Chấn thương mắt rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày, như việc chơi cầu lông, tai nạn lao động, giao thông hoặc do bỏng hóa chất, nhiệt độ,... và thường để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa nếu không được xử trí kịp thời.
1. Chấn thương mắt là gì?
Chấn thương mắt là tình trạng tổn thương ở mắt do những nguyên nhân như lý hóa, cơ học khác nhau gây ra. Có ba mức độ chấn thương mắt đó là:
- Chấn thương phần phụ: là những phần bảo vệ bên ngoài của mắt như mi mắt, các cơ vận nhãn, mô tổ chức, xương hốc mắt, bộ lệ, thần kinh và mạch máu trong hốc mắt,...
- Chấn thương trong mắt: bao gồm những bộ phận như giác mạc, kết mạc,...
- Chấn thương cả phần chính lẫn phần phụ của mắt.
Phân loại chấn thương theo cơ chế được chia làm 2 loại:
- Chấn thương đụng dập:
Do vật đầu từ tác động vào mắt với gia tốc lớn gây đụng dập và xuất huyết hoặc nứt rách tổ chức. Do cơ chế này làm cho thay đổi áp lực trong mổ và tổ chức nên vị trí nứt, rách tổ chức thường ở các điểm yếu hoặc đối diện vị trí bị tác động. Ví dụ như chấn thương dập nhãn cầu thường dẫn tới vỡ nhãn cầu tại chân cơ trực, vùng rìa hoặc vùng xích đạo.
- Vết thương xuyên:
Do vật sắc nhọn tác động vào tổ chức với gia tốc lớn gây rách và đứt tổ chức tại vị trí tác động. Vết thương xuyên thấu là vết thương xuyên hết mô tổ chức mắt. Tùy thuộc vào tác nhân gây vết thương còn tồn tại trong mô tổ chức hay không mà vết thương xuyên có thể không có dị vật hoặc có dị vật. Ví dụ như do mìn nổ gây nên vết thương giác mạc có dị vật kim khí nội nhãn,...
Tùy thuộc vào từng vị trí tổn thương của mắt, mà ảnh hưởng đến chức năng thị giác cũng như thẩm mỹ của bệnh nhân. Tổn thương phần phụ của nhãn cầu thường gặp hơn tổn thương nhãn cầu, và có thể kết hợp với các tổn thương khác ở vùng đầu mặt. Do đó việc xử trí cũng khác nhau, và điều trị ở các chuyên khoa khác nhau.
2. Xử trí chấn thương mắt
Xử trí chấn thương mắt theo một nguyên tắc chung bao gồm:
- Các chấn thương nhỏ và nông, không cần điều trị: đó là tuyệt đối không sờ, dụi mắt, không băng ép mắt vì có thể gây tổn thương trở lên nghiêm trọng hơn. Nếu sau 48 giờ mà tình trạng không cải thiện thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
- Những trường hợp vết thương đâm xuyên: không được rút, loại bỏ dị vật ra khỏi mắt. Hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
- Không được tự ý mua, bôi thuốc mỡ hay bất kì loại thuốc nào khác. Vì có thể làm nhiễm trùng mắt và gây khó khăn trong được thăm khám của bác sĩ.
Cụ thể xử trí chấn thương mắt ban đầu như sau:
2.1 Xử trí khi có dị vật trong mắt
Khi có dị vật trong mắt cần lưu ý không được dụi mắt, không dùng bông, giấy để lấy dị vật ra vì có thể làm nhiễm trùng mắt và gây xước giác mạc, kết mạc.
Hãy nhỏ thuốc nhỏ mắt có tác dụng rửa mắt hay nước muối sinh lý, hoặc chớp mắt vài lần để nước mắt chảy ra đẩy dị vật ra ngoài.
2.2 Xử trí xước giác mạc, kết mạc
Xước giác mạc, kết mạc là một chấn thương phổ biến, do vết xước từ móng tay, đồ chơi hay cây cỏ. Những vết xước nông giác mạc có thể tự lành. Tuy nhiên những vết xước sâu có thể đi kèm với nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, nếu trẻ nhạy cảm với ánh sáng, mắt bị nhìn mờ, sưng đỏ thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
2.3 Xử trí vết thương mắt do đụng dập
Chấn thương do đụng dập từ những tác nhân đấm, vật cứng đập vào mắt có thể gây phù nề, bầm tím ở mắt hay mi mắt.
Chườm lạnh cho vùng mắt bị chấn thương để giảm đau và giảm phù nề. Tuyệt đối không ấn mạnh lên vùng mắt tổn thương, không ép trực tiếp đá lạnh lên mắt vì có thể làm cho vết thương trở nên nghiêm trọng. Sử dụng túi chườm lạnh hoặc đá bọc trong khăn, chườm trong 15-20 phút và chườm nhắc lại sau 1-2 giờ. Xen kẽ chườm lạnh và chườm nóng sau mỗi 48 giờ.
2.4 Xử trí vết thương đâm xuyên, chảy máu
Khi mắt có vết thương đâm sâu chảy máu, tuyệt đối không dụi mắt và rửa mắt bằng nước hay các dung dịch khác. Tuyệt đối không rút, loại bỏ vật đang đâm xuyên trong mắt.
Thay vào đó, lót bông đệm xung quanh mắt bị tổn thương và đặt lên mắt một cái cốc để bảo vệ mắt. Sử dụng băng y tế hoặc khăn sạch quấn nhẹ trùm lên cốc và quanh đầu. Tuyệt đối không băng ép và không đè mạnh lên cốc vì có thể gây chấn thương mắt và chảy máu nhiều hơn.
Hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, và không sử dụng các loại thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen vì những loại thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
2.5 Xử trí vết thương do bỏng hóa chất
Nếu hóa chất bắn vào mắt làm cho mắt bỏng rát, sưng đỏ, đau cần rửa mắt bằng nước sạch ngay lập tức để loại bỏ hóa chất. Rửa mắt liên tục trong vòng 15-20 phút.
Nếu chỉ bị chấn thương ở một bên mắt cần nghiêng mặt sang một bên, sao cho mắt bị tổn thương nằm phía dưới mắt không bị tổn thương, để khi rửa hóa chất không chảy vào mắt lành. Sau đó dùng nước sạch rửa mắt. Không dụi mắt, không băng hay sử dụng cốc để che mắt. Đưa bệnh nhân đi cấp cứu và cầm theo lọ chứa hóa chất.
Đối với những trường hợp tổn thương mắt nghiêm trọng, hay không biết rõ nguyên nhân và xử trí như nào thì không nên can thiệp quá nhiều vào mắt. Hãy đặt miếng gạc vô trùng lên mắt và đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế.
Tóm lại, chấn thương mắt gây tổn thương rất phức tạp và để lại di chứng nặng nề, tỉ lệ mù lòa cao. Do đó, việc xử trí ban đầu là rất quan trọng. Tuy nhiên nếu xử trí không đúng cách có thể làm tổn thương nặng thêm. Do đó, nếu không biết rõ nguyên nhân và băn khoăn về cách xử trí, hãy đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Để thăm khám và điều trị tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.