Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Mặc dù mất răng số 7 vẫn có thể niềng được nhưng cần phải trồng lại răng đã mất trước khi quá trình chỉnh nha kết thúc. Việc khắc phục mất răng sẽ giúp việc nhai và nghiền nát thức ăn trở nên dễ dàng, rút ngắn thời gian cũng như đạt hiệu quả niềng răng cao hơn.
1. Vai trò của răng số 7
Một người trưởng thành có tổng cộng số răng chuẩn là 32 cái răng, chia đều cho hai hàm trên và dưới (mỗi hàm là 16 cái). Các răng ở mỗi hàm được chia thành 4 nhóm chính là răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ (tiền hàm) và răng hàm lớn.
- Nhóm răng cửa có 8 cái răng (gọi là răng số 1 và 2), gồm 4 răng hàm trên và 4 răng hàm dưới, có chức năng là cắn và xé thức ăn ra thành những miếng nhỏ.
- Nhóm răng nanh có 4 cái răng (răng số 3), gồm 2 răng hàm trên và 2 răng hàm dưới, với vai trò chính là dùng để kẹp và xé thức ăn.
- Nhóm răng hàm nhỏ (tiền hàm) có 8 cái răng (răng số 4 và 5), gồm 4 răng hàm trên và 4 răng hàm dưới, dùng để xé và nghiền nát thức ăn.
- Nhóm răng hàm lớn (răng cối) có 12 cái răng (răng số 6,7 và 8, răng số 8 còn được gọi là răng khôn), gồm 6 răng hàm trên và 6 răng hàm dưới. Các răng cối có chức năng nhai và nghiền thức ăn trước khi đưa vào dạ dày.
Răng số 7, hay còn gọi là răng cối số 2, nằm giữa răng số 6 và số 8, có kích thước khá lớn và cấu tạo cũng phức tạp. Răng số 7 bắt đầu mọc vĩnh viễn từ 12 tuổi và chỉ mọc duy nhất 1 lần. Khi bị mất răng số 7 sẽ không mọc lại nữa. Răng số 7 có nhiều chân và nhiều ống tủy. Răng số 7 ở hàm dưới thường sẽ có 2 chân, còn răng số 7 hàm trên có tới 3 chân và mỗi chân răng có đến 3 ống tủy. Vì cấu trúc nhiều chân và nhiều ống tủy nên điều trị mất răng số 7 sẽ rất phức tạp.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về răng
Răng là bộ phận quan trọng, giúp một người sử dụng miệng để ăn, nói, cười và tạo hình dạng cho khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về răng mà có thể bạn chưa từng biết. Hãy cùng trả lời nhanh 9 câu hỏi trắc nghiệm sau để thử hiểu biết của bạn về răng.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Hậu quả khi bị mất răng số 7
2.2. Khiến việc nhai và nghiền nát thức ăn gặp khó khăn
Cấu trúc răng của mỗi người vốn đã ổn định nên nếu thiếu dù chỉ một cái cũng sẽ khiến việc ăn uống gặp rất nhiều bất tiện. Cụ thể:
- Mất răng số 7 khiến cho việc ăn uống trở nên rất khó khăn, lực nhai và nghiền yếu sẽ làm thức ăn không được nghiền nát kỹ trước khi xuống hệ tiêu hóa. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới dạ dày và đường ruột.
- Mất răng số 7 khiến thức ăn rơi vào khoảng trống, dẫn đến việc phải luôn điều chỉnh thức ăn để vào nơi không bị mất răng.
- Mất răng số 7 sẽ tạo khoảng trống lớn trên khuôn hàm, làm cho các răng bên cạnh có nguy cơ xô lệch, đổ nghiêng, thậm chí gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nhai.
2.2. Ảnh hưởng đến khả năng phát âm
Răng số 7 bị mất cũng có thể làm cho khả năng phát âm kém chuẩn xác và tròn chữ, gây ảnh hưởng tới giao tiếp cũng như công việc hàng ngày.
2.3. Ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ
Mất răng số 7 khiến cung hàm bị mất cân đối, hai má bị hóp vào, da mặt bên mất răng bị chảy xệ và vùng da xung quanh miệng cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn khiến gương mặt nhìn già đi rất nhiều so với tuổi thật. Lâu dần nếu mất răng số 7 không được điều trị có thể làm khuôn mặt bị lệch, gây ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ, dẫn đến cảm giác ngại ngùng và tự ti khi giao tiếp.
2.4. Gây ra nhiều bệnh lý về răng miệng
Các khoảng trống tại vị trí răng bị mất là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại sinh trưởng và phát triển, dẫn đến các bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu, viêm chân răng và cũng gây hại tới các chiếc răng còn lại.
2.5. Gây ra các biến chứng nguy hiểm
Khi bị mất răng số 7 nếu không được phục hình sớm sẽ có thể dẫn tới tình trạng tụt lợi và tiêu xương hàm.
Mất răng số 7 còn khiến các răng xung quanh không còn sự nâng đỡ, từ đó gây ra áp lực lớn lên quai hàm, làm xuất hiện các cơn đau cơ hàm, đau khớp thái dương hàm, đau đầu, nhức mỏi vai gáy.
Các răng ở bên cạnh có xu hướng xê dịch vào khoảng trống của răng số 7 bị mất, các răng đối diện cũng sẽ thụt xuống hoặc trồi lên quá mức. Về lâu dài nếu không được điều trị sẽ gây ra các vấn đề khớp cắn. Nhẹ thì bị lệch khớp cắn còn nặng thì có thể dẫn tới liệt cả cơ hàm và lệch mặt.
3. Mất răng số 7 vẫn có thể niềng răng
Răng số 7 rất quan trọng vì có chức năng nhai và nghiền nát thức ăn trước khi đưa vào dạ dày. Do đó, việc bị mất răng số 7 không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhai và nghiền thức ăn, hạn chế khả năng phát âm mà còn gây lệch khớp cắn, tiêu xương hàm, đau khớp thái dương hàm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và biến dạng khuôn mặt, tăng thêm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng khác. Mất răng số 7 có thể xảy ra do những nguyên nhân khác nhau như sâu răng, chấn thương, tai nạn. Nếu mất răng do bị sâu răng thì cần phải nhổ bỏ hoàn toàn. Ngay nay, với những tiến bộ và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực nha khoa thì những thắc mắc rằng liệu bị mất răng số 7 hàm trên hoặc mất răng số 7 hàm dưới có niềng răng được không sẽ không còn là nỗi lo lắng. Thậm chí, việc bị mất răng còn có thể tạo cơ hội thuận lợi cho răng dịch chuyển về vị trí đẹp theo đúng như mong muốn, giúp rút ngắn thời gian và đạt hiệu quả niềng răng.
Kỹ thuật niềng răng cho người bị mất răng số 7 sẽ diễn ra theo quy trình 3 bước.
- Bước 1: Thăm khám và kiểm tra vùng nướu, vùng bị mất răng và lưỡi. Đây là bước đầu tiên có vai trò đặc biệt quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị sau này đối với quá trình niềng răng cho những người bị mất răng. Sau khi thăm khám và kiểm tra, bệnh nhân sẽ được chụp phim CT Scanner hàm mặt để kiểm tra xương hàm. Từ đó, nha sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chi tiết cùng với phương pháp niềng răng phù hợp và thời gian dự kiến tháo niềng răng. Chi phí cho quá trình niềng răng cũng như thuốc uống cần thiết đều được thông báo và tư vấn ở bước này.
- Bước 2: Bao gồm vệ sinh răng miệng trước khi niềng và lấy dấu hàm để chế tác khay niềng răng. Việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp cho quá trình niềng răng diễn ra trong điều kiện an toàn, hạn chế tác động của các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, việc lấy dấu hàm giúp ích cho quá trình chế tác khay niềng răng, giúp nha sĩ dễ dàng theo dõi quá trình dịch chuyển răng và đồng thời cũng để đánh giá hiệu quả điều trị.
- Bước 3: Đeo khay niềng hoặc gắn mắc cài và lên lịch tái khám nha khoa. Niềng răng bằng đeo khay niềng trong suốt rất đơn giản vì khay niềng trước đó đã được chế tác giống hệt như hàm răng người bệnh. Đối với trường hợp niềng răng bằng gắn mắc cài, nha sĩ sẽ gắn hệ thống mắc cài trực tiếp lên bề mặt của các răng và có thể sử dụng thêm một số loại khí cụ như thun niềng răng hay minivis nếu cần. Quá trình gắn mắc cài để niềng răng chỉ diễn ra trong một vài giờ đồng hồ và sẽ không gây đau nếu nha sĩ có chuyên môn cao, tay nghề tốt. Khi quá trình đeo khay niềng hay gắn mắc cài kết thúc, nha sĩ sẽ lên lịch tái khám để theo dõi tình trạng và kiểm tra hiệu quả niềng răng.
Mặc dù mất răng số 7 vẫn có thể niềng được nhưng cần phải trồng lại răng số 7 đã bị mất trước khi quá trình chỉnh răng kết thúc. Cụ thể, trước khi niềng răng, trồng lại răng số 7 để khắc phục mất răng được xem như là một biện pháp hoàn hảo đối với các trường hợp mất răng số 7 muốn thực hiện niềng răng. Hiện nay có hai phương pháp trồng răng và phục hình răng như sau:
- Kỹ thuật phục hình răng giả bằng trồng răng implant nghĩa là cấy một cái chân răng nhân tạo vào xương hàm, kết nối với abutment rồi sau đó chụp mão sứ lên trên. Khi tiến hành phương pháp này, nha sĩ sẽ không mài răng ở bên cạnh hay tác động tới những răng xung quanh. Răng được trồng lại giống như một chiếc răng mới có cả chân răng, thân răng, mão răng, rất vững chắc và thẩm mỹ cao. Chân răng tự nhiên được thay thế bằng trụ implant cho nên không gây tình trạng huỷ xương do bị mất răng. Hiện nay, trồng răng implant – phục hình răng bị mất từ chân răng cho tới mặt nhai là biện pháp tốt nhất để trồng lại răng hàm số 7.
- Cầu răng sứ cũng là biện pháp khắc phục mất răng số 7 nhưng hiệu quả sau trồng răng không được đánh giá cao so với trồng răng implant. Nhược điểm lớn nhất của phương pháp làm cầu răng sứ đó chính là phải mài răng ố 6 và số 8, khiến các răng này trở nên yếu dần và do đó chức năng nhai nghiền thức ăn cũng suy giảm.
Tóm lại, răng số 7 rất quan trọng vì có chức năng nhai và nghiền nát thức ăn trước khi đưa vào dạ dày. Việc mất răng số 7 vẫn có thể niềng răng nhưng cần trồng lại răng trước khi niềng. Do đó, với những người bị mất răng số 7 và muốn niềng răng thì nên đến cơ sở y tế để thực hiện trồng răng implant hoặc làm cầu răng sứ trước khi niềng răng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.