Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Màng trinh là một màng mỏng cách cửa âm đạo 2 - 3cm, có một hoặc vài lỗ nhỏ để kinh nguyệt thoát ra. Cấu tạo màng trinh có nhiều mạch máu đan vào nhau, do đó khi màng trinh bị rách sẽ có một chút máu kèm theo.
1. Cấu tạo và vị trí của màng trinh
Xét trên cấu trúc giải phẫu, màng trinh là một mô niêm mạc mỏng thuộc bộ phận sinh dục nữ. Trả lời cụ thể cho câu hỏi “màng trinh ở vị trí nào”, các chuyên gia cho biết “lá chắn” này nằm sau môi lớn và môi bé, cách cửa âm đạo khoảng 2- 3 cm và phân chia giữa âm hộ với âm đạo. Cấu tạo của màng trinh mềm mại và có khả năng co giãn, gấp nếp. Hầu như màng trinh không có dây thần kinh và chức năng sinh lý đặc biệt nào, cũng có ý kiến cho rằng nó giúp bảo vệ âm đạo khỏi bị vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm.
Thông thường, chính giữa màng trinh sẽ có một, hai hay nhiều lỗ nhỏ giúp máu kinh có thể thoát ra ngoài hàng tháng. Kích thước lỗ giữa màng trinh là khác nhau ở mỗi cô gái, đôi khi chỉ hẹp vừa đủ một ngón tay nhưng cũng có thể chun giãn linh hoạt, dao động tối đa đến mức rộng hơn cỡ hai ngón tay. Mặc dù ít phổ biến hơn song vẫn tồn tại dạng màng trinh không có lỗ. Đây là một dị tật có thể gây ra nhiều biến chứng cho phái nữ độ tuổi dậy thì.
2. Màng trinh hình thành như thế nào?
Thông thường thì bé gái nào cũng có màng trinh và hình thành ngay từ lúc mới sinh. Có ý kiến cho rằng, màng trinh là một tàn dư còn sót lại trong quá trình phát triển của phôi thai chứ không có ý nghĩa hay chức năng đặc biệt. Bắt đầu từ tuần thứ 3 cho đến tam nguyệt cá thứ 2 là giai đoạn đường sinh dục hình thành. Màng trinh xuất hiện sau âm đạo và được xem là phát triển hoàn chỉnh ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Tuy nhiên điều này không phải là tuyệt đối vì vẫn có trường hợp không có màng trinh bẩm sinh, hay hiếm gặp hơn là dị dạng sinh dục không có âm đạo.
Khi còn nằm trong bụng, các bé gái sẽ nhận nội tiết tố từ người mẹ và điều này đã quyết định đến màu sắc, hình dạng hay sự dày mỏng của màng trinh. Ở trẻ em gái, đường kính của lỗ màng trinh mở rộng thêm khoảng 1mm cho mỗi năm tuổi. Khi bước vào giai đoạn dậy thì, estrogen trong cơ thể phái nữ góp phần nuôi dưỡng cho màng trinh trở nên đàn hồi và co giãn hơn.
3. Nguy cơ tác động đến màng trinh
Nhìn chung, chúng ta đều biết rằng màng trinh có thể bị rách do các hành vi khác nhau, chẳng hạn như: do sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san, dùng mỏ vịt lúc khám phụ khoa, hoạt động thể chất mạnh hoặc quan hệ tình dục. Song mặc dù màng trinh khá mềm mỏng, bạn cũng không cần phải quá lo lắng các tác động chơi thể thao hay té ngã thông thường sẽ làm rách màng trinh. Nguyên nhân là do khả năng đàn hồi cao của màng trinh, bên cạnh đó vị trí màng trinh cũng nằm khá sâu bên trong bộ phận sinh dục, vì thế ít có thể bị rách ngoại trừ có vật nhọn và cứng chọc trực tiếp vào âm đạo.
4. Chứng màng trinh không thủng
Cứ khoảng 1000 bé gái thì sẽ có 1 bé mắc chứng màng trinh không thủng, hay nói cách khác là không có lỗ nhỏ giữa màng trinh. Sẽ không thể nhận ra bất kỳ biểu hiện nào của căn bệnh cho đến tuổi dậy thì, khi mà chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện. Khi bắt đầu hành kinh, máu kinh sẽ bị tắc và ứ đọng lại trong tử cung cũng như không thể thoát ra khỏi âm đạo gây cảm giác đau đớn. Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa lý giải được lý do tại sao lại xảy ra vấn đề bất thường trên. Nếu gặp triệu chứng đau bụng và sưng to bụng dưới ở tuổi dậy thì, cần đưa các bé gái đến cơ sở chuyên khám phụ khoa uy tín để được bác sĩ can thiệp kịp thời. Thủ thuật mở màng trinh được dùng để xử lý tình trạng này, giúp cho kỳ kinh nguyệt được hoạt động bình thường.
5. Màng trinh và trinh tiết
Cần phân biệt rõ hai khái niệm “màng trinh” và “trinh tiết” để tránh bị nhầm lẫn và lo lắng không đáng có. Trong khi “màng trinh” là một tổ chức thuộc cơ quan sinh dục nữ thì “trinh tiết” là một tiêu chuẩn xã hội. Tình trạng còn hay mất của màng trinh, hoặc có ra máu hay không khi quan hệ lần đầu tiên đều không phản ánh chính xác mức độ trinh tiết của người phụ nữ. Thực tế, dù còn trinh trắng nhưng vẫn có nhiều cô gái không bị chảy máu sau khi giao hợp lần đầu tiên, loại trừ các tác động xâm nhập ngoài ý muốn thì có thể kể đến các yếu tố tự nhiên như:
- Không có màng trinh bẩm sinh
- Độ đàn hồi, co giãn của màng trinh quá tốt nên không bị rách
- Kích thước lỗ màng trinh lớn
- Máu quá ít đến nỗi không thể nhìn thấy
Thậm chí có khả năng màng trinh sẽ không rách cho đến lần sinh con đầu tiên. Các bác sĩ sản khoa đã xác nhận rằng vẫn khám thấy màng trinh ở những thai phụ chuẩn bị chuyển dạ sinh con. Do đó, không phải lần quan hệ tình dục đầu tiên nào cũng bắt buộc có máu trinh và dựa vào dấu hiệu đó mà khẳng định cô gái còn trinh trắng. Tuy nhiên nếu có nhu cầu kiểm tra, chị em phụ nữ vẫn có thể đến cơ sở chuyên về phụ khoa uy tín để xem về tình trạng màng trinh của mình. Hơn nữa, màng trinh cũng có thể được phục hồi nguyên vẹn như lúc ban đầu bằng cách vá trinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.