Nhân thùy trái tuyến giáp là tình trạng trong thùy trái của tuyến giáp có một hoặc nhiều khối u. Vậy bị nhân giáp thùy trái có nguy hiểm không? Bệnh nhân thùy trái tuyến giáp có chữa được không?
1. Bệnh nhân thùy trái tuyến giáp là gì?
Trong cơ thể người, tuyến giáp là tuyến nằm ở phía trước cổ, đóng vai trò rất quan trọng, thực hiện nhiệm vụ sản xuất hormone và trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển hóa.
Về cấu tạo, tuyến giáp có 2 thùy là thùy trái và thùy phải. Tình trạng trong thùy trái của tuyến giáp có khối u, hay còn gọi là bướu giáp được gọi là bệnh nhân thùy trái tuyến giáp. Tùy vào tế bào hình thành nhân giáp sẽ gây ra khối u ác tính hoặc lành tính. Nhân giáp có thể đặc hoặc rỗng và có thể là đơn nhân hoặc đa nhân.
2. Bị nhân giáp thùy trái có nguy hiểm không?
Để xác định bướu giáp là lành tính hay ác tính, bác sĩ sẽ tiến hành chọc sinh thiết khối u. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp nhân thùy trái tuyến giáp là lành tính, tỷ lệ khối u ác tính hay còn gọi là ung thư tuyến giáp chỉ khoảng 5%.
Mặc dù lành tính nhưng người bệnh cũng không được chủ quan và cần thăm khám, điều trị bệnh kịp thời. Bởi nếu không phát hiện, khối u có thể tăng lên về kích thước và số lượng, gây chèn ép khí quản, ảnh hưởng đến hoạt động nuốt và thở, thậm chí có thể khiến người bệnh ho cấp tính và dẫn đến tử vong.
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhân thùy trái tuyến giáp
Cho đến nay, nguyên nhân gây nhân thùy trái tuyến giáp là chưa được xác định rõ, tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đó là:
- Giới tính: Phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đàn ông.
- Di truyền: Gia đình có người bị bướu giáp hoặc chức năng của tế bào nang không đồng nhất.
- Môi trường: Thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều chất phóng xạ, hút thuốc lá, chế độ ăn uống thiếu iot làm tăng nguy cơ hình thành nhân thùy trái tuyến giáp.
- Các bệnh lý: Bệnh nhân cường giáp hoặc suy giáp, viêm tuyến giáp tự miễn, nhiễm trùng hoặc đang sử dụng một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác có khả năng mắc bướu giáp cao hơn.
- Rối loạn trong giai đoạn bẩm sinh hoặc trưởng thành: Quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp bị sai sót từ lúc bẩm sinh hoặc cấu trúc và chức năng của bướu giáp đang trưởng thành gặp bất thường, các chất tuyến giáp tăng hoạt tự nhiên cũng làm tăng sự hình thành nhân thùy trái tuyến giáp.
4. Triệu chứng nhân thùy trái tuyến giáp
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh nhân thùy trái tuyến giáp không phát hiện bệnh cho đến khi tình cờ thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc các bệnh lý khác, bởi bướu giáp thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Tuy nhiên, nếu chú ý đến sức khỏe của bản thân, người bệnh có thể nhận thấy một số biểu hiện của bệnh như:
- Khó nuốt, rối loạn tiêu hóa, nấc, sụt cân, nóng người, có cảm giác bị đè ở cổ, vùng tuyến giáp, ...
- Thường xuyên cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, run tay, mắt lồi, có thể sờ thấy nhân thùy trái tuyến giáp chắc, di động nhưng không gây đau.
- Khi kích thước bướu giáp ngày càng lớn có thể gây ra các dấu hiệu tắc nghẽn ở khoang lồng ngực như nghẹt thở, thở khó, hụt hơi, ho, sưng phù ở cổ, mặt, khàn giọng, ù tai, ...
- Một số dấu hiệu hiếm gặp do bướu giáp chèn ép dây thần kinh thanh quản gây tê liệt dây thần kinh, liệt dây thanh âm.
5. Chẩn đoán và điều trị nhân thùy trái tuyến giáp
Để chẩn đoán xác định bệnh nhân thùy trái tuyến giáp, các bác sĩ sẽ dựa vào các kỹ thuật sau:
- Thăm khám lâm sàng
- Siêu âm tuyến giáp: xác định khối u nằm ở vị trí nào, kích thước to hay nhỏ, một hay nhiều khối u.
Để xác định bướu giáp là lành tính hay ác tính, cần tiến hành thêm xét nghiệm tế bào. Đây là thủ thuật lấy nhân giáp và dùng kính hiển vi để soi tế bào. Tùy vào tính chất nhân thùy trái tuyến giáp là ác tính hay lành tính và tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:
- Nhân giáp lành tính: Nếu nhân giáp lành tính và có kích thước nhỏ, người bệnh có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc chưa cần điều trị, tuy nhiên, người bệnh cần tái khám, siêu âm định kỳ 3 - 6 tháng để kiểm tra kích thước, số lượng nhân giáp. Nếu nhân thùy trái tuyến giáp là lành tính nhưng có kích thước lớn và chèn ép khiến người bệnh gặp khó khăn khi nuốt, thở, sưng cổ, ... người bệnh có thể phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
- Nhân giáp ác tính (hay còn gọi là ung thư tuyến giáp): Phương pháp điều trị bắt buộc với trường hợp này là phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Sau khi cắt bỏ, người bệnh cần tiếp tục điều trị bằng phương pháp iod phóng xạ và dùng hormon tuyến giáp thay thế.
Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nhân thùy trái tuyến giáp được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an tính an toàn và đạt hiệu quả điều trị cao, thời gian xét nghiệm và phẫu thuật nhanh chóng. Sau điều trị, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh và không để lại sẹo.
Bị nhân giáp thùy trái có nguy hiểm không, câu trả lời thực sự là không nguy hiểm nếu nhân giáp là lành tính và người bệnh được phát hiện, điều trị kịp thời. Phần lớn các trường hợp nhân giáp thùy trái đều lành tính. Ngay cả với trường hợp ác tính là ung thư tuyến giáp, bệnh nhân vẫn có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM: