Giai đoạn bầu bí là lúc vi khuẩn trong miệng có cơ hội “hoành hành” mạnh mẽ. Nếu không chú ý chăm sóc răng miệng, mẹ có thể khiến hàm răng của bé yếu và dễ bị sâu răng từ rất sớm.
Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh răng miệng?
Những thay đổi về thể chất và xáo trộn trong thói quen sinh hoạt hàng ngày khiến phụ nữ khi mang thai dễ mắc các bệnh răng miệng (sâu răng, viêm nha chu...) hơn bình thường:
- Ốm nghén làm thai phụ rất khó đánh sạch những răng hàm sâu bên trong, thức ăn còn sót lại nhiều.
- Thai phụ thường ăn nhiều bữa hơn, thời gian giữa các bữa rút ngắn lại, trong miệng luôn tồn tại axit dễ gây sâu răng.
- Hormone nữ tăng lên nên dễ gây viêm lợi hơn bình thường - đây là nguyên nhân gây ra viêm nha chu khi mang thai.
- Tính chất của nước bọt bị biến đổi nên miệng luôn cảm thấy dính, vi khuẩn răng miệng có môi trường để hoạt động mạnh.
Bệnh răng miệng không những tác động tiêu cực tới sức khỏe và tâm lý của bà bầu, mà còn ảnh hưởng xấu đến em bé ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Những thai phụ mắc nha chu nặng được cảnh báo dễ sinh non hay sinh con nhẹ cân. Vi khuẩn sâu răng thậm chí có thể truyền từ mẹ sang con - những trẻ mà mẹ có nhiều răng sâu được cho là có nguy cơ cao bị mắc bệnh sâu răng từ sớm.
Giai đoạn bầu bí khiến thể chất người mẹ thay đổi, dễ gây ra các bệnh răng miệng
Vi khuẩn răng miệng có thể lây từ mẹ sang con, bà bầu nên đặc biệt chú ý
Mầm răng của bé được cho bắt đầu hình thành vào khoảng tuần thai thứ 6 -7. Răng của thai nhi sẽ phát triển không ngừng khi nhau thai hoàn thiện vào tháng thứ 4 - 5 qua sự kết nối dây rốn với mẹ. Đầu tiên là sự hình thành phần bên ngoài (men răng) và phần bên trong (ngà răng) để bao bọc mầm răng. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của phần thân răng, hay còn gọi là “xương ổ răng”, để bao bọc chân và tủy răng - hệ thần kinh nằm phía bên trong.
Tùy từng bé khác nhau, răng sẽ bắt đầu mọc vào khoảng tháng thứ 6 - 7 sau sinh.
Vi khuẩn gây sâu răng không có sẵn trong miệng của trẻ sơ sinh, và cũng không thể sống được khi bé chưa mọc răng.
Tuy nhiên, trẻ có thể bị lây nhiễm vi khuẩn từ từ mẹ hoặc những người xung quanh khi tiếp xúc, thông qua thìa đũa, ống hút, bón thức ăn hay nụ hôn... Các vi khuẩn này sẽ nhanh chóng sinh sôi ngay khi những chiếc răng sữa đầu tiên bắt đầu nhú ra. Thời điểm từ 6 tháng đến 3 tuổi là thời kỳ bé dễ bị lây nhiễm nhất.
Giữ sạch răng miệng của mình là cách để mẹ bảo vệ hàm răng chắc khỏe cho con
Việc phòng ngừa hoàn toàn lây nhiễm vi khuẩn sâu răng sang trẻ gần như là không khả thi, vì thế, những người trong gia đình cần phải rất chú trọng giữ sạch răng miệng.
Ngay cả khi mang thai, thai phụ cũng có thể điều trị sâu răng và bệnh nha chu, tuy nhiên, việc các mẹ giữ răng miệng sạch sẽ quan trọng với bé hơn cả. Đó là cách hiệu quả và lý tưởng nhất để giúp bé sinh ra được khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ sâu răng về sau này. Ngoài việc chủ động giữ vệ sinh, trong khi bầu bí, thai phụ nên đi khám răng miệng và hoàn toàn có thể lấy cao răng đều đặn.
Đồng thời, mẹ bầu cũng cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng (đặc biệt là canxi, phốt pho...), tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển răng, giúp bé có hàm răng chắc khỏe, hạn chế nguy cơ bị sâu.
Có thể bạn quan tâm:
Cách phòng tránh biến chứng của rau cài răng lược - Sản phụ cần làm gì?