Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá mức phù hợp so với chiều cao. Béo phì là tính trạng tích lũy mỡ quá mức, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do ăn nhiều và ít vận động. Vậy vì sao một số trẻ ăn ít mà vẫn béo?
1. Phân bố thời gian ăn uống không khoa học
Một số người có quan niệm trẻ thức dậy muộn thì có thể bỏ qua bữa sáng hoặc chỉ uống sữa qua loa với hy vọng giảm bớt lượng thực phẩm đưa vào cơ thể. Thực ra điều này không nên vì khi quá đói nhưng chưa đến bữa trưa, chúng sẽ có xu hướng ăn bù nhiều năng lượng hơn. Lời khuyên tốt nhất dành cho mọi lứa tuổi là ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn vào tối muộn. Đặc biệt là tránh ăn sau 20h, tranh thủ cho con đi ngủ trước 22h để hôm sau dậy sớm lành mạnh.
Nhìn chung, biện pháp nhịn ăn để giảm cân sẽ khiến cân nặng giảm đi, nhưng lại có nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa nguy hiểm, giảm khả năng học tập và hoạt động thể lực, gây teo cơ,... hoàn toàn không phù hợp với trẻ nhỏ. Sau các đợt nhịn ăn đó, cơ thể rất dễ tăng cân trở lại và béo nhiều hơn do ăn bù.
Tương tự, việc nhịn uống sẽ khiến cơ thể bị thiếu nước, dẫn đến rối loạn nước và điện giải trong cơ thể. Trẻ em hiếu động, mải chơi mà quên uống nước cũng rất thường gặp. Vì vậy, bạn nên nhắc trẻ uống đủ nước ngay cả khi chưa khát để đảm bảo hoạt động sống diễn ra bình thường, tránh để quá khát và mệt mỏi sẽ dễ uống nước có ga hoặc ăn vặt đồ ngọt.
2. Uống sữa không phù hợp
Hạn chế uống sữa vì sợ béo thực sự là một ngộ nhận tai hại. Sữa và các chế phẩm từ sữa được coi là một nhóm thực phẩm cần thiết hàng ngày, bởi:
- Trong thành phần đạm sữa có đầy đủ các axit amin thiết yếu, đặc biệt giàu Lysin rất cần cho sự tăng trưởng (chất này có rất ít trong gạo - thực phẩm chính của chúng ta)
- Sữa giàu canxi, lại có tỷ lệ phospho và đường Lactose hợp lý nên canxi càng dễ hấp thu
- Chất béo trong sữa còn chứa vitamin A, D là các vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển.
Ngay cả trẻ béo phì cũng cần đảm bảo tăng trưởng chiều cao để tự điều chỉnh hình thể bản thân. Tốt nhất nên dùng sữa gầy hay còn gọi là sữa tách béo, hạn chế tối đa sữa có đường, không nên ăn váng sữa. Liều lượng cần phù hợp theo độ tuổi, ví dụ trẻ 2 tuổi cần khoảng 400 - 500 ml sữa mỗi ngày là đủ.
3. Khẩu phần ăn mất cân bằng
Các chất đạm, béo hay tinh bột khi vào trong cơ thể đều có thể chuyển thành chất béo dự trữ. Tuy nhiên một số phụ huynh vẫn còn quan niệm ăn nhiều thịt, nhiều mỡ là nguyên nhân gây béo, từ đó cắt giảm những thành phần này trong bữa ăn của bé. Thực chất, ăn quá thừa chất bột và đồ ngọt cũng có thể gây béo, mà đây lại là thành phần chủ yếu trong nhiều món ăn yêu thích của trẻ con.
Dù thừa cân nhưng khẩu phần ăn của bé vẫn phải đảm bảo các thành phần dinh dưỡng để có đủ năng lượng hoạt động và phát triển. Mục tiêu chính không phải là cho bé giảm cân, mà làm chậm tốc độ tăng cân của những trẻ ăn ít mà vẫn béo.
Ngoài ăn cơm, thịt, mẹ nên thay đổi cho con ăn hải sản và đậu để bổ sung đạm. Đối với rau thì nên chọn rau lá hơn là các loại củ để tránh tăng tinh bột. Hạn chế xào rán thức ăn nhưng không nên tránh hoàn toàn dầu mỡ, vì đây là dung môi hòa tan một số vitamin A, E, D, K. Ít nhất 30 phút sau bữa ăn chính thì dùng thêm trái cây tươi ít ngọt. Hạn chế tối đa cho trẻ ăn vặt, các món chế biến sẵn nhiều mỡ dầu, bánh snack, kẹo ngọt, thức uống có ga,...
4. Ít vận động, tập thể dục
Nhiều gia đình vẫn chưa quan tâm đúng mức việc dành thời gian thể dục cho con trẻ. Thực trạng hiện nay cho thấy trẻ em nằm ngồi xem TV hoặc nghịch thiết bị thông minh hầu như toàn bộ thời gian rảnh.
Phụ huynh cần khuyến khích trẻ chơi các trò vận động phù hợp, đặc biệt môn thể thao đó trẻ phải ưa thích thay vì phải theo ý cha mẹ. Hằng ngày nên áp dụng lối sống năng động, tăng cường dắt con đi bộ, leo thang bộ thay vì thang máy, cho con chạy nhảy, đạp xe,... Hướng dẫn con dọn dẹp nhà cửa, phụ bố mẹ làm vườn cũng là những cách hay để bé có cơ hội vận động và phát triển các kỹ năng cần thiết.
5. Có thái độ cực đoan đối với trẻ béo
Nếu trong gia đình có trẻ ăn ít nhưng vẫn tăng cân, phụ huynh thường có một trong hai thái độ sau:
- Một là xem nhẹ vấn đề, không quan tâm: Quan niệm trẻ nhỏ càng béo càng tốt, sổ sữa mới dễ thương đã tồn tại từ lâu nay. Trẻ sơ sinh ăn ít mà vẫn tăng cân được cho là dễ nuôi. Thật ra, trẻ béo phì thường có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm lý ngay từ nhỏ. Khoảng 20 - 30% tiếp tục béo phì cho đến lớn, đều là béo mức độ nặng và thường rất khó chữa trị.
- Ngược lại quá lo sợ, buộc trẻ ăn kiêng quá mức, đồng thời giễu cợt, chọc quê để con bớt ăn: Thật ra việc quá nhấn mạnh đến vẻ bề ngoài của con cũng như chuyện giảm cân sẽ gây hại hơn là giúp con. Trẻ đang tăng trưởng và phát triển nên không thể bị thiếu hụt các dưỡng chất như vitamin và muối khoáng, đặc biệt chất đạm, canxi,... Thái độ không phù hợp của phụ huynh sẽ tạo sức ép về tâm lý, dẫn đến tình trạng trẻ tự ti mặc cảm và các rối loạn hành vi ăn uống (như háu ăn quá mức hoặc chán ăn tâm lý) rất khó chữa trị.
Nhìn chung, người chăm sóc và tiếp xúc với trẻ thừa cân béo phì phải giữ thái độ quan tâm đúng mức, không phân biệt giữa trẻ béo và các bạn khác, tạo cho con thói quen vận động và ăn uống lành mạnh dựa trên cơ sở khoa học.
6. Đánh giá chưa đúng trẻ thừa cân - béo phì
Biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám sức khỏe là công cụ hữu ích để theo dõi sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên biểu đồ này chỉ phản ánh số cân nặng so với độ tuổi, nên không thể đánh giá đúng trẻ thừa cân - béo phì. Một số trẻ có thể quá nặng so với tuổi nhưng trọng lượng này lại phù hợp với chiều cao, như vậy đây là một đứa trẻ cao to cân đối chứ không phải trẻ béo phì.
Để đánh giá đúng thừa cân - béo phì ở trẻ em, phụ huynh không chỉ dựa vào quan sát trẻ sơ sinh ăn ít mà vẫn tăng cân quá nhanh so với biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám sức khỏe, mà cần khám với bác sĩ kết hợp với những dấu hiệu bên ngoài như: mặt tròn, má xệ, ngấn cổ lớn, mỡ dày ở bụng/ đùi bẹn/ ngực/ nách... cũng như trẻ hay đổ mồ hôi khi vận động.
Tóm lại, do cơ thể trẻ em đang tăng trưởng và phát triển, không nên đặt vấn đề giảm cân cho con mà chỉ giảm tốc độ tăng cân và đảm bảo tăng chiều cao theo lứa tuổi. Các trẻ ăn ít mà vẫn béo cần được theo dõi bởi các chuyên gia dinh dưỡng am hiểu kiến thức để tránh bị thiếu hụt các chất cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.