U xơ tử cung là một tình trạng phụ khoa lành tính phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1/5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hầu hết người bệnh không trải qua triệu chứng rõ ràng và thường chỉ phát hiện bệnh trong các buổi khám phụ khoa định kỳ. Nguyên nhân gây u xơ tử cung được cho là do ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé!
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1. U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là một loại khối u lành tính được hình thành từ sự phát triển thái quá của các sợi cơ trơn trong tử cung. Nguyên nhân gây u xơ tử cung vẫn chưa được xác định chính xác.
U xơ có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc nhiều khối u cùng một lúc với kích thước đường kính dao động từ vài mm đến hàng chục mm. Thông thường, u xơ thường là một loại khối u lành tính và ít khi chuyển biến thành ung thư.
U xơ tử cung được phân loại dựa vào vị trí của khối u trong tử cung, bao gồm:
- U xơ dưới thanh mạc.
- U xơ trong cơ tử cung.
- U xơ dưới niêm mạc.
- U xơ có thể nằm ở cổ tử cung hoặc trong dây chằng rộng.
2. Nguyên nhân gây u xơ tử cung
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân gây u xơ tử cung có sự liên quan mật thiết đến hormone estrogen. Nồng độ estrogen trong cơ thể tăng cao sẽ thúc đẩy sự tăng sinh của cơ và niêm mạc tử cung, từ đó dẫn đến hình thành u xơ.
Thông thường, các khối u xơ có xu hướng teo nhỏ hoặc biến mất khi phụ nữ bước vào độ tuổi mãn kinh. Mặt khác, các nghiên cứu cũng đã liên kết nguyên nhân gây u xơ tử cung với các vấn đề về sức khỏe sinh sản như sinh ít con, vô sinh hoặc sảy thai nhiều lần. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn có thể xuất hiện ở những phụ nữ đã sinh nhiều con.
3. Đối tượng có khả năng bị u xơ tử cung
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sự phát triển bệnh bao gồm:
- Độ tuổi: Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40 thường có nguy cơ cao.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu có thành viên trong gia đình, như mẹ, từng mắc phải.
- Chỉ số cơ thể: Phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2-3 lần so với người thường.
- Có kinh nguyệt sớm: Những phụ nữ có kinh nguyệt sớm có thể có nguy cơ cao hơn.
- Không mang thai: Phụ nữ chưa từng mang thai có khả năng mắc bệnh hơn so với người bình thường.
4. Các dấu hiệu của u xơ tử cung
Đa số phụ nữ mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kích thước và vị trí, khối u có thể gây áp lực lên các cơ quan lân cận và gây ra các biểu hiện như:
- Đau vùng hạ vị hoặc hố chậu, đặc biệt là tình trạng đau nghiêm trọng hơn vào trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
- Đau bụng dưới trong và sau khi quan hệ tình dục; khối u gây áp lực lên bàng quang có thể dẫn đến các rối loạn tiểu tiện như khó tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ.
- Khối u chèn ép vào niệu quản gây ứ đọng nước tiểu và gây táo bón khi chèn vào trực tràng.
- Một triệu chứng phổ biến khác là xuất huyết tử cung bất thường, bao gồm tình trạng rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh.
Trong quá trình khám thực thể, bệnh nhân có thể không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe tổng quát hoặc có thể nhợt nhạt, thiếu máu, tử cung to và cứng, mật độ không đều và di động theo cổ tử cung. Ngoài ra, các triệu chứng của phúc mạc có thể xuất hiện do sự thoái hoá hoặc hoại tử của khối u xơ.
4. Biến chứng của u xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là một loại khối u lành tính và không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tử cung. Trong một số trường hợp, sau khi trải qua một - hai lần mang thai hoặc sau khi bước vào thời kỳ mãn kinh, khối u có thể ngừng phát triển.
Tuy nhiên, nếu khối u tiếp tục phát triển có thể gây ra các triệu chứng và dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Chảy máu kéo dài, có thể gây thiếu máu do mất máu nhiều.
- Chèn ép niệu quản, gây ứ đọng bể thận, có thể kèm theo các triệu chứng như tiểu rắt và khó tiểu.
- Chèn ép trực tràng, gây ra táo bón kéo dài.
- Chèn ép tĩnh mạch, dẫn đến phù chi dưới.
- Xoắn khối u.
- Nhiễm khuẩn khối u, niêm mạc tử cung hoặc ống dẫn trứng.
- Thoái hóa và hoại tử vô khuẩn.
5. Chẩn đoán u xơ tử cung
Các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Siêu âm: Phương pháp này rất hiệu quả trong việc phát hiện khối u ở tử cung, giúp phân biệt u xơ với u nang buồng trứng.
- CT-scan và MRI: Những phương pháp này thường được sử dụng trong các trường hợp phức tạp, như khi u xơ có kích thước lớn hoặc cần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng khác.
- Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV): Phương pháp này giúp đánh giá tình trạng chèn ép lên niệu quản và thận do u xơ gây ra.
Chẩn đoán phân biệt u xơ tử cung cần được thực hiện để loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự, bao gồm:
- Xuất huyết tử cung bất thường: Có thể do chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng, tăng sinh nội mạc tử cung hoặc các bệnh lý ác tính của nội mạc tử cung.
- Đau vùng chậu: Nguyên nhân có thể là do lạc nội mạc cơ tử cung, lạc nội mạc buồng trứng, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng xoắn hoặc viêm phần phụ.
- Khối u hạ vị: Có thể do thai kỳ, lạc nội mạc tử cung, polyp tử cung, khối u buồng trứng, hoặc leiomyosarcoma.
6. Điều trị u xơ tử cung
Mục tiêu chính trong điều trị u xơ tử cung là giảm thiểu các triệu chứng như xuất huyết bất thường, đau và các vấn đề gây ra bởi sự chèn ép của khối u lên các cơ quan xung quanh. Việc chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Kích thước, vị trí, số lượng khối u, mức độ phát triển của khối u: Khối u to hay nhỏ, dưới niêm mạc, trong cơ tử cung hay dưới thanh mạc,...
- Các triệu chứng đi kèm: Bệnh nhân có chảy máu, đau, chèn ép hay vô sinh hay không.
- Tình trạng mãn kinh.
- Mong muốn của bệnh nhân liên quan đến chi phí điều trị, sự thuận lợi, việc bảo tồn tử cung hay các tác dụng phụ khác.
Trong trường hợp các khối u xơ nhỏ và không gây ra biến chứng, đặc biệt là ở phụ nữ gần hoặc đã mãn kinh mà khối u không phát triển thêm, bệnh nhân có thể không cần phẫu thuật, mà chỉ cần được theo dõi sát sao, điều trị nội khoa và tái khám định kỳ.
Phẫu thuật được chỉ định cho bệnh nhân u xơ tử cung trong các trường hợp sau:
- U xơ có kích thước tương đương tử cung có thai từ 12 tuần trở lên.
- Xuất huyết tử cung bất thường.
- Điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả.
- U xơ nằm dưới niêm mạc gây ra rong huyết.
- U xơ gây ra các biến chứng như chèn ép bàng quang hoặc niệu quản.
- U xơ hoại tử hoặc nhiễm trùng, điều trị nội khoa thất bại.
- U xơ phát triển nhanh, đặc biệt sau khi mãn kinh.
- Các bệnh lý đi kèm như ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình hoặc sa sinh dục.
- Vô sinh hoặc sảy thai liên tiếp.
- Khối u vùng hạ vị không thể phân biệt với u buồng trứng.
Quyết định phẫu thuật lấy khối nhân xơ nhằm bảo tồn tử cung hoặc cắt bỏ toàn phần tử cung phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và mong muốn của người bệnh.
Nhìn chung, u xơ thường là những khối u lành tính, hiếm khi phát triển thành ung thư và nguyên nhân gây u xơ tử cung vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Dù lành tính nhưng u xơ vẫn có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới, chính vì thế mọi người cần chủ động khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời (nếu cần thiết).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.