Mất cân bằng nội tiết tố nữ là tình trạng cơ thể có quá nhiều hay quá ít một hay nhiều loại hóc môn. Mất cân bằng nội tiết ở nữ giới ảnh hưởng đến mọi mặt về sức khỏe, sắc đẹp, tâm lý phụ nữ.
1. Triệu chứng mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ
Hóc môn là những “sứ giả” hoá học tác động đến cách các tế bào và cơ quan của bạn hoạt động. Việc nồng độ các hóc môn biến đổi theo từng thời kì trong đời là bình thường, chẳng hạn như trước và trong khi bạn đến kì kinh nguyệt, mang thai, hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh. Nhưng có một số loại thuốc hay vấn đề sức khoẻ cũng có thể khiến nồng độ các hóc môn này tăng lên hay giảm xuống.
- Kinh nguyệt không đều
Hầu hết chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ đều kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Nếu kỳ kinh nguyệt của bạn không đến vào cùng một thời điểm của mỗi tháng, hoặc kinh nguyệt không đến trong vài tháng, thì có nghĩa rằng nồng độ của một số loại hóc môn nhất định trong cơ thể bạn quá cao hay thấp (như estrogen và progesterone). Nếu bạn đang trong độ tuổi từ 40 đến 50 – nguyên nhân có thể là do thời kỳ tiền mãn kinh. Nhưng chu kỳ kinh nguyệt không đồng đều cũng có thể là một triệu chứng của các vấn đề về sức khoẻ như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.
- Vấn đề với giấc ngủ
Nếu như bạn không ngủ đủ giấc, hoặc giấc ngủ của bạn không đạt chất lượng, thì mất cân bằng hormone có thể là nguyên nhân. Progesterone, một loại hóc môn sản sinh bởi buồng trứng, giúp bạn đi vào giấc ngủ. Nếu nồng độ progesterone của bạn thấp hơn bình thường, thì bạn sẽ khó có thể bắt đầu một giấc ngủ và giữ nó sâu. Nồng độ Estrogen thấp có thể kích hoạt các cơn nóng bừng hoặc đổ mồ hôi đêm, những triệu chứng này khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.
- Mụn kéo dài
Việc nổi mụn ở trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt của bạn là chuyện bình thường. Nhưng khi mụn không ra đi sau đó thì đây có thể là một triệu chứng của các vấn đề về hóc môn. Sự dư thừa của hormone Androgen (tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người đàn ông”, là loại hóc môn có ở cả hai giới) có thể khiến các tuyến dầu của bạn hoạt động quá tải. Androgen còn ảnh hưởng đến các tế bào da ở trong và xung quanh nang lông của bạn. Cả hai điều trên đều khiến các lỗ chân lông của bạn bị tắc nghẽn và gây ra mụn.
- Sương mù trí não
Các chuyên gia không chắc chắn về việc các hóc môn tác động đến não bộ thế nào. Điều mà họ biết được là những thay đổi trong estrogen và progesterone có thể khiến trí não của bạn cảm thấy “mơ hồ” và còn gây khó khăn trong việc ghi nhớ. Một vài chuyên gia nghĩ rằng estrogen có thể tác động đến các hóa chất ở trong não bộ được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh. Các vấn đề về khả năng tập trung và trí nhớ thường đặc biệt bình thường ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Nhưng chúng cũng lại có thể là một triệu chứng của các tình trạng liên quan đến hóc môn khác, như bệnh về tuyến giáp. Hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn có vấn đề trong việc suy nghĩ rành mạch.
- Các vấn đề về tiêu hoá
Đường ruột của bạn được bao bọc bởi các tế bào nhỏ được gọi là thụ thể, chúng phản ứng với estrogen và progesterone. Khi nồng độ của những hóc môn này cao hay thấp hơn mức bình thường, bạn sẽ có thể nhận thấy những biến đổi khi tiêu hoá thức ăn.
Đó là lý do tại sao tiêu chảy, đau dạ dày, đầy hơi và buồn nôn có thể tăng lên hoặc trở nên tồi tệ hơn ở trước và trong kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn gặp vấn đề tiêu hóa cũng như các vấn đề về mụn trứng cá và mệt mỏi, nồng độ hormone của bạn có thể đang giảm xuống.
- Liên tục cảm thấy mệt mỏi
Bạn thấy mệt mọi lúc? Chứng mệt mỏi là một trong những triệu chứng thông thường nhất của sự mất cân bằng hóc môn. Nồng độ progesterone cao quá mức có thể khiến bạn buồn ngủ. Và nếu tuyến giáp của bạn – tuyến có hình bướm ở trong cổ - tiết ra quá ít hormone tuyến giáp, nó sẽ khiến bạn mất đi năng lượng. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp sẽ chỉ ra có phải nồng độ loại hóc môn này của bạn quá thấp hay không. Nếu nồng độ hormone tuyến giáp thật sự thấp, bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và tiến hành điều trị.
- Thay đổi tâm trạng và trầm cảm
Những nhà nghiên cứu nghĩ rằng những sự sụt giảm hay thay đổi nhanh chóng trong nồng độ của các hóc môn gây ra sự ủ rũ và buồn chán. Estrogen ảnh hưởng đến các chất hoá học chính của não bộ như serotonin, dopamine và norepinephrine. Nhưng những hóc môn khác cũng dùng cùng đường dẫn với các chất dẫn truyền thần kinh, cũng đóng một vai trò lớn trong cảm xúc của bạn.
- Cảm giác thèm ăn và sự tăng cân
Khi bạn cảm thấy buồn rầu hay cáu gắt, bởi nồng độ estrogen xuống thấp, bạn có thể sẽ thèm ăn hơn. Đó có thể là lí do tại sao việc sụt giảm của hóc môn liên quan đến sự tăng cân. Giảm nồng độ estrogen cũng tác động đến nồng độ leptin của cơ thể, loại hóc môn giúp điều chỉnh lượng thức ăn được hấp thụ.
- Những cơn đau đầu
Rất nhiều nguyên nhân gây đau đầu. Nhưng với nhiều phụ nữ, sự sụt giảm estrogen chính là thủ phạm. Đó là lý do tại sao phụ nữ thường phải trải qua những cơn đau đầu ngay trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, khi lượng estrogen bị suy giảm. Những cơn đau đầu đều đặn hoặc xuất hiện vào cùng một khoảng thời gian mỗi tháng có thể là bằng chứng dẫn đến kết luận rằng lượng hóc môn estrogen đang thay đổi.
- Khô âm đạo
Việc thỉnh thoảng phụ nữ gặp triệu chứng này là điều bình thường. Nhưng nếu bạn thường thấy âm đạo của bạn khô và khó chịu, thì nguyên nhân có thể là do sự sụt giảm estrogen. Hóc môn này giúp các mô của âm đạo ẩm ướt và dễ chịu. Khi lượng estrogen sụt giảm vì sự mất căn bằng, nó sẽ gây giảm lượng dịch âm đạo, cũng như khiến âm đạo quá chật.
- Mất đi ham muốn tình dục
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng testosterone là loại hóc môn của đàn ông, nhưng cơ thể nữ giới cũng sản sinh ra loại hóc môn này. Nếu nồng độ testosterone này thấp hơn bình thường, thì ham muốn tình dục sẽ bị giảm đi.
- Những sự thay đổi ở vú
Một sự sụt giảm estrogen khiến mật độ của các mô vú giảm. Và sự gia tăng của loại hóc môn này sẽ làm các mô vú dày lên, tạo nên sự xuất hiện của các khối u và u nang. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa rất cần thiết nếu bạn nhận thấy bất kì sự thay đổi nào ở vú.
2. Xét nghiệm và chẩn đoán
Không có bất kỳ xét nghiệm đơn lẻ nào để các bác sĩ có thể chẩn đoán sự mất cân bằng hóc môn. Hãy bắt đầu bằng cách hẹn gặp bác sĩ để kiểm tra thể chất. Hãy chuẩn bị để mô tả các triệu chứng mà bạn gặp phải và khoảng thời gian mà chúng đã xảy ra. Mang theo một danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung hiện bạn đang sử dụng.
Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi như:
- Bạn có thường xuyên gặp phải các triệu chứng không?
- Có điều gì giúp bạn làm dịu đi các triệu chứng không?
- Gần đây bạn có giảm hoặc tăng cân không?
- Bạn có bị căng thẳng hơn bình thường không?
- Kỳ kinh cuối của bạn là khi nào?
- Bạn đang có kế hoạch mang thai?
- Bạn có gặp khó khăn trong việc giữ hay duy trì sự cương của âm đạo?
- Bạn có bị khô âm đạo hoặc bị đau khi quan hệ tình dục?
Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể khuyến nghị một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán. Bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện các xét nghiệm này.
- Xét nghiệm máu
Mẫu máu của bạn sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm. Hầu hết các hóc môn đều có thể được tìm thấy ra trong mẫu máu. Bác sĩ có thể xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ các hóc môn tuyến giáp, estrogen, testosterone và cortisol.
- Khám phụ khoa
Khám lâm sàng rất quan trọng. Bác sĩ có thể thực hiện phết tế bào cổ tử cung để tìm ra những bướu, u nang hoặc khối u bất thường.
- Siêu âm
Máy siêu âm sử dụng sóng âm để dựng hình ảnh bên trong cơ thể người. Các bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để lấy hình ảnh của tử cung, buồng trứng, tuyến giáp.
- Các xét nghiệm bổ sung
- Sinh thiết
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- X-quang
3. Những lựa chọn điều trị cho sự mất cân bằng hormone
Việc điều trị cho sự mất cân bằng hóc môn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Những lựa chọn điều trị thông thường bao gồm:
Nếu bạn đang trải nghiệm sự khó chịu do mãn kinh đem lại như những cơn nóng bừng, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng một liều nhỏ estrogen. Hãy chắc rằng bạn thảo luận về những lợi ích và rủi ro của liệu pháp hóc môn thay thế với bác sĩ của bạn.
- Estrogen tại chỗ (Âm đạo)
Nếu bạn cảm thấy âm đạo khô và đau khi quan hệ tình dục, bạn có thể sẽ muốn thử bôi kem estrogen, đặt thuốc hoặc vòng âm đạo. Phương pháp điều trị tại chỗ này có thể giúp tránh các rủi ro liên quan đến sự tác động của hormone đến các phần khác của cơ thể, hay estrogen di chuyển trong máu đến cơ quan riêng biệt..
- Biện pháp tránh thai nội tiết
Nếu bạn đang cố gắng mang thai, sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Những biện pháp tránh thai nội tiết bao gồm:
- Thuốc tránh thai
- Miếng dán tránh thai
- Thuốc tránh thai dạng tiêm
- Đặt vòng âm đạo
- Dụng cụ tránh thai trong buồng tử cung (IUD)
- Thuốc kháng androgen
Androgen là hóc môn sinh dục ở nam giới và hiện diện ở trong cơ thể của cả nam và nữ. Những phụ nữ có nồng độ androgen cao thường chọn cách uống thuốc kháng androgen nhằm ngăn chặn các ảnh hưởng của nó, chẳng hạn như:
- Rụng tóc
- Mọc lông mặt
- Nổi mụn
- Liệu pháp testosterone
Bổ sung testosterone có thể làm giảm các triệu chứng của việc thấp testosterone ở nam giới. Ở những thanh thiếu niên bị dậy thì muộn, việc bổ sung testosterone còn giúp kích thích việc bắt đầu dậy thì. Nó có dạng thuốc tiêm, miếng dán, hoặc kem bôi.
- Liệu pháp hormone tuyến giáp
Ở những người bị suy giáp, việc bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp Levothyroxine (Levothroid, Levoxyl, Synthroid, Unothroid) có thể đem lại sự cân bằng cho nồng độ hormone.
- Thuốc Flibanserin (Addyi) và bremelanotide (Vyleesi)
Addyi và Vyleesi là những loại thuốc duy nhất được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration) phê duyệt trong việc điều trị bệnh giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ tiền mãn kinh. Addyi có dạng thuốc viên, còn Vyleesi là dạng thuốc tiêm tự sử dụng.
Những loại thuốc này có thể mang lại những tác dụng phụ nghiêm trọng, như buồn nôn nhiều và thay đổi huyết áp. Trao đổi với bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp với bạn và chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Các biện pháp tự nhiên và thực phẩm chức năng
Hiện có rất nhiều thực phẩm chức năng được bày bán trên thị trường và được tuyên bố là dùng thể điều trị mãn kinh và sự mất cân bằng hormone. Tuy nhiên, có rất ít trong số chúng đã được các nhà khoa học kiểm chứng.
Nhiều trong số các chất bổ sung này chứa các hóc môn được chiết xuất từ thực vật. Đôi khi chúng được gọi là hóc môn “tương thích sinh học” vì chúng giống với các hóc môn tự nhiên trong cơ thể. Không có bằng chứng nào về sự hoạt động hiệu quả hơn của chúng so với các liệu pháp hormone thông thường.
Một số người nhận thấy rằng việc tập luyện yoga có thể giúp làm giảm sự mất cân bằng hóc môn. Yoga rất tốt cho sức khoẻ, sự linh hoạt, và sự cân đối. Tập luyện bộ môn thể thao này còn giúp giảm cân vì nó giúp điều chỉnh lượng hóc môn trong cơ thể.
Bạn cũng có thể thực hiện một số thay đổi trong lối sống như dưới đây:
- Giảm cân. Việc giảm đi 10% tổng cân nặng cơ thể ở phụ nữ có thể giúp cho các kì kinh nguyệt trở nên đều đặn và còn gia tăng cơ hội mang thai. Đối với nam giới, việc giảm cân còn giúp cải thiện chức năng cương dương.
- Ăn uống đúng cách. Một chế độ ăn cân đối đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một cơ thể khỏe mạnh.
- Loại bỏ đi những chỗ lông mà bạn không mong muốn. Nếu mặt hay cơ thể của bạn xuất hiện lượng lông dư thừa bạn có thể sử dụng kem tẩy lông, hoặc phương pháp laser và điện phân.
- Giảm khó chịu âm đạo. Sử dụng chất bôi trơn hoặc kem dưỡng ẩm không chứa paraben, glycerin và sáp dầu.
- Tránh những cơn nóng bừng. Hãy nhận diện những yếu tố kích phát những cơn nóng bừng như nhiệt độ nóng, thức ăn cay và đồ uống nóng.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com