Lưu ý trong giai đoạn thoát mê khi gây mê

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thoát mê là một trong những giai đoạn của gây mê, ở giai đoạn thoát mê người bệnh sẽ có thể xuất hiện một số những tác dụng phụ của thuốc và các tác động sau phẫu thuật. Nên trong giai đoạn thoát mê này cần chú ý theo dõi để giảm thiểu và khắc phục kịp thời những biến chứng gây ra.

1. Thoát mê là gì?

Thoát mê là thời kỳ người bệnh được ngừng sử dụng thuốc mê đường tĩnh mạch hay đường hô hấp, hết tác dụng của thuốc đến khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và các chức năng của cơ thể trở về bình thường, như chức năng hô hấp, tuần hoàn... Các thuốc gây mê thường đào thải khá nhanh, giai đoạn thoát mê này thường kéo dài trong vài giờ, khoảng từ 2-3 giờ.

Trong thời kỳ thoát mê này tuy bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của phẫu thuật như: Chảy máu, đau sau phẫu thuật.. và những tác động của thuốc mê, các thuốc hỗ trợ khác như thuốc an thần, thuốc giãn cơ, biến chứng sau rút nội khí quản...

Ở giai đoạn thoát mê người bệnh được theo dõi ở phòng sau mổ, đến khi tỉnh hẳn để phát hiện sớm những bất thường xảy và xử lý kịp thời.


Thoát mê thường kéo dài từ 2-3 giờ
Thoát mê thường kéo dài từ 2-3 giờ

2. Những lưu ý trong giai đoạn thoát mê

Ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình gây mê đều có thể xảy ra những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, kể cả ở giai đoạn thoát mê sau khi bệnh nhân đã tỉnh lại vẫn có nguy cơ xảy ra một số biết chứng nên cần theo dõi kỹ những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn này.

Sau khi thoát mê người bệnh có thể xuất hiện một số các biến chứng như:

  • Nôn: Nôn sau khi thoát mê có thể do tác dụng của thuốc gây mê còn gây nôn hoặc do hút dịch dạ dày không hết.
  • Tắc đường hô hấp trên như: Tụt lưỡi làm lưỡi đè vào thanh môn thường gặp ở người già, người béo phì và trẻ em.
  • Nguy cơ do rút ống nội khí quản sớm: Khi gây mê có thể phải đặt ống nội khí quản, khi rút ống nội khí quản có thể làm bệnh nhân bị ho, sặc, co cơ thanh quản. Hoặc suy hô hấp do rút nội khí quản quá sớm bệnh nhân chưa tỉnh hẳn, chưa thể tự thở.do đó cần đánh giá tình trạng tri giác, hô hấp tim mạch, hết tác dụng các thuốc gây mê và độ giãn cơ trước khi rút ( TOF> 90%)
  • Phù thanh môn: Hiếm gặp, có thể do tác động của thuốc gây mê gây ra, hay do tổn thương khi đặt nội khí quản, rút ống nội khí quản.
  • Trụy tim mạch: Có thể do thừa C02 ở giai đoạn sau gây mê, phẫu thuật mất máu nhưng chưa bù đủ.
  • Người bệnh có thể hạ thân nhiệt nhất là khi mới thoát mê, sau đó một thời gian nhiệt độ trở về bình thường.
  • Tăng nhiệt độ ác tính: Người bệnh sau khi gây mê có thể dẫn đến tăng nhiệt độ, sốt cao từ 40-41 độ C, người tím tái, co giật, tăng kali máu, có nguy cơ tử vong.
  • Viêm phổi, xẹp phổi: Hay gặp ở người già và trẻ em do tắc đường thở.
  • Tử vong: Tỷ lệ tử vong do gây mê rất hiếm gặp có thể xảy ra với tỷ lệ 1/250.000 trường hợp, thay đổi tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, như bệnh nhân có bệnh lý nghiêm trọng.

Xẹp phổi khi thoát mê thường xảy ra ở người già
Xẹp phổi khi thoát mê thường xảy ra ở người già

Những chú ý khi theo dõi người bệnh trong giai đoạn thoát mê:

  • Khi người bệnh thoát mê được đưa vào phòng theo dõi sau phẫu thuật, thì cần theo dõi kỹ những dấu hiệu sinh tồn: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, màu sắc da (như tím tái hay nhợt nhạt nguy cơ thiếu máu), đặc biệt ở trẻ em những dấu hiệu biểu hiện bên ngoài rất quan trọng.
  • Theo dõi các dấu hiệu suy hô hấp: Bệnh nhân khó thở, cánh mũi phập phồng, co kéo các cơ hô hấp.
  • Tư thế người bệnh nên để nằm ngửa, kê gối dưới vai, đầu nghiêng sang 1 bên để tránh hiện tượng trào ngược vào đường hô hấp.
  • Cần hỏi, trò chuyện với người bệnh để kích thích người bệnh nhanh chóng hồi tỉnh.
  • Kiểm tra thường xuyên sự cử động cơ trở lại, chú ý sự hồi tỉnh của bệnh nhân về ý thức, cảm giác và vận động.
  • Nếu đặt ống nội khí quản thì rút khi bệnh nhân tự thở lại được, tránh rút quá sớm khi bệnh nhân chưa tỉnh táo, chưa tự thở được hay quá muộn sẽ gây kích thích đường hô hấp, lên cơn hen.
  • Để thoát mê nhanh đôi khi sử dụng các chất hòa giải để hòa giải tác động của thuốc gây mê, từ đó người bệnh nhanh tỉnh hơn.
  • Sau khi thoát mê có hiện tượng giảm thân nhiệt nên cần giữ ấm cho người bệnh ở giai đoạn này.
  • Lưu ý khi thoát mê không có nghĩa là bệnh nhân sẽ tỉnh táo hoàn toàn như người bình thường mà một vài hệ quả có thể tồn tại trong nhiều giờ sau khi gây mê chấm dứt như vẫn còn thấy giảm cảm giác ở một phần nào đó của cơ thể cho đến khi hết hoàn toàn thuốc mê trong máu.

Bệnh nhân cần được theo dõi vài giờ sau khi thoát mê
Bệnh nhân cần được theo dõi vài giờ sau khi thoát mê

Khi bệnh nhân thấy hoàn toàn tỉnh táo như thường thì sự phán đoán và những phản xạ vẫn có thể bị ảnh hưởng khoảng một thời gian sau phẫu thuật, đặc biệt nếu có dùng thuốc chống đau hay chống nôn. Tuy nhiên nếu cảm thấy tê hay giảm cảm giác kéo dài quá lâu thì nên báo cho bác sĩ biết để khắc phục.

Giai đoạn thoát mê là giai đoạn người bệnh phải chịu tác động sau một cuộc phẫu thuật và những tác dụng của thuốc gây mê gây ra. Theo dõi sát bệnh nhân khi người bệnh chưa tỉnh táo là cách tốt nhất để phòng và xử lý kịp thời những biến chứng xảy.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Bác sĩ Đinh Văn Lộc tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa tại Huế năm 1990, tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa I năm 2003 và bác sĩ chuyên khoa II Gây mê hồi sức năm 2017. Bác sĩ Lộc được đào tạo chuyên sâu nâng cao Gây mê hồi sức và có hơn 23 năm kinh nghiệm công tác gây mê hồi sức chuyên sâu về Nhi khoa, gây mê thần kinh sọ não, gây mê hồi sức cho phẫu thuật cắt gan, cắt thực quản tại Bệnh viện.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe