Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi đến cuối thai kỳ, việc vỡ ối là biểu hiện tiêu biểu để nhận biết việc sắp chào đời của trẻ. Tuy nhiên, nó cũng sẽ kèm theo những hoang mang như vỡ nước ối bao lâu thì đẻ? Có kịp đến bệnh không?... Việc hiểu biết về sau khi vỡ ối rất quan trọng, bởi điều này giúp bạn biết nên làm những gì và chuẩn bị những gì.
1. Nước ối là gì?
Nước ối là dung dịch bao quanh thai nhi trong bụng mẹ, tác dụng chính là cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi.
Nước ối có màu trắng trong lúc đầu thai kỳ và đục dần theo việc thai nhi lớn lên và có màu trắng đục như nước vo gạo từ tuần 38 trở đi.
Nước ối đóng vai trò rất quan trọng đối với mẹ và bé khi chuyển dạ:
- Sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn nhờ việc nước ối giúp thành lập đầu ối nong cổ tử cung của mẹ.
- Nhờ sự hiện diện của nước ối, những cơn co tử cung sẽ không thể gây sang chấn đến thai nhi.
- Tính chất vô khuẩn của nước ối tạo nên môi trường vô trùng bảo vệ mẹ và bé khi chuyển dạ sinh không bị nhiễm khuẩn.
- Sau khi vỡ ối nhờ nước ối có tính nhờn bôi trơn đường sinh dục của mẹ, thai nhi sẽ dễ được sinh ra hơn.
2. Các dấu hiệu khi chuyển dạ
2.1 Sa bụng dưới
Xuất hiện ở một vài tuần thậm chí là một vài giờ trước khi sinh thật, đặc biệt dễ nhận biết đối với các mẹ bầu sinh con đầu lòng. Lúc này đầu trẻ quay xuống dưới ở vị trí thấp, việc này tạo áp lực lên bàng quang khiến các mẹ bầu đi tiểu thường xuyên hơn, đồng thời các mẹ sẽ cảm giác dễ thở hơn vì trẻ không còn chiếm không gian phổi và làm giảm áp lực lên lồng ngực. Nhưng việc di chuyển sẽ khó khăn và nặng nề hơn.
2.2 Cơn gò tử cung chuyển dạ thật
Bụng dưới cứng lên, đau nhiều và không giảm dù đổi tư thế. Mẹ bầu sẽ cảm nhận được các cơn thắt chặt và dãn dần ra ở bụng.
Ở giai đoạn chuyển dạ, các cơn gò không giống nhau ở mỗi mẹ bầu. Lúc đầu các cơn gò dài khoảng 30 - 90 giây và các cơn co thắt diễn ra nhẹ nhàng, không đều nhau khoảng từ 15 - 30 phút, có thể là các cơn co thắt bắt đầu nhanh chóng sau đó chậm dần. Khi tới cuối pha thì khoảng cách của cơn gò rút ngắn còn khoảng 5 phút. Nó có thể kéo dài vài giờ, nhưng cũng có khi lên đến vài ngày.
Dấu hiệu khác thể hiện tử cung đang mở dần đó chính là dịch nhầy có màu hồng xuất hiện ở quần lót. Ngay lúc này, mẹ bầu có thể sẽ vỡ ối.
Ở giai đoạn chuyển dạ pha hoạt động: các cơn gò chuyển dạ diễn ra khoảng từ 25 – 60 giây và khoảng cách giữa các cơn co này từ 3 – 5 phút, kéo dài trung bình từ 7 đến 12 giờ ở những mẹ sinh con lần đầu và khoảng 5 giờ nếu mẹ sinh từ lần 2. Một số ít phụ nữ thậm chí trải qua chuyển dạ kéo dài, từ 18 đến 24 giờ. Lúc này cổ tử cung của mẹ bầu sẽ mở rộng hết cỡ với kích thước khoảng 4 - 10cm để em bé có thể chui ra ngoài.
3. Nhận biết hiện tượng vỡ ối
3.1 Các biểu hiện của việc vỡ ối
Trước khi vỡ ối những cơn co tử cung sẽ xuất hiện với tần suất thường xuyên, biểu hiện này thường khá giống với các cơn gò khi chuyển dạ.
Bạn có thể cảm nhận được cảm giác “ bục” của túi ối. Cảm giác khi vỡ ối có thể khác nhau với các mẹ bầu, nước ối sẽ tràn từ âm đạo ra khá nhiều.
Mỗi mẹ bầu có thể có cảm giác khác nhau khi vỡ ối:
- Mẹ bầu sẽ có cảm giác một dòng nước chảy ra nhanh và mạnh, đột ngột tuôn ra từ đường âm đạo nhưng lại không hề thấy đau đớn.
- Khi nước ối vỡ cũng có thể là cảm giác nước ối chảy ra thành dòng nhỏ, chầm chậm xuống dưới chân.
Mặt khác, có những bà bầu chỉ bị rò rỉ ối và thấy âm đạo tiết nhờn nhiều hơn bình thường, hiện tượng này kéo dài vài ngày trước khi bạn thấy dấu hiệu trở dạ. Ở cuối thai kỳ hiện tượng sa bụng dưới khiến mẹ bầu đi tiểu thường xuyên, chính điều này khiến nhiều bà bầu dễ nhầm lẫn không biết đó là nước tiểu, dịch âm đạo hay nước ối. Việc tham khảo ý kiến của bác sĩ là cần thiết khi bạn không biết đó có phải là vỡ ối không.
Nước ối khác với các dịch âm đạo, nước tiểu ở các đặc điểm như:
- Nước ối: dịch lỏng không màu, không mùi hoặc có mùi hơi ngọt, nước ối có thể chứa một ít vết máu lốm đốm hoặc nước nhầy màu trắng.
- Nước tiểu: có thể nhận thấy rõ ràng mùi khai đặc trưng của nước tiểu, nó thường có màu vàng hoặc cũng có thể đậm hơn.
- Dịch âm đạo: dịch có màu trắng đục hoặc vàng, xanh. Dịch có thể có mùi tanh.
3.2 Các bất thường khi vỡ ối
Vỡ ối trước khi có chuyển dạ tự nhiên (có khoảng 8-10% gặp phải xuất hiện trước tuần 37 của thai kỳ) khi như vậy, nguy cơ bé bị nhiễm trùng càng cao khi ở càng lâu trong bụng mẹ sau khi nước ối đã vỡ. Vậy vỡ ối bao lâu thì đẻ? Lúc này bác sĩ theo dõi sát để đảm bảo trẻ an toàn trong bụng mẹ hay việc dùng các phương pháp kích thích chuyển dạ, thậm chí là chỉ định mổ lấy thai để giúp mẹ đưa trẻ ra sớm hơn nếu cần thiết.
Biểu hiện của việc nước ối có lẫn phân su là khi vỡ ối, nước ối rỉ ra có màu vàng hay màu xanh.Việc khi bé đang được sinh ra nhưng hít phải phân su rất nguy hiểm, phải được đưa tới bệnh viện nhanh chóng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.