Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trong giai đoạn thai kỳ, bất cứ vấn đề nào cũng có thể gây nguy hiểm và khiến mẹ bầu lo lắng, nhất là trường hợp ra máu âm đạo. Một số bà bầu không đau bụng nhưng ra máu cũng cần phải cảnh giác vì đó có thể là dấu hiệu dọa sảy.
1. Mang thai ra máu nhưng không đau bụng
Có đến 20-30% thai phụ đang trong những tuần đầu tiên của thai kỳ nhận thấy có hiện tượng ra máu với lượng nhiều hoặc ít. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chảy máu khi mang thai và phần lớn là không làm mẹ bầu đau bụng:
- Trứng đã làm tổ trong buồng tử cung
Việc mang thai ra máu nhưng không đau bụng có thể xuất hiện ngay từ tháng đầu tiên bạn có thai. Tuy nhiên chị em không nên quá lo lắng, vì đa số đây chỉ là biểu hiện của máu báo cho biết trứng đã làm tổ trong buồng tử cung thành công. Quá trình này có thể khiến một số mẹ bầu ra chút máu nâu hoặc phớt đỏ lẫn dịch nhầy. Hiện tượng này sẽ hoàn toàn biến mất sau 1-2 ngày.
- Thay đổi nội tiết
Cơ thể của phụ nữ mang thai sẽ có sự xáo trộn các hormone nội tiết. Đôi khi những phản ứng hóa học bất thường có thể gây ra hiện tượng chảy máu âm đạo nhưng sau một thời gian ngắn, cơ thể thích nghi được với sự có mặt của các hormone mới thì hiện tượng này cũng nhanh chóng biến mất.
- Quan hệ tình dục
Khi mang thai các cặp vợ chồng vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng nên lựa chọn những tư thế quan hệ an toàn, giảm tần suất quan hệ và không nên sử dụng những động tác kích thích mạnh có thể gây đau hoặc chảy máu cho mẹ bầu. Thời gian đầu mới mang thai và tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần thận trọng khi quan hệ để tránh gây kích thích tử cung, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Viêm nhiễm vùng kín
Trong thời gian mang thai, khá nhiều mẹ bầu bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, chỉ là khác nhau ở mức độ nặng hay nhẹ. Nguyên nhân là do sự thay đổi của tuyến nội tiết gây mất cân bằng độ pH ở âm đạo tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn phát triển dẫn tới viêm nhiễm. Vì vậy khi có dấu hiệu ra máu, mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kiểm tra cụ thể.
- Ảnh hưởng sau mỗi lần thăm khám thai
Nhiều trường hợp thai phụ khám phụ khoa, bác sĩ phải dùng mỏ vịt để khám hoặc ở tháng cuối thai kỳ sau khi được khám âm đạo (bác sĩ đưa tay vào trong âm đạo kiểm tra tử cung đã mở chưa, mở bao nhiêu phân) khi ra về thấy bị ra chút máu. Một phần là do mẹ bầu có cảm giác lo sợ khiến tử cung co thắt khiến bác sĩ khó thao tác chính xác nên có thể gây chảy ít máu ở bộ phận sinh dục của mẹ bầu.Lưu ý: Các trường hợp chảy máu trên thông thường mẹ bầu không cần quá lo lắng, vì lượng máu chảy thường khá ít, không gây đau đớn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mang thai ra máu lại là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của mẹ bầu hoặc thai nhi đang gặp nguy hiểm như mang thai ngoài tử cung, dọa sảy thai, tụ máu màng đệm, bong nhau thai... nếu không thăm khám kịp thời có thể gây sảy thai, sinh non hoặc đứt nhau.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Làm gì khi ra máu lúc mang thai?
Khi có dấu hiệu ra máu, bà bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kiểm tra cụ thể và thực hiện những điều sau:
- Theo dõi lượng máu ra từ khi thấy máu xuất hiện.
- Nghỉ ngơi, không vận động trong thời gian này, nếu máu chảy nhanh, nhiều, liên tục cần đến bệnh viện ngay lập tức.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục an toàn bằng nước muối và sản phẩm an toàn, rửa xà phòng ở mức độ hạn chế bởi có khả năng làm mất cân bằng pH.
- Biểu hiện ra máu không thuyên giảm nên đến bác sĩ để được kiểm tra, chuẩn đoán, không tự ý chữa trị tại nhà cũng như chần chừ khi thấy triệu chứng.
3. Phòng ngừa nguy cơ chảy máu khi mang thai
Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ chảy máu khi mang thai là thường xuyên khám thai theo định kỳ
Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ chảy máu khi mang thai là thường xuyên khám thai theo định kỳ. Đặc biệt nên khám phụ khoa trước khi quyết định mang thai, cũng như trong giai đoạn mang thai để đảm bảo cơ thể người mẹ không mắc các chứng bệnh nguy hiểm.
Việc khám thai định kỳ sẽ giúp bạn theo dõi sức khỏe thai nhi và mẹ toàn diện, sớm phát hiện những bất thường đặc biệt là những thai phụ có tiền sử sảy thai, sinh non, thai ngoài tử cung hoặc mang thai trên 35 tuổi. Những dấu hiệu như chảy máu âm đạo có thể là cảnh báo sức khỏe thai kỳ không tốt, nếu không được can thiệp kịp thời rất dễ sảy thai, suy thai, thai lưu. Ngoài ra, khám phụ khoa khi mang thai rất quan trọng bởi khi mang thai, bà bầu rất dễ mắc phải các bệnh phụ khoa, nếu không được điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi sinh nở đặc biệt là các bệnh lý về mắt (đối với sinh thường).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.