Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Mỡ máu cao là căn bệnh nguy hiểm và thường gặp ở người trưởng thành. Tình trạng mỡ máu cao có thể để lại biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, gan, thận. Nếu không được kiểm soát tác hại của mỡ máu có thể để lại hậu quả đáng tiếc.
1. Đặc điểm của bệnh mỡ máu
Cholesterol, triglycerid là 2 thành phần cơ bản của mỡ máu. Trong đó cholesterol có 3 loại là cholesterol tốt, cholesterol xấu và cholesterol toàn phần.
1.1. Đặc điểm của cholesterol
Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của cơ thể con người. Một phần lớn cholesterol được gan tổng hợp từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn mà chúng ta dung nạp hàng ngày như: trứng, thịt, sữa, mỡ động vật, bò, tôm, cá.
Đặc điểm của cholesterol kém tan trong nước, thực tế chúng không thể tan và di chuyển và di chuyển được trong máu. Cholesterol phải nhờ lipoprotein, đây là một chất do gan tổng hợp ra và tan trong nước mang theo cholesterol.
Sự hoạt động của các màng tế bào trong cơ thể cần có cholesterol để sản xuất ra nội tiết tố. Mặt khác, đây cũng chính là thành phần của muối mật. Cholesterol tốt (HDL-C) đảm nhận vai trò làm cho thành động mạch mềm mại để lưu thông máu hiệu quả, đồng thời có khả năng bảo vệ thành mạch máu. Ngược lại, cholesterol xấu (LDL- C) làm cho xơ vữa thành động mạch.
1.2. Đặc điểm của triglycerid
Triglyceride là chất do dư thừa của axit béo không được chuyển thành cholesterol ở gan (khi chất axit béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol. Ngược lại, nếu lượng axit béo bị dư thừa sẽ trở thành triglycerid). Tại gan, triglycerid sẽ kết hợp với chất apoprotein và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỉ trọng thấp.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh mỡ máu
Nguyên nhân chính gây ra bệnh mỡ máu là do thói quen ăn uống cũng như duy trì một lối sống không lành mạnh, nhất là ở người trưởng thành. Do đó, bệnh mỡ máu thường gặp ở người cao tuổi.
Đặc biệt, tình trạng mỡ máu tăng cao do chế độ ăn uống có chứa nhiều mỡ động vật, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, các loại thịt đỏ trong các bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, một nguyên nhân chính gây ra bệnh mỡ máu là tiền sử những người mắc các bệnh lý béo phì, ít vận động hoặc những người mắc bệnh tiểu đường. Với tình trạng tăng triglycerid thường gặp ở người uống nhiều bia rượu, di truyền hoặc rối loạn gen chuyển hóa.
3. Mỡ máu cao gây tác hại gì cho sức khỏe?
Tuy rằng bệnh mỡ máu (rối loạn lipid máu) không gây tử vong trực tiếp cho người bệnh nhưng những hệ lụy mà căn bệnh này để lại không hề thua kém các bệnh lý nguy hiểm chết người nào. Vì thế việc nhận biết được mức độ nguy hiểm của bệnh mỡ máu với cơ thể là rất quan trọng. Một số tác hại của bệnh mỡ máu lên cơ thể có thể kể đến như:
3.1. Mỡ máu cao ảnh hưởng đến tim mạch
Mỡ máu tăng cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh xơ vữa động mạch, nếu tình trạng này kéo dài gây ra hẹp động mạch khiến lượng máu cung cấp cho tim giảm. Đặc biệt nếu cả chỉ số cholesterol và triglyceride tăng thì mức độ nguy hiểm của bệnh có thể trở nên trầm trọng, đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, hậu quả là thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và tử vong.
3.2. Mỡ máu cao gây đột quỵ não
Mỡ máu tăng cao, đặc biệt ở người tăng cholesterol gây lắng đọng trong thành mạch hình thành các mảng xơ vữa. Theo đó, các mảng xơ vữa di chuyển từ nơi khác đến hoặc hình thành ngay tại mạch máu não, từ đó làm hẹp lòng mạch và dẫn đến giảm lưu lượng tuần hoàn và gây ra tình trạng thiếu máu não. Nghiêm trọng hơn, máu lên não có thể tắc nghẽn gây ra đột quỵ não. Đã có nhiều thống kê cho thấy, có đến 93% bệnh nhân đột quỵ não có tiền sử rối loạn mỡ máu.
3.3. Mỡ máu cao ảnh hưởng đến huyết áp
Tình trạng mỡ máu tăng cao gây ra các mảng xơ vữa khiến lòng mạch hẹp lại, thành mạch kém đàn hồi, từ đó làm tăng áp lực lên thành mạch máu.
Để cung cấp đầy đủ máu cho các hoạt động của cơ thể thì bắt buộc tim phải làm việc tích cực hơn. Điều này làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng hấp thu giữ nước trong cơ thể dẫn đến bệnh cao huyết áp.
3.4. Mỡ máu cao gây ra bệnh gan nhiễm mỡ
Nguyên nhân chính gây ra bệnh mỡ máu là do chế độ ăn uống không hợp lý. Theo đó, toàn bộ thức ăn được dung nạp đều được chuyển hóa qua gan, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích lũy chất béo ở trong gan vượt quá 5% trọng lượng. Bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh khó có thể nhận biết. Về lâu dài gan nhiễm mỡ làm suy giảm chức năng gan và gây ra nhiều bệnh lý về gan mật khác.
3.5. Mỡ máu cao làm giảm chức năng sinh lý
Mỡ máu cao không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể mà còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục ở cả 2 giới. Theo thống kê, có 80% các trường hợp nam giới bị tăng cholesterol máu có biểu hiện rối loạn cương dương và biểu hiện này sớm hơn những biến chứng về tim mạch trên bệnh nhân bị mỡ máu cao. Ngoài ra, cholesterol cao cũng làm giảm ham muốn ở nữ giới.
Trước đây, bệnh mỡ máu chỉ thường xuyên gặp ở người cao tuổi nhưng căn bệnh này hiện nay đã có xu hướng trẻ hóa, thậm chí bệnh mỡ máu đã ghi nhận bệnh nhân mắc khi ở độ tuổi 20. Vì thế việc phòng ngừa bệnh mỡ máu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh trong tương lai rất quan trọng.
4. Cách phòng ngừa bệnh mỡ máu
Để phòng ngừa bệnh mỡ máu thì việc duy trì chế độ dinh dưỡng và lối sống khoa học rất quan trọng. Theo đó, để hạn chế tình trạng mỡ máu tăng cao, bạn nên hạn chế sử dụng đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các loại thịt màu đỏ, da động vật, không hút thuốc lá, rượu bia.. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các loại dầu thực vật, dầu oliu, dầu đậu nành, ăn cá thay các loại thịt. Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây để cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng. Các dưỡng chất này giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt, đào thải độc tố.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì việc tập luyện cũng rất quan trọng, Hàng ngày, bạn nên cần tăng cường tập thể dục đều đặn hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe như đi bộ, chơi cầu lông, đọc sách báo, tập yoga sinh hoạt câu lạc bộ.
Cuối cùng người mắc bệnh mỡ máu cần tái khám sức khỏe định kỳ để thực hiện các xét nghiệm. Từ đó các bác sĩ sẽ có hương tư vấn, thăm khám và điều trị phù hợp, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng mỡ máu tăng cao có thể gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.