Mì ramen ăn liền đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người không có nhiều thời gian hoặc túi tiền eo hẹp. Ramen là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng ramen ăn liền hiện đại được phát minh ra ở Nhật Bản. Một số người lầm tưởng rằng, ramen ăn liền tốt cho sức khỏe chỉ vì nó là của Nhật Bản và cũng bởi vì mì được nấu trong súp, tất cả súp đều bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Vậy quan điểm này có đúng?
1. Mì ramen là gì?
Mì ramen có nguồn gốc từ Nhật Bản thường được làm từ lúa mì và bột mỳ, được dùng chung với các loại nước súp có hương vị hải sản, thịt lợn, thịt bò hoặc rau. Mì này được ưa chuộng tại nhiều quốc gia Châu Á, tại mỗi quốc gia có một phiên bản mỳ ramen riêng biệt nhưng về cơ bản vẫn không khác nguyên bản ban đầu nhiều.
Ngày nay, mỳ ramen đã trở thành món ăn được thương mại hóa bằng cách sản xuất dưới dạng mì ăn liền. Bản chất vẫn là mì được làm từ bột mì, muối và tinh bột, sự khác biệt chính là mì ramen ăn liền thường có hương liệu nhân tạo, thành phần khử nước và chất bảo quản.
Mì ramen ăn liền có xu hướng giá cả phải chăng, tiện lợi có thể mang đi nhiều nơi và dễ dàng chế biến nên được khá nhiều đối tượng ưa chuộng.
2. Thành phần dinh dưỡng của mì ramen
Thông tin dinh dưỡng trong một số sản phẩm, hầu hết mì ramen ăn liền đều có hàm lượng calo thấp nhưng vẫn thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng:
Ví dụ, một phần mì ramen ăn liền vị gà có:
- Lượng calo: 188
- Carbs: 27 gram
- Tổng chất béo: 7 gram
- Chất đạm: 5 gam
- Chất xơ: 1 gram
- Natri: 891 mg
- Thiamine (vitamin B1): 16% lượng tham chiếu hàng ngày (RDI)
- Folate (vitamin B9): 13% RDI
- Mangan: 10% RDI
- Sắt: 9% RDI
- Niacin (vitamin B3): 9% RDI
- Riboflavin (vitamin B2): 6% RDI
3. Mì ramen ăn liền có hại gì cho bạn?
3.1. Thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng
Mì ramen ăn liền được làm chín trước, nghĩa là đã được hấp chín và sau đó sấy khô trong không khí hoặc chiên để rút ngắn thời gian nấu nướng cho người tiêu dùng.
Mì ramen ăn liền được làm bằng bột mì được tăng cường các dạng tổng hợp của một số chất dinh dưỡng nhất định như: sắt và vitamin B để làm cho mì trở nên bổ dưỡng hơn. Tuy nhiên, trong thành phần của mì lại thiếu nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như protein, chất xơ, vitamin A, vitamin C, vitamin B12 (cobalamin), canxi, magiê và kali.
Hơn nữa, thực phẩm đóng gói như mì ramen ăn liền thiếu chất chống oxy hóa và chất phytochemical có tác động tích cực đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Thêm nữa, chúng còn chứa một lượng calo cao mà không có nhiều chất dinh dưỡng.
3.2. Lượng natri cao
Natri là một khoáng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể bạn. Không đủ lượng natri trong chế độ ăn uống có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng quá nhiều natri từ muối trong chế độ ăn uống lại không tốt cho sức khỏe. Và một trong những yếu tố đóng góp lượng natri trong chế độ ăn uống là thực phẩm chế biến, trong đó có mì ramen ăn liền.
Ví dụ, một chế độ ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, một số người lại nhạy cảm với muối, nên chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến các tác động tiêu cực về sức khỏe tim mạch và thận.
Mặc dù còn nhiều tranh luận về tính hợp lệ của khuyến nghị tiêu thụ hiện tại là 2 gam natri mỗi ngày do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra, nhưng rõ ràng việc hạn chế thực phẩm có quá nhiều muối là tốt nhất. Mì ramen ăn liền có hàm lượng natri rất cao, một gói chứa 1.760 mg natri, tương đương 88% so với khuyến nghị 2 gram mà WHO đề xuất. Nếu bạn tiêu thụ một gói mì ramen mỗi ngày sẽ rất khó để giữ lượng natri gần với mức khuyến nghị chế độ ăn uống hiện tại. Nhưng vì mì ramen rẻ và chế biến nhanh, nên nó thường là sự lựa chọn của những người không muốn nấu ăn. Vì lý do này, nhiều người ăn ramen nhiều lần mỗi ngày, dẫn đến một lượng lớn natri nạp vào cơ thể.
3.3. Chứa MGS và TBHQ
Giống như nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, mì ramen ăn liền có chứa các thành phần như chất điều vị và chất bảo quản, có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Butylhydroquinone bậc ba thường được gọi là TBHQ, một thành phần phổ biến trong mì ramen ăn liền. Đây là chất bảo quản được sử dụng để kéo dài thời gian sử dụng và ngăn ngừa sự hư hỏng của các thực phẩm chế biến sẵn.
TBHQ được coi là an toàn khi sử dụng với liều lượng nhỏ, các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc mãn tính với TBHQ có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, tăng nguy cơ ung thư hạch và làm to gan. Một số người tiếp xúc với TBHQ đã bị rối loạn thị lực và các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng chất bảo quản này có thể làm hỏng DNA.
Một thành phần gây tranh cãi khác được tìm thấy trong các loại mì ăn liền là bột ngọt (MSG). Đó là một chất phụ gia được sử dụng để tăng hương vị của các món ăn khiến chúng trở nên ngon miệng hơn. Ở một số người nhạy cảm với MSG sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, cao huyết áp, suy nhược, căng cơ và đỏ bừng trên da.
Mặc dù những thành phần này có liên quan đến một số tác dụng phụ đối với sức khỏe với liều lượng lớn, nhưng một lượng nhỏ được tìm thấy trong thực phẩm có thể an toàn ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, những người đặc biệt nhạy cảm với các chất phụ gia như MSG nên tránh xa mì ramen ăn liền, cũng như các loại thực phẩm chế biến cao khác.
4. Bạn có nên ăn nhiều mì ramen?
Về cơ bản khi sử dụng mì ramen ăn liền ở mức độ vừa phải không gây hại cho sức khỏe, nhưng khi tiêu thụ quá thường xuyên có liên quan đến chất lượng tổng thể chế độ ăn uống kém và một số có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.
Một nghiên cứu ở 6.440 người trưởng thành Hàn Quốc cho thấy những người ăn mì gói nhiều có lượng protein, phốt pho, canxi, sắt, kali, niacin và vitamin A và C thấp hơn so với những người không ăn thực phẩm này. Thêm vào đó, những người ăn mì gói nhiều thường có xu hướng ăn ít rau, trái cây, các loại thịt cá hơn.
Ăn mì gói thường xuyên cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, một nhóm các triệu chứng bao gồm mỡ thừa ở bụng, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và mức lipid máu bất thường.Bởi vậy, bạn nên hạn chế ăn nhiều mì ramen ăn liền và không sử dụng chúng như một sự thay thế cho bữa ăn chính.
4.1 Mẹo chế biến mì ramen lành mạnh hơn.
Đối với những người thích ăn mì ramen ăn liền, có một số cách để khiến cho món mì của bạn lành mạnh hơn.
- Thêm rau: Thêm rau tươi hoặc nấu chín như cà rốt, bông cải xanh, hành tây hoặc nấm vào mì ramen ăn liền sẽ giúp bổ sung các chất dinh dưỡng mà mì ramen thường thiếu.
- Bổ sung protein: Vì mì ramen có hàm lượng protein thấp, nên phủ lên trên chúng với trứng , gà, cá hoặc đậu phụ sẽ cung cấp một nguồn protein giúp bạn no lâu hơn
- Lựa chọn loại mì ít muối: lưu ý xem kỹ nhãn hiệu trên bao bì khi muốn ăn mì ramen
- Không dùng gói hương vị có sẵn trong gói mì: Tạo nước dùng của riêng bạn bằng cách trộn thịt gà có hàm lượng natri thấp với các loại thảo mộc và gia vị tươi để có một phiên bản mì ramen ít natri hơn, lành mạnh hơn.
- Mặc dù mì ramen ăn liền là một nguồn cung cấp carbohydrate rẻ, nhưng vẫn có nhiều lựa chọn carb tốt cho sức khỏe và giá cả phải chăng khác. Gạo lứt, yến mạch và khoai tây là những ví dụ về các loại tinh bột đa năng, rẻ tiền cho những người muốn tiết kiệm tiền.
Việc duy trì một chế độ ăn cân đối, lành mạnh với mì ramen sẽ giúp sức khỏe chúng ra được đảm bảo và hạn chế mắc các bệnh do việc lạm dùng mì ramen gây nên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com