ u sọ hầu hoàn toàn, nó rất dễ tái phát. Vì vậy, dù không lây lan u sọ hầu vẫn được xem là một loại u não ác tính.

Ở giai đoạn đầu, khối u sọ hầu thường phát triển chậm. Sau khoảng 1 - 2 năm bệnh mới xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng của u sọ hầu bao gồm: Đau đầu dai dẳng, uống thuốc giảm đau không khỏi hoặc bị mất một phần thị lực. Ngoài ra, bệnh nhân u sọ hầu còn có một số triệu chứng điển hình khác như thay đổi tâm trạng, tính khí thất thường, mất ngủ, buồn nôn vào buổi sáng, khó giữ thăng bằng, dễ té ngã, són tiểu, trầm cảm, hôn mê,... U sọ hầu cũng có thể làm thay đổi hormone, ảnh hưởng tới thị lực, khiến trẻ khó tăng cân,...

2. Phương pháp điều trị u sọ hầu

Phương pháp điều trị u sọ hầu phổ biến nhất là phẫu thuật. Ngoài ra, một số trường hợp có thể lựa chọn phương pháp xạ trị hoặc xạ trị kết hợp tiểu phẫu. Sau điều trị, bệnh nhân sẽ được chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định xem đã loại bỏ khối u hoàn toàn chưa. Nếu phẫu thuật chưa loại bỏ hết khối u, bệnh nhân sẽ được xạ trị để loại bỏ hoàn toàn khối u bị sót lại.

Chi tiết phương pháp điều trị như sau

  • Phẫu thuật: Nhằm mục đích lấy bỏ tối đa khối u, bảo vệ cấu trúc thần kinh mạch máu xung quanh. Ở trẻ em, lấy hết khối u ở lần phẫu thuật đầu tiên, giúp tránh tái phát và tăng hiệu quả điều trị bệnh. Phương pháp này có thể thực hiện cho 70 - 85% trẻ em mắc bệnh. Việc lựa chọn đường mổ tùy thuộc vị trí, kích thước, tính chất, hướng phát triển của khối u và kinh nghiệm của bác sĩ để mang lại hiệu quả cao nhất, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Có 3 kỹ thuật phẫu thuật u sọ hầu chính:
    • Phẫu thuật mở nắp sọ trán nền hoặc trán 2 bên: Áp dụng cho u sọ hầu phát triển vùng dưới đồi, quanh giao thoa thị giác. Phần lớn u sọ hầu được mổ theo đường mổ này;
    • Phẫu thuật nội soi qua mũi: Áp dụng với trẻ trên 8 tuổi. Với những bệnh nhân có trục khối u phát triển song song với đường mổ qua xương bướm, kỹ thuật này làm tăng hiệu quả lấy khối u ở vùng sau giao thoa thị giác - dưới đồi thị. Khi áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua mũi, cần chú ý vá lại nền sọ cẩn thận để tránh rò sau mổ;
    • Phẫu thuật qua đường thể chai, qua vỏ não vào não thất: Được chỉ định cho những trường hợp u sọ hầu phát triển vào trong não thất ba;
  • Điều trị hỗ trợ (nội tiết): U sọ hầu ảnh hưởng tới chức năng tuyến yên nên tất cả các bệnh nhân đều cần được điều trị bổ trợ nội tiết tuyến yên. Trường hợp khối u hoặc việc phẫu thuật làm giảm sản xuất hormone thì bệnh nhân cần được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone nhằm duy trì lượng hormone bình thường trong cơ thể;
  • Điều trị xạ trị: Chỉ định cho u sọ hầu tái phát không thể tiếp tục phẫu thuật. Đây là phương pháp sử dụng tia X cường độ cao để tiêu diệt khối u

Chụp MRI giúp xác định vị trí, tình trạng khối u
Chụp MRI giúp xác định vị trí, tình trạng khối u

3. Tìm hiểu phương pháp phẫu thuật u sọ hầu bằng đường mở nắp sọ

Phẫu thuật u sọ hầu theo đường mở nắp sọ có những ưu điểm như phẫu trường rộng, khả năng tùy biến cao tùy theo vị trí khối u sọ hầu (tại hố yên, trên yên hay não thất ba,...) nên có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp bệnh nhân.

3.1 Chỉ định và chống chỉ định

  • Chỉ định: Khối u sọ hầu lớn, phát triển sang bên, ra sau hoặc vào não thất;
  • Chống chỉ định: Phẫu thuật u sọ hầu không có chống chỉ định tuyệt đối.

3.2 Chuẩn bị phẫu thuật

  • Người thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ phụ mổ, điều dưỡng, bác sĩ gây mê;
  • Người bệnh: Được khám bệnh chi tiết, thực hiện các xét nghiệm cơ bản, khám mắt, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, khám gây mê trước mổ; cạo tóc, gội đầu sạch sẽ, vệ sinh vùng mổ;
  • Phương tiện kỹ thuật: Thiết bị gây mê nội khí quản và theo dõi người bệnh trong và sau mổ; bàn mổ có gá đầu Mayfield; khoan máy, kính vi phẫu, hệ thống định vị thần kinh, dao hút siêu âm; vật tư tiêu hao (gạc, bông, chỉ khâu, sáp sọ,...); ghim sọ hoặc nẹp vít hàm mặt, bộ dẫn lưu kín dưới da, chất liệu cầm máu Floseal,...;
  • Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị đúng theo quy định.

3.3 Tiến hành phẫu thuật

  • Tư thế: Bệnh nhân nằm ngửa, tùy vị trí khối u có thể chỉnh tư thế đầu hơi nghiêng sang trái hoặc thẳng, đầu ngửa tối đa, cố định đầu trên khung Mayfield;
  • Vô cảm: Thực hiện gây mê nội khí quản;
  • Đăng ký hệ thống định vị thần kinh cho bệnh nhân;
  • Sát trùng rộng vùng mổ, trải toan;
  • Gây tê vị trí rạch da: Đường chân tóc trán phải hoặc trên cung mày;
  • Thực hiện rạch da, bóc lớp cân cơ;
  • Dùng khoan máy mở nắp sọ;
  • Mở màng cứng theo hình vòng cung;
  • Đặt kính vi phẫu, tách màng nhện sylvian, hút dịch não tủy để làm xẹp não;
  • Xác định thần kinh thị giác và động mạch cảnh cùng bên, thực hiện bóc tách màng nhện về phía đường giữa để xác định giao thoa thị giác;
  • Đốt và cắt vỏ u sọ hầu, khi dịch trong u chảy ra thì khối u sẽ xẹp hơn. Tiếp theo thực hiện lấy u từng phần bằng dao hút siêu âm hoặc curette rồi bóc tách vỏ u. Song song với đó sử dụng hệ thống định vị để kiểm tra các cực;
  • Chú ý bảo tồn cuống tuyến yên;
  • Cầm máy bằng dao điện lưỡng cực, floseal hoặc surgicel;
  • Đóng màng cứng bằng chỉ khâu prolene 5.0;
  • Đặt dẫn lưu ngoài màng cứng và dưới da;
  • Dùng ghim hoặc nẹp vít hàm mặt cố định nắp sọ;
  • Thực hiện đóng vết mổ.

3.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Mạch, nhiệt độ, huyết áp và hô hấp của bệnh nhân;
  • Tri giác, đồng tử và nước tiểu;
  • Tình trạng chảy máu vết mổ.

Hậu phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi về huyết áp, nhiệt độ,...
Hậu phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi về huyết áp, nhiệt độ,...

3.5 Xử trí tai biến sau phẫu thuật

  • Chảy máu: Thực hiện mổ lại lấy máu tụ và cầm máu;
  • Đái tháo nhạt hoặc suy thượng thận: Điều trị bằng cách dùng thuốc (sử dụng hormon thay thế), bồi phụ nước - điện giải;
  • Giãn não thất do chảy máu ổ mổ: Xử trí bằng cách dẫn lưu não thất ra ngoài hoặc vào ổ bụng;
  • dịch não tủy: Nên chọc dẫn lưu dịch não tủy thắt lưng, khâu tăng cường vết mổ và điều trị kháng sinh.

Phẫu thuật mở nắp sọ điều trị u sọ hầu là phương pháp được chỉ định rộng rãi cho các bệnh nhân. Người bệnh nên tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị để nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh và giảm nguy cơ tai biến.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe