Mắt bị tật khúc xạ là một trong các vấn đề về mắt thường gặp, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tật khúc xạ có thể gây những ảnh hưởng tới tầm nhìn khiến cho người mắc bệnh bị nhìn mờ, hạn chế khả năng nhìn.
1. Mắt bị tật khúc xạ là gì?
Mắt là 1 trong các giác quan quan trọng của cơ thể, cho phép chúng ta nhận biết được hình dạng, màu sắc và kích thước của các vật xung quanh.
Bình thường mắt có khúc xạ bình thường thì ánh sáng đi vào nhãn cầu sẽ hội tụ trên võng mạc để tạo hình ảnh sắc nét được truyền về vỏ não. Để có thể cho ra được hình ảnh sắc nét, thì trong quá trình điều tiết, thủy tinh thể cần thay đổi hình dạng để cho hình ảnh hội tụ đúng võng mạc và khả năng điều tiết này của thuỷ tinh thể tốt hơn ở người trẻ tuổi.
Tật khúc xạ là tình trạng mà khi chúng ta nhìn một vật nào đó mắt không thể hội tụ hình ảnh trên võng mạc khiến cho chúng ta nhìn thấy vật đó mờ hơn.
Khi mắt bị tật khúc xạ thì bệnh nhân sẽ nhìn không rõ, hay bị mỏi mắt, hay phải nheo mắt, có thể bị nhìn đôi, co quắp mi và có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống. Trong một số trường hợp, người bị tật khúc xạ có thể bị lác hay nhược thị.
Những nguyên nhân gây nên tật khúc xạ hay gặp như:
- Bẩm sinh, di truyền: Nhiều trẻ sinh ra đã mắc các tật khúc xạ. Thường do bất thường cấu trúc của mắt như trục nhãn cầu dài hơn, mắt to hơn...
- Tổn thương do chấn thương mắt: Sau chấn thương tại vùng mắt hoặc mắt thường xuyên phải tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng mặt trời.
- Thói quen sinh hoạt chưa tốt: Cường độ sử dụng và mức độ sử dụng mắt quá lớn, không cho mắt được nghỉ ngơi đúng và đủ.
- Môi trường xung quanh như nhìn trong môi trường cường độ ánh sáng quá tối, thường xuyên cần quan sát những vật ở vị trí quá gần.
- Tiếp xúc quá nhiều với nguồn ánh sáng nhân tạo: Do sự phát triển của công nghệ mà nhiều thiết bị điện tử có nguồn sáng xanh ảnh hưởng tới mắt như điện thoại, máy tính, ipad... ra đời, khiến nhiều người tập chung quá nhiều thời gian với nó và gây ra các tật khúc xạ.
- Tuổi tác: Khi càng lớn tuổi thì khả năng điều tiết của mắt càng kém đi, từ đó dẫn tới các bệnh lý về mắt gia tăng.
Ngoài nguyên nhân liên quan tới bẩm sinh và tuổi tác thì tật khúc xạ ở mắt hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Cho nên, cần lưu ý để phòng ngừa bệnh tránh ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt, nhất là với trẻ độ tuổi đi học.
2. Các tật khúc xạ ở mắt
2.1 Cận thị
Đối với những người mắc bệnh cận thị thì điểm hội tụ của các tia sáng nằm ở phía trước võng mạc. Vì thế mà người bị cận thị có thể nhìn rõ vật ở khoảng cách gần, nhưng khi nhìn vật ở xa hơn thì cho ra những hình ảnh mờ, khó nhận biết.
Dấu hiệu nhận biết cận thị có thể gặp như thường xuyên nheo mắt, chớp mắt để có thể nhìn rõ mục tiêu, mỏi mắt, đau đầu, lác mắt thường xuất hiện ở những người có độ cận thị cao.
Nguyên nhân của cận thị là do lực khúc xạ lớn hơn bình thường, do mắt phát nhìn gần thường xuyên khiến cho thủy tinh thể bị phồng lên làm tăng độ cong của giác mạc, từ đó gây thay đổi độ khúc xạ của mắt. Nguyên nhân liên quan tới yếu tố di truyền thì những người có cả cha mẹ bị cận thị thì có khả năng bị cận thị từ 20 đến 30%, ở những người không có bố mẹ bị cận thị, tỷ lệ này là 2,5%. Ngoài ra một nguyên nhân rất quan trọng có thể phòng ngừa được đó là thói quen sinh hoạt hàng ngày, người có những thói quen gây hại cho mắt như học tập, làm việc trong môi trường không đủ ánh sáng, khoảng cách giữa mắt và các thiết bị điện tử quá gần,.. thì có nguy cơ bị cận thị cao gấp nhiều lần người bình thường.
Khi bị cận thị thì người bệnh có thể được điều chỉnh bằng biện pháp như đeo kính phù hợp với độ cận để cải thiện khả năng nhìn, phẫu thuật điều trị cận thị...
2.2 Viễn thị
Khi mắt bị viễn thị, thì ánh sáng đi vào mắt sẽ hội tụ ở vị trí phía sau của võng mạc, làm cho người bị viễn thị có thể nhìn rõ những vật ở xa nhưng lại gặp khó khăn khi nhìn vật ở gần.
Các triệu chứng của tật viễn thị có thể gặp như khó khăn khi nhìn gần, mỏi mắt, đau đầu, cảm thấy chóng mặt sau một khoảng thời gian phải tập trung nhìn gần như đọc sách...
Nguyên nhân gây ra viễn thị bao gồm do trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường đây là yếu tố bẩm sinh, những em bé mới sinh đều mắc viễn thị do trục nhãn cầu chưa hoàn thiện, nhưng theo thời gian thì sẽ phát triển tương ứng với cơ thể giúp trẻ có mắt chính thị, nhưng với một số trường hợp trục này không phát triển theo thời gian và gây viễn thị. Ngoài ra một số nguyên nhân khác xảy ra với tỷ lệ ít hơn như giác mạc dẹt là giác mạc độ cong nhỏ, người bệnh sẹo giác mạc,...
Bệnh viễn thị là do sự bất thường cấu trúc mắt nên không có biện pháp phòng tránh. Nhưng có thể dùng kính hay điều trị bằng phẫu thuật để điều trị tình trạng mắt bị viễn thị.
2.3 Loạn thị
Mắt bị loạn thị nghĩa là các tia sáng hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc, thay vì một điểm như bình thường, làm cho hình ảnh nhận biết được mờ và có cảm giác như hoa mắt. Loạn thị thường đi kèm với tình trạng cận thị hoặc viễn thị.
Loạn thị có các triệu chứng thường gặp như hình ảnh mờ nhòe ở mọi khoảng cách, xuất hiện hình đôi, hình bà của các bóng mờ, khó khăn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng tối, người bệnh mỏi mắt, đau đầu...
Nguyên nhân phổ biến là do giác mạc có hình dạng không đều, làm mất khả năng hội tụ ánh sáng trên trục; những người có bố mẹ bị loạn thị thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài nguyên nhân do di truyền thì loạn thị cũng có thể được ngăn ngừa bằng cách chăm sóc cho đôi mắt, bằng cách thay đổi thói quen xấu và thực hiện thói quen tốt như: làm việc trong điều kiện ánh sáng thích hợp, cho mắt nghỉ ngơi tránh mỏi, tập thể dục cho mắt vào giờ giải lao đều có tác dụng ngăn ngừa loạn thị.
Cũng như cận thị và viễn thị, loạn thị cũng được điều trị bằng các biện pháp như đeo kính hay phẫu thuật
2.4 Lão thị
Là tình trạng mắt có thể nhìn thấy rõ vật ở xa nhưng lại gặp khó khăn khi nhìn vật ở gần. Đây là tật khúc xạ có dấu hiệu giống với tình trạng viễn thị nhưng khác nguyên nhân. Lão thị gây da là do lão hóa mắt, thủy tinh thể không thể điều tiết được mà gây bệnh.
Lão thị thường xuất hiện hơn ở những người trước đó có tật khúc xạ khác.
3. Những lưu ý khi bị tật khúc xạ
Để mắt khỏe mạnh hơn và hạn chế tăng nặng tật khúc xạ ở mắt, bạn nên có các biện pháp chăm sóc mắt như:
- Cần phải thăm khám định kỳ để biết mức độ mắc bệnh của mình, để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp nhất và dùng kính đúng độ, giúp có tầm nhìn chuẩn xác hơn.
- Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách mang kính râm ngăn chặn tia UV vì làm tăng tốc độ thoái hóa mắt.
- Ngăn ngừa chấn thương mắt; Đeo kính bảo hộ khi làm những việc có nguy cơ tổn thương mắt, chẳng hạn như chơi thể thao, sơn hoặc sử dụng các sản phẩm có khói độc...
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều hoa quả, rau xanh và các loại rau có chứa hàm lượng cao các chất như vitamin A và beta carotene. Chúng quan trọng để duy trì đôi mắt có thị lực tốt.
- Hạn chế việc nhìn quá gần hay quá lâu các thiết bị điện tử hoặc đọc sách.
- Cho mắt nghỉ ngơi sau một thời gian hoạt động liên tục.
- Tập luyện mắt bằng cách sau khi nhìn liên tục vật ở cụ ly gần 20 phút thì hãy nhìn một vật ở cự ly 6m trong vòng 20 giây.
Hy vọng thông qua bài viết bạn đã biết dị tật khúc xạ là gì hay mắt bị tật khúc là gì và có thể nhận biết các dấu hiệu của bệnh, cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc tật khúc xạ nên tới khám sớm để hạn chế nguy cơ tăng nặng nhanh và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.