Lưu ý khi sử dụng thuốc hít hen phế quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc hít hen phế quản là một thành phần quan trọng trong điều trị bệnh lý này. Tuy nhiên, thuốc có nhiều dạng khác nhau, được sử dụng theo các cách thức khác nhau, với các mục đích sử dụng khác nhau và liều lượng cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Theo đó, bệnh nhân cần nắm rõ các lưu ý khi sử dụng thuốc hít hen phế quản để có thể kiểm soát bệnh tốt và giải quyết cơn đạt hiệu quả.

1. Tổng quan về điều trị bệnh hen suyễn

Các loại thuốc chữa hen suyễn rất đa dạng. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh hen suyễn nhìn chung là dựa trên hai mục tiêu quan trọng là:

  • Phác đồ chuyên biệt để điều trị các cơn hen cấp tính bằng cách dãn phế quản và kháng viêm, tránh dẫn đến biến chứng suy hô hấp cấp.
  • Các biện pháp phòng ngừa để tránh tần suất xảy ra cơn cấp tính và giảm thiểu mức mức độ nặng của cơn.

Để đạt được các mục tiêu này, việc điều trị bệnh hen suyễn cần có sự phối hợp giữa thuốc cắt cơn hen, thuốc dự phòng hen và các lời khuyên về lối sống, xác định cũng như phòng tránh các tác nhân khởi kích cơn hen suyễn tiềm ẩn.

Các loại thuốc chữa hen suyễn hiện tại đang được chỉ định bao gồm các nhóm chất chủ vận beta2, thuốc đối kháng hệ muscarinics, corticosteroid, thuốc ức chế leukotriene và xanthines. Chúng có sẵn ở dạng hít, xịt, phun khí dung hay viên nén, viên nang và cả thuốc tiêm; được sử dụng tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý trên từng người bệnh.

Do đó, các loại thuốc chữa hen suyễn là thuốc chỉ định theo toa và phải được sử dụng đúng theo liều lượng hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, một số loại thuốc cắt cơn dạng hít hay phun như chủ vận beta2 và corticosteroid có thể được mua từ các nhà thuốc tùy vào tần suất lên cơn của người bệnh.


Điều trị bệnh hen suyễn nhằm tránh các biến chứng suy hô hấp cấp.
Điều trị bệnh hen suyễn nhằm tránh các biến chứng suy hô hấp cấp.

2. Phân biệt thuốc cắt cơn hen và thuốc dự phòng hen

Thuốc cắt cơn hen thường dùng là thuốc chủ vận beta2, có khả năng khởi phát nhanh, giúp giảm nhanh các triệu chứng của cơn hen suyễn. Tất cả những người mắc bệnh hen suyễn nên được khuyến khích mang theo thuốc cắt cơn hen bên cạnh mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, thuốc cắt cơn hen chỉ nên được sử dụng khi cần thiết để giảm các triệu chứng và dùng ở liều thấp nhất với tần suất cần thiết. Các loại thuốc chủ vận beta2 tác dụng ngắn được sử dụng làm thuốc cắt cơn hen là salbutamol và terbutaline. Bên cạnh đó, các loại thuốc chủ vận beta2 tác dụng dài nhưng có khả năng khởi phát tác dụng nhanh cũng được sử dụng để cắt cơn như eformoterol có thể kết hợp với budesonide.

Thuốc dự phòng hen là các thuốc được sử dụng để kiểm soát bệnh hen suyễn, giảm nguy cơ xảy ra cơn cấp tính và được sử dụng đều đặn hàng ngày ngay cả khi hoàn toàn không có triệu chứng gì.

Đây thường là corticosteroid dạng hít và có thể được phối hợp cùng với các chất chủ vận beta tác dụng dài. Liều lượng sẽ được tính toán trong thuốc dự phòng hen sẽ tùy thuộc vào khả năng kiểm soát cơn hen cấp, thông qua tần suất xảy ra cơn, mức độ của cơn và khả năng cắt cơn.

Các loại corticosteroid dạng hít được sử dụng như thuốc dự phòng hen là beclomethasone, budesonide, ciclesonide, flnomasone. Bên cạnh đó, còn có các loại corticosteroid dạng hít phối hợp cùng với các chất chủ vận beta tác dụng dài như budesonide/eformoterol, flnomasone/vilanterol, flnomasone/eformoterol, flucticasone/salmeterol.


Thuốc dự phòng hen nhằm kiểm soát bệnh hen suyễn
Thuốc dự phòng hen nhằm kiểm soát bệnh hen suyễn

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc hít hen phế quản

Thuốc dùng tại chỗ có thể là thuốc hít hen phế quản hay thuốc xịt hen phế quản rất đa dạng và phong phúc với mục tiêu cắt cơn và phòng ngừa cơn như trên. Mỗi loại đều có dụng cụ hít thuốc tương ứng với dạng bào chế. Về nguyên tắc, nếu biết cách sử dụng và thực hiện trong điều kiện lý tưởng, các loại thuốc đều cho tác dụng tối đa. Tuy nhiên, trên thực tế lại không thể như vậy. Do đó, người bệnh cần phải nắm rõ các hướng dẫn sử dụng thuốc hít hen phế quản để đạt hiệu quả điều trị bệnh cao nhất.

3.1 Bình xịt định liều

Đây là một dụng cụ cung cấp thuốc hít trên đường hô hấp theo một lượng định sẵn cho từng liều. Trước khi sử dụng bình xịt định liều cho lần đầu tiên là cần phải chuẩn bị ống hít bằng cách lắp lọ vào ống, lắc và nhấn thử ba lần. Sau đó, toàn bộ các lần dùng đều như nhau và không cần chuẩn bị. Người bệnh lắc mạnh lọ thuốc, ngậm chặt và đòi hỏi cần có sự phối hợp nhất quán giữa tay ấn với miệng hít. Cuối cùng là nín thở để giữ thuốc trong phổi trong khoảng 5 đến 10 giây trước khi thở ra hoàn toàn. Ưu điểm của bình xịt định liều so với các loại thuốc hít trị hen hay thuốc xịt hen phế quản khác là có thể dùng cho trẻ em thông qua buồng đệm và có thể kết hợp với mặt nạ.


Bình xịt định liều có thể dùng cho trẻ em
Bình xịt định liều có thể dùng cho trẻ em

3.2 Bình hít bột khô

Dụng cụ này cũng hít thuốc dưới dạng bột và cũng được định liều sẵn tương tự như các loại bình xịt định liều. Tuy nhiên, người bệnh phải tạo ra lực hút để giúp đẩy thuốc vào trong đường hô hấp thay vì thao tác ấn lọ thuốc như các loại bình xịt định liều.

Trước khi sử dụng bình hít bột khô mới lần đầu tiên cũng cần chuẩn bị nạp thuốc. Các lần dùng sau đó cũng chỉ cần xoay chốt nạp liều thuốc và hít vào thật sâu, mạnh nhất có thể qua miệng. Do đó, bình hít bột khô sẽ không thích hợp sử dụng cho người già yếu, trẻ em dưới 8 tuổi hay đang trong cơn khó thở do hen cấp tính.

3.3 Bình hít hạt mịn

Đây là một dụng cụ hít thuốc dưới dạng lỏng và cũng được định liều sẵn tương tự như các loại bình xịt định liều hay bình hít bột khô. Tuy nhiên, điểm khác biệt là một lượng thuốc nhất định theo liều được giải phóng từ dạng lỏng ra ngoài dưới dạng sương mù.

Theo đó, người bệnh có thời gian hít thuốc kéo dài, tạo điều kiện cho thuốc đi sâu vào đường thở. Trước lần đầu tiên sử dụng là cần phải chuẩn bị ống hít bằng cách lắp lọ thuốc vào bình, xoay chốt và xịt thử. Các lần hít thuốc sau đó chỉ cần xoay bình, hít vào một hơi chậm, sâu và nhấn nút giải phóng liều để tiếp tục hít thuốc vào từ từ.

Nếu sử dụng thuốc hít hen phế quản như trên với các loại thuốc có chứa steroid, cần súc miệng lại với nước sạch sau khi phun thuốc để loại bỏ phần thuốc dư thừa lắng đọng trong miệng, họng nhằm tránh tác dụng phụ tại chỗ. Sau đó, phải nhổ nước ra, không được nuốt.


Sau khi sử dụng bình hít hạt mịn cần xúc miệng lại để bỏ phần thuốc dư thừa lắng đọng trong miệng
Sau khi sử dụng bình hít hạt mịn cần xúc miệng lại để bỏ phần thuốc dư thừa lắng đọng trong miệng

4. Lựa chọn thuốc hít hen phế quản phù hợp để sử dụng

Việc lựa chọn thuốc hít hen phế quản phù hợp để sử dụng là tùy vào chỉ định của bác sĩ dựa trên cơ địa người bệnh, đặc điểm cơn hen và khả năng kiểm soát bệnh hen. Theo đó, điều này sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như:

  • Tính tiện lợi: Một số thuốc hít hen có ống hít nhỏ, có thể dễ dàng bỏ vào túi và sử dụng nhanh chóng như bình xịt định liều hay bình hít bột khô.
  • Tuổi tác: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường không thể sử dụng bình xịt định liều hay bình hít bột khô. Trẻ lớn hơn có thể bắt đầu dùng được bình xịt định liều nhưng cần có thêm buồng đệm, mặt nạ. Người cao tuổi thường khó dùng bình xịt định liều do khó phối hợp động tác.
  • Khả năng phối hợp động tác: Bình xịt định liều thường đòi hỏi cần có khả năng phối hợp động tác tốt hơn so với bình hít bột khô hay bình hít hạt mịn. Tuy nhiên, các dụng cụ này luôn cần phải có khả năng tuân thủ quy trình mở nắp bình, xoay bình hay nạp liều và hít thuốc, nín thở; nhất là thao tác trong phần chuẩn bị thuốc khi dùng lần đầu tiên.
  • Phản ứng phụ: Một số loại thuốc hít có thành phần là steroid có thể gây ra vấn đề như tưa lưỡi, nấm miệng, họng. Do đó, cần chú ý súc miệng sau khi dùng thuốc.
  • Thói quen: Sự lựa chọn của thuốc hít hen và cách dùng còn là thói quen, sở thích cá nhân. Vì vậy, bác sĩ cũng cần lưu ý đặc điểm này trong việc chỉ định thuốc phù hợp với khả năng người bệnh.

Tóm lại, việc sử dụng thuốc hít trị hen là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ và hài hòa giữa chỉ định của bác sĩ và đặc điểm của người bệnh. Trong đó, sử dụng các loại thuốc hít hen suyễn đúng cách là rất quan trọng trong việc đảm bảo bệnh nhân có được liều thuốc chính xác để kiểm soát bệnh và phòng ngừa cơn, giúp cho họ duy trì chất lượng cuộc sống ở mức tốt nhất. Bệnh nhân hen suyễn cần gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: verywellhealth.com, nhs.uk, mayoclinic.org, patient.info

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe