Mẹo dân gian chữa tắc tia sữa hiệu quả cho phụ nữ sau sinh

Mẹo dân gian chữa tắc tia sữa rất đa dạng và có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau. Nhiều người mẹ sau sinh thường hay chia sẻ các mẹo này để giải quyết tình trạng tắc tia sữa, dẫn đến khó cho con bú. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp và nói rõ hơn về các biện pháp này để áp dụng sao cho đúng cách.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tắc tia sữa - Nguyên nhân và triệu chứng

Tắc tia sữa còn được gọi là tắc ống dẫn sữa hoặc tắc tuyến sữa, xảy ra khi sữa mẹ bị ứ đọng trong các ống dẫn sữa. Tình trạng này không chỉ làm việc cho con bú trở nên khó khăn mà còn khiến người mẹ bị đau. Tắc tia sữa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong thời gian cho con bú. Tuy nhiên, thời điểm phụ nữ dễ bị tắc tia sữa nhất là khoảng 6-8 tuần sau khi sinh.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng này, chẳng hạn như mẹ không cho bé bú thường xuyên, mẹ ít hút sữa ra ngoài, sữa mẹ dư thừa trong bầu ngực hoặc bé ngậm vú mẹ sai cách. 

Tắc tia sữa có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.
Tắc tia sữa có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.

Một số triệu chứng thường gặp khi bị tắc tia sữa:

  • Bầu vú căng cứng và sưng to, gây cảm giác đau nhức cho người mẹ;  
  • Sữa tạo ra một lớp bóng vàng khi vắt sữa ra;  
  • Cảm giác bị nóng hoặc lạnh ở vùng vú bị tắc tia sữa, đi kèm với đó là tình trạng đau đầu và mệt mỏi;  

Hiện nay, có nhiều cách để khắc phục tình trạng này, trong đó cũng có không ít mẹo dân gian chữa tắc tia sữa khá hiệu quả thường được mọi người chia sẻ với nhau.

2. Những phương pháp chữa tắc tia sữa theo dân gian truyền lại

2.1. Uống nước lá đinh lăng

Lá đinh lăng có thể xay ra lấy nước uống hoặc nấu canh ăn. Cách thực hiện khá đơn giản, cụ thể như sau:

  • Lấy khoảng 150 - 200gr lá đinh lăng tươi, rửa sạch rồi để ráo nước.  
  • Đun sôi với khoảng 200ml nước, đảo khoảng 3 đến 4 lần trong vòng 7 đến 10 phút để lá tiết ra hết chất.  
  • Sau khi để nguội thì chắt lấy nước đầu để uống, rồi đổ thêm khoảng 200ml nước nữa để đun sôi, chắt nước lần 2.
  • Có thể áp dụng biện pháp này 2 đến 3 ngày, uống xen kẽ với nước lọc.

2.2. Dùng lá mít chữa tắc tia sữa

Cách thực hiện mẹo dùng lá mít để chữa tắc tia sữa:

  • Chuẩn bị từ 7-9 lá mít, đem đi rửa sạch, để ráo nước rồi hơ trên lửa nóng.  
  • Sau đó áp lên ngực, dùng tay day nhẹ để thông sữa cho đến khi lá mít nguội.  
  • Mỗi ngày lặp lại thao tác này 3 đến 4 lần để phát huy tác dụng.

2.3. Đắp lá bắp cải lên ngực

Một mẹo dân gian chữa tắc tia sữa khá phổ biến khác là dùng lá bắp cải.  

  • Lấy lá bắp cải rửa sạch rồi cắt theo hình khuôn ngực, đục một lỗ để hở đầu vú rồi để cho ráo nước.  
  • Sau đó ướp trong tủ lạnh từ 20 đến 30 phút rồi mang ra đắp lên bầu ngực, cũng để trong 20 phút.  
  • Cuối cùng lấy một chiếc khăn sạch và mềm lau nhẹ quanh bầu ngực, phụ nữ sau sinh nên áp dụng 3 lần một ngày và kéo dài từ 2 đến 3 tuần để có kết quả rõ rệt.

2.4. Đắp và uống lá bồ công anh

Lá bồ công anh cũng có tác dụng hỗ trợ chữa tắc tia sữa, nhưng tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau mà người mẹ nên chú ý uống ít hoặc nhiều.  

  • Nhặt sạch lá bồ công anh rồi đem đi rửa và ngâm trong nước muối, sau đó vớt ra để ráo nước.  
  • Tiếp đến giã nát hoặc xay nhuyễn, chắt lấy phần nước cốt để uống, phần bã để đắp lên ngực. 
Lá bồ công anh là một trong những mẹo dân gian chữa tắc tia sữa khá hiệu quả
Lá bồ công anh là một trong những mẹo dân gian chữa tắc tia sữa khá hiệu quả

3. Một số mẹo chữa tắc tia sữa khác

3.1. Thay đổi tư thế cho con bú

Cho trẻ bú đúng tư thế là một trong những mẹo chữa tắc tia sữa hiệu quả, mẹ vẫn có thể áp dụng sau khi cả mẹ lẫn bé đều đã ổn định.  

  • Tư thế ôm bóng: Đặt trẻ nằm nghiêng đối mặt với mẹ, chân trẻ đặt dưới cánh tay cùng phía với vú mẹ sẽ cho trẻ bú. Dùng một tay đỡ đầu của bé, tay còn lại ôm lấy bầu vú.
  • Tư thế bế giữ chéo: Dùng tay đối diện với phần vú cho trẻ bú để giữ đầu của bé. Đặt cổ tay giữa hai bả vai của bé, ngón tay cái sau một tai, các ngón còn lại ở sau tai kia. Dùng bàn tay còn lại nâng ngực lên như khi cầm nôi.
  • Tư thế nôi: Đặt đầu em bé tựa vào phần uốn cong của khủy tay bên phần vú mà bé sẽ bú, lấy tay còn lại ôm vú, đặt ngón tay cái lên núm vú, ngón trỏ đặt ở vị trí cằm của em bé, sau đó nén nhẹ núm vú để hướng về phía mũi của bé.
  • Tư thế nằm nghiêng: Cả mẹ và bé nằm nghiêng sang một bên, dùng tay bên còn lại nâng ngực khi cần.
  • Tư thế tự do: Áp dụng cho trường hợp phụ nữ có bầu ngực nhỏ, cho trẻ sơ sinh có dạ dày nhạy cảm hoặc bị dư khí. Người mẹ tựa lưng vào giường, có gối đỡ. Sau đó, mẹ đặt em bé nằm sấp trên cơ thể, đầu gần vú mẹ. Khi đó, trọng lực sẽ giữ cho trẻ áp sát vào mẹ. 
Cần chú ý đến các tư thế cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ để hạn chế tình trạng tắc tia sữa
Cần chú ý đến các tư thế cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ để hạn chế tình trạng tắc tia sữa

3.2. Xoa bóp chữa tắc tia sữa

Xoa bóp bầu ngực cũng được xem là một mẹo dân gian chữa tắc tia sữa có độ hiệu quả cao. Người mẹ chọn tư thế nằm thoải mái (thường là nằm ngửa), dùng một tay xoa cục sữa bị cứng, tay còn lại đỡ bầu ngực. Sau đó dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn mạnh vào cục sữa bị tắc theo hướng từ trong ra ngoài và ngược lại, lặp lại nhiều lần, kết hợp vừa ấn vừa day ngực. Cuối cùng là nặn núm vú để kiểm tra xem sữa có thoát ra ngoài không.

3.3. Hút sữa

Đây là một hoạt động khá phổ biến dành cho những người mẹ có nhiều sữa. Việc dùng máy hút sữa đều đặn có thể giúp hạn chế tình trạng bị tắc tia sữa, đồng thời cho người mẹ có thêm sữa.

4. Những biện pháp hỗ trợ nhằm hạn chế tắc tia sữa

Ngoài những mẹo dân gian chữa tắc tia sữa, phụ nữ sau sinh nên nhờ đến sự hỗ trợ của y tá hoặc nhân viên điều dưỡng có kinh nghiệm khi còn ở bệnh viện. Bên cạnh đó như đã nói ở trên, hầu hết mọi bà mẹ đều sẽ cần đến máy hút sữa để hỗ trợ trong trường hợp trẻ không bú hết sữa mẹ. Việc lựa chọn áo ngực vừa và không có gọng cũng có khả năng giúp hạn chế nguy cơ ống dẫn sữa bị bịt kín.

Người mẹ cũng có thể tham khảo việc chườm nóng, sử dụng một chiếc khăn nhúng vào nước ấm rồi đặt lên phần vú bị tắc tia sữa trước khi cho con bú, hoặc đứng dưới vòi sen để tưới nước ấm vào phần vú bị tắc.  

Tuy vậy, trong trường hợp bị sốt hoặc có cảm giác cục sữa bị tắc lớn hơn, người mẹ nên đến gặp bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời và thích hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe