Bài viết được tư vấn chuyên môn Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Hải từng làm việc tại Khoa Nhi sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là khám và điều trị nhi khoa tổng quát, khám và điều trị nhi sơ sinh, hồi sức nhi.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị rốn - thành bụng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của ca mổ, nhằm phát hiện và xử trí các rối loạn về sinh lý và biến chứng xảy ra do gây mê hoặc do phẫu thuật.
1. Tầm quan trọng của việc chăm sóc trẻ sơ sinh sau mổ thoát vị rốn - thành bụng
Sự thành công của cuộc mổ thoát vị rốn - mổ hở thành bụng tùy thuộc phần lớn vào chế độ chăm sóc sau mổ. Theo đó, giai đoạn sau phẫu thuật thoát vị thành bụng là giai đoạn xuất hiện nhiều rối loạn về sinh lý ở trẻ, bao gồm những biến chứng về hô hấp, tuần hoàn, kích thích, gây đau, rối loạn chức năng thận, rối loạn khả năng đông máu, hạ thân nhiệt,... xảy ra do thuốc gây mê hoặc do phẫu thuật. Điều quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị là không bao giờ được để trẻ chưa tỉnh thuốc mê nằm một mình mà không có người theo dõi.
Chăm sóc trẻ sơ sinh sau phẫu thuật đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và gia đình bệnh nhi. Nhân viên y tế phải có đủ trình độ, được đào tạo chuyên sâu để có thể giải quyết bất cứ tình huống nào gặp phải. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần được hướng dẫn thực hiện một số theo dõi cần thiết để phòng và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra gây nguy hiểm cho trẻ.
2. Theo dõi bé tại phòng hồi tỉnh
Thời gian trẻ sơ sinh sau mổ thoát vị rốn - hở thành bụng phải nằm lại phòng hồi tỉnh kéo dài khoảng từ 2 - 4h. Suốt thời gian này, bệnh nhi đang trong giai đoạn thoát mê, vì vậy toàn bộ chức năng sống hồi phục dần cả về ý thức, tinh thần, vận động, cảm giác cho đến chức năng hô hấp và tuần hoàn. Cụ thể như sau:
- Hệ thần kinh: Trong thời gian từ 15 - 30 phút sau mổ thoát vị rốn, bệnh nhi có thể đang ngủ sâu, hoặc chưa tỉnh, còn lơ mơ. Một số bé thoát mê sớm hơn thì thường ở vào trạng thái kích thích, quấy khóc, chưa kiểm soát được hành động của mình, song chân tay còn tê và khó cử động, đặc biệt là hai chi dưới;
- Hệ hô hấp: Hoạt động của các cơ hô hấp được khôi phục dần, tuy nhiên khả năng nói chung vẫn còn yếu. Một số tác dụng phụ của thuốc gây mê có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị thở khó, thở chậm hoặc thở nhanh và nông, cơ hô hấp co kéo mạnh, khi thở có tiếng rít hoặc rên, môi bé tím tái hoặc nhợt nhạt;
- Hệ tuần hoàn: Thường các bệnh nhi sau phẫu thuật thoát vị thành bụng sẽ bị tình trạng mất máu, mất dịch, dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn. Tình trạng này cùng với tác dụng của thuốc gây mê, khiến cho trẻ dễ bị rối loạn vận mạch. Trên lâm sàng có thể quan sát thấy da xanh, niêm mạc mắt trở nên nhợt nhạt, đầu chi kém hồng, mạch nhanh và huyết áp giảm;
- Thân nhiệt: Giảm nhẹ trong giai đoạn hồi tỉnh. Nhiệt độ cơ thể thường dao động trong khoảng 36 ± 0,2 oC, sau đó có dấu hiệu tăng dần lên nhiệt độ bình thường. Một số bé có thể sốt ngay sau mổ;
- Các dấu hiệu cần lưu ý khác là run cơ, đau, nôn trớ và bí tiểu.
Trong giai đoạn này, người nhà bệnh nhi cần chú ý những vấn đề sau đây:
Theo dõi sát đối với những dấu hiệu liên quan đến chức năng sống của trẻ. Màu sắc da, môi nhợt nhạt hoặc tím là dấu hiệu cho thấy bé bị thiếu oxy máu. Ngoài ra, để ý xem lồng ngực bé có di động không, có hiện tượng thở mạnh gây co kéo tại các cơ vùng ngực cổ không, hoặc nghe có tiếng thở rên, rít đều là biểu hiện cho thấy bệnh nhi đang thở gắng sức, cần báo ngay cho nhân viên y tế. Chú ý, tư thế của trẻ trong lúc hồi tỉnh cần đặt nằm ngửa đầu (kê gối dưới vai), đầu nghiêng sang một bên để tránh hiện tượng nôn ói, trào ngược vào đường hô hấp;
Kiểm tra biểu hiện nhợt nhạt ở đầu chi hoặc gan bàn tay. Nếu trẻ có dẫn lưu cần theo dõi màu sắc dẫn lưu, thông thường sẽ có màu hồng nhạt, nếu có máu đỏ tươi hoặc tốc độ chảy mạnh, nhiều là hiện tượng xuất huyết trong. Tình trạng này rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhi do làm giảm khối lượng tuần hoàn, cần báo ngay cho bác sĩ. Chú ý khi trẻ có hiện tượng kích thích, co giật thì giữ chân tay trẻ, tránh để trẻ lơ mơ dùng tay co kéo dẫn lưu hoặc vùng vẫy quá mạnh, gây chảy máu hay tụt ống dẫn lưu;
Bên cạnh đó, cần chủ động thực hiện phục hồi ý thức, cảm giác và vận động cho trẻ: Khoảng 15 - 30 phút sau khi ra phòng hồi tỉnh, có thể cần kích thích nhẹ để trẻ sớm phục hồi ý thức, xoa bóp nhẹ hai chi dưới để làm giảm tê bì sau phẫu thuật;
Giữ ấm cho trẻ bằng cách dùng chăn đắp hoặc đặt chai nước ấm vặn chặt nút cạnh bệnh nhi khi thời tiết trở lạnh;
Chủ động thay đổi tư thế bệnh nhi ngay khi trẻ tỉnh dậy một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, có thể xoa bóp chân tay bệnh nhân để giảm tê mỏi và tăng cường lưu thông máu;
Chú ý biểu hiện đau của trẻ hoặc nếu trẻ đã nói và hiểu được thì phải hỏi xem tình trạng đau bắt đầu xuất hiện khi nào để báo lại cho nhân viên y tế để dùng thuốc giảm đau theo y lệnh và kiểm tra khả năng đáp ứng thuốc.
3. Chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn hậu phẫu
Thời gian này, hầu hết các bé đã tỉnh, các chức năng sống đã hồi phục nhiều và không còn đe dọa như giai đoạn hồi tỉnh, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc cho bé:
- Theo dõi ý thức, tinh thần, vận động của trẻ. Cho trẻ nằm ở tư thế kê cao đầu khoảng 30 độ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặt nằm với đầu hơi ngửa và nghiêng sang một bên. Thời điểm sau thoát mê, bệnh nhi bắt đầu có cảm giác đau, do đó phụ huynh cần bên cạnh động viên an ủi trẻ và báo nhân viên y tế dùng thuốc giảm đau kịp thời nếu cần thiết. Thông thường, mức độ đau sẽ giảm dần trong khoảng 3 ngày sau mổ;
- Trong 24 giờ đầu sau phẫu thuật thoát vị thành bụng, cần lưu tâm vấn đề chảy máu tại vết mổ, đặc biệt chảy máu trong qua dẫn lưu. Để hạn chế điều này, cần chú ý không để trẻ vận động quá mạnh, đảm bảo ống dẫn lưu không bị gập, bị tắc, vị trí dẫn lưu phải thấp hơn vị trí của bệnh nhân ít nhất 60 cm. Thời gian đầu, có thể cùng nhân viên y tế theo dõi màu sắc và lượng dịch dẫn lưu. Nếu thấy có máu đỏ tươi hoặc tăng đột ngột thể tích dẫn lưu, cần báo ngay;
- Thân nhiệt trẻ bắt đầu tăng lên đến mức ổn định và có thể xuất hiện sốt nhẹ do hiện tượng hồi phục sau mổ, thậm chí sốt cao liên tục đối với một số bệnh như viêm phúc mạc, lồng ruột, viêm ruột hoại tử. Vì vậy, phụ huynh cần nắm một số kiến thức cơ bản để giảm sốt cho trẻ: Nới rộng quần áo, lấy bớt chăn ra, cởi bỉm hoặc quần nhưng vẫn phải mặc cho trẻ một chiếc áo mỏng để tránh viêm phổi. Lưu ý chỉ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ cặp nách cao từ 38.5oC trở lên. Khi trẻ dùng thuốc hạ sốt, cần kết hợp cùng các biện pháp khác, như chườm mát hoặc đắp ấm cho trẻ tại một số vị trí như nách, bẹn, trán, gan bàn tay, chân. Sốt liên quan đến phẫu thuật đơn thuần thường chỉ kéo dài khoảng 2 ngày, sau đó sẽ giảm dần, nhưng nếu thấy thân nhiệt bé tăng cao dần sau phẫu thuật 3 ngày, cần đưa trẻ đi tái khám vì có thể bé đã mắc các nhiễm trùng khác tại vết mổ, viêm họng cấp,...;
- Sau mổ thoát vị rốn - hở thành bụng, bệnh nhi thường bị hạn chế vận động do đau, vì thế người chăm sóc cần biết cách thực hiện thay đổi tư thế cho trẻ trong 6 giờ đầu. Sau đó, cho bé ngồi dựa vào mình hoặc nằm cao đầu trước khi cho đứng dậy tập đi (khoảng 12 tiếng sau phẫu thuật) để tránh choáng do thay đổi tư thế đột ngột. Nếu có thể vận động sớm thì sẽ rất tốt cho bé sau mổ, đặc biệt trong phẫu thuật đường tiêu hóa vì nhu động ruột sẽ được kích thích hoạt động sớm trở lại, từ đó giảm nguy cơ bé bị dính tắc ruột sau mổ. Vận động cũng giúp bệnh nhi hạn chế ứ đọng đờm dãi, tránh xẹp phổi, tăng cường khả năng tuần hoàn. Với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh chưa đi được thì nên thay đổi tư thế thụ động với sự hỗ trợ của người nhà và nhân viên y tế.
- Trong ngày đầu sau phẫu thuật thoát vị thành bụng, tùy từng bệnh nhi mà có thể được ăn hoặc phải nhịn theo y lệnh của bác sĩ điều trị. Thông thường, đối với tất cả các phẫu thuật liên quan tới vùng bụng và hệ thống tiêu hóa, bệnh nhi sẽ phải nhịn ăn cho tới khi có nhu động ruột trở lại (có thể trung tiện được). Theo đó, trẻ sẽ được truyền dịch hoặc đạm thay thế dinh dưỡng qua đường miệng. Phụ huynh khi bắt đầu cho ăn nên lựa chọn khởi đầu với các món lỏng, ít, rồi mới tới các món đặc, nhiều. Nếu cảm thấy khó ăn các thức ăn đặc, có thể cho bệnh nhi uống nước hoặc nước đường trước khi ăn. Nếu thấy bé nôn thì ngừng lại khoảng từ 30 phút – 1 giờ sau mới cho ăn trở lại;
- Công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ sau mổ cũng hết sức quan trọng, nhằm hạn chế nhiễm khuẩn. Cần lau người bằng nước ấm (tránh vết thương và dẫn lưu sau mổ), vệ sinh răng miệng hàng ngày.
4. Những điều cần lưu tâm sau khi xuất viện
Khi đã nhận thấy tình trạng bệnh nhi sau mổ thoát vị rốn - hở thành bụng trở nên ổn định, bác sĩ sẽ cho xuất viện. Từ lúc này, phụ huynh vẫn cần chú ý thực hiện chăm sóc bệnh nhi:
- Uống thuốc theo đơn và tuân theo hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế;
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ, bắt đầu với chế độ ăn lỏng, tăng dần độ đặc, ưu tiên giàu đạm, vitamin và khoáng chất;
- Cần hạn chế ăn, uống các loại thực phẩm, nước uống như nước cam, nước chanh, đồ ăn quá chua, trứng, thức ăn tanh trong khoảng 1 tháng sau mổ hở thành bụng;
- Vết mổ thường sẽ liền lại và có thể tiến hành cắt chỉ khoảng 10 ngày sau phẫu thuật, tuy nhiên với loại chỉ tự tiêu thì tùy theo cơ địa của từng trẻ, sau khoảng 1 - 2 tháng là chỉ khâu sẽ tự tiêu hoàn toàn;
- Khoảng 1 tuần sau phẫu thuật, trẻ có thể tham gia hoạt động nhẹ nhàng và đến trường học;
Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, đau vùng mổ, vết khâu sưng nề, bầm đỏ hoặc có mủ. Ngoài ra, cần chú ý sắp xếp thời gian để đưa trẻ đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.