Mổ đẻ nên mổ ngang hay mổ dọc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Mổ đẻ là một phương pháp phẫu thuật lớn ở ổ bụng để giúp lấy thai nhi ra khỏi cơ thể người mẹ. Mổ đẻ có hai phương pháp là mổ ngang và mổ dọc. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng.

1. Mổ đẻ nên mổ ngang hay mổ dọc?

Sinh mổ là một phương pháp phẫu thuật nhằm lấy thai nhi, nhau thai và màng ối ra khỏi khỏi ổ bụng bằng một vết mổ qua thành bụng và thành tử cung còn nguyên vẹn.

Mổ đẻ là một phẫu thuật ổ bụng lớn, có nhiều nguy cơ biến chứng cao hơn so với sinh thường. Một trong những biến chứng thường gặp trên lâm sàng như chảy máu sau mổ đẻ, đau sau mổ đẻ, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng tử cung và ổ bụng,...và mất nhiều thời gian hồi phục.

Sinh mổ có hai phương pháp là mổ ngang và mổ dọc.

Phương pháp mổ ngang:

  • Là phương pháp mổ đẻ mà vết mổ dài từ 10 - 12cm, nằm trên xương vệ, ngay ở viền quần trong.
  • Ưu điểm: sẹo mổ đẹp. nhanh liền.
  • Nhược điểm: Mất nhiều thời gian hơn và nguy cơ chảy máu cao hơn so với phương pháp mổ dọc

Mổ ngang an toàn hơn phương pháp mổ dọc
Mổ ngang an toàn hơn phương pháp mổ dọc

Phương pháp mổ dọc:

  • Là phương pháp mổ đẻ mà trong đó, đường mổ được xác định từ vị trí dưới rốn đến vùng xương mu (chạy dọc theo đường trắng giữa dưới rốn). Đường mổ dài đi qua các lớp da. mỡ, cơ bụng đến tử cung.
  • Ưu điểm: phương pháp này cho phép thực hiện một cách nhanh chóng, mất ít thời gian, thuận tiện, phù hợp với các trường hợp cấp cứu mổ đẻ như vỡ tử cung, thai ngoài tử cung mất máu nhiều hay các trường hợp mất máu sau sinh. Với phương pháp mổ này, nếu trong quá trình mổ đẻ có phát sinh và yêu cầu cần phải mở rộng vết mổ thì phương pháp này hoàn toàn có thể thực hiện được.
  • Nhược điểm: so với vết mổ ngang thì vết mổ dọc thường không đẹp, dễ bị nguy cơ để lại sẹo lồi hơn .
  • Cả hai phương pháp mổ theo chiều dọc và mổ theo chiều ngang, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm nhược điểm riêng, phù hợp với từng hoàn cảnh cũng như tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong cuộc chuyển dạ. Trên lâm sàng hiện nay có tới 90% các trường hợp mổ đẻ đều được mổ theo phương pháp mổ ngang do vết mổ ngang nhanh lành, có tính thẩm mỹ và ít biến chứng hơn so với vết mổ dọc.

Trên thực tế, việc lựa chọn phương pháp nào sẽ do bác sĩ thực hiện ca mổ lựa chọn dựa trên tình hình thực tại của cả hai mẹ con để đạt được mục tiêu cuối cùng là đưa thai nhi ra khỏi ổ bụng một cách an toàn mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, đồng thời hạn chế tối đa các biến chứng trong và sau mổ.


Bác sĩ sẽ đưa ra phương án mổ phù hợp dựa trên tình hình thực tế
Bác sĩ sẽ đưa ra phương án mổ phù hợp dựa trên tình hình thực tế

2. Khi nào thì mổ đẻ?

Mổ đẻ là một phương pháp thực sự cần thiết trong sản khoa. Tuy nhiên, so với phương pháp đẻ thường, mổ đẻ có nhiều nguy cơ biến chứng. Mặt khác, ở phương pháp sinh thường, sự phục hồi sức khỏe của mẹ và cả sự phát triển của trẻ sau sinh đều có nhiều thuận lợi hơn so với phương pháp mổ đẻ.

Do vậy, trên lâm sàng, nếu không thực sự cần thiết thì sinh thường là phương pháp ưu tiên chọn lựa hàng đầu. Một số trường hợp, ban đầu lựa chọn phương pháp sinh thường, nhưng do phát sinh bất thường trong cuộc chuyển dạ nên bắt buộc phải chuyển mổ đẻ. Câu hỏi đặt ra là vậy với những trường hợp nào thì chỉ định mổ đẻ?

Các trường hợp chỉ định mổ đẻ:

Trước chuyển dạ:

  • Đã có tiền sử sinh mổ trước đó.
  • Ngôi thai bất thường như ngôi ngược, ngôi ngang...
  • Các trường hợp đa thai, song thai.
  • Thai nhi có các vấn đề bất thường,
  • Người mẹ đang bị mắc một số bệnh lý ở vùng bộ phận sinh dục có khả năng lây nhiễm sang cho trẻ như mụn rộp sinh dục do herpes, giang mai, lậu, sùi mào gà, viêm nhiễm bộ phận sinh dục...
  • Người mẹ bị nhau thai tiền đạo hoặc có hiện tượng bong rau non.
  • Người mẹ bị chứng tiền sản giật gây nguy hiểm đến bản thân và thai nhi trong quá trình chuyển dạ.

Sản phụ được chỉ định mổ đẻ nếu mang đa thai
Sản phụ được chỉ định mổ đẻ nếu mang đa thai

Trong chuyển dạ, những trường hợp như sau cần chuyển mổ đẻ để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi:

  • Sức khỏe thai nhi có bất thường trong quá trình chuyển dạ: thai suy,
  • Các trường hợp bị sa dây rốn hay tràng hoa quấn cổ gây ảnh hưởng đến sự hô hấp của trẻ, cản trở tiến triển của cuộc đẻ.
  • Nhau thai bong sớm hay bị bong nhau đột ngột.

Mổ đẻ là một phẫu thuật ổ bụng lớn có thể để lại nhiều nguy cơ biến chứng sau sinh cho người mẹ nếu như không thực hiện đúng các nguyên tắc an toàn của cuộc phẫu thuật. Không phải mọi trường hợp khi có dấu hiệu chuyển dạ đều có chỉ định mổ đẻ. Đẻ mổ ngang hay đẻ mổ dọc còn tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe