Lưu ý khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa cho phụ nữ có thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh phụ khoa đặt biệt là viêm âm đạo là bệnh rất phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có thai. Đối với thai phụ, viêm nhiễm phụ khoa nói chung đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho cả mẹ và em bé.

1. Phụ nữ mang thai rất dễ mắc bệnh phụ khoa

Mang thai là nguyên nhân làm tăng nồng độ progesterone và estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Progesteron ức chế bạch cầu trung tính chống lại tác nhân vi nấm Candida. Estrogen phá vỡ sự toàn vẹn của các tế bào biểu mô âm đạo, làm giảm các globulin miễn dịch trong dịch tiết âm đạo. Các yếu tố này duy trì trong suốt thời kỳ mang thai do đó bệnh nấm âm đạo hay các bệnh phụ khoa khác rất dễ tái nhiễm.

Phụ nữ mang thai có nội tiết tố tăng cao dẫn đến khí hư tiết ra nhiều, tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm phát triển. Ngoài ra, độ pH trong âm đạo của mẹ thay đổi, chức năng thận suy giảm, lượng đường trong nước tiểu tăng... là những yếu tố góp phần cho vi khuẩn sinh sôi.

Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, trong đó có viêm âm đạo do nấm Candida, còn được gọi là nhiễm nấm âm đạo. Đây là bệnh tương đối phổ biến trong thời kỳ mang thai với tỷ lệ ước tính là 10 - 75%. Thai phụ thường có biểu hiện ngứa, nóng rát, đau, kích ứng âm hộ và thỉnh thoảng khó tiểu.


Nhiễm nấm âm đạo bệnh tương đối phổ biến trong thời kỳ mang thai với tỷ lệ ước tính là 10 - 75%
Nhiễm nấm âm đạo bệnh tương đối phổ biến trong thời kỳ mang thai với tỷ lệ ước tính là 10 - 75%

2. Có nên sử dụng thuốc đặt phụ khoa cho phụ nữ có thai?

Theo các chuyên gia, thuốc điều trị bệnh phụ khoa đa phần đều có tác dụng tại chỗ. Tức là thuốc chỉ có tác dụng tại vùng âm đạo nhưng ít hoặc không ảnh hưởng tới các khu vực khác. Bởi thế, người mẹ có thể sử dụng thuốc đặt trị viêm âm đạo trong thai kỳ. Nếu như thai phụ chần chừ không điều trị sớm và dứt điểm thì bệnh còn có nhiều biến chứng nguy hiểm cho em bé hơn.

Khi thai phụ uống hay đặt bất cứ loại thuốc nào đều phải được sự chỉ định của bác sĩ. Mỗi người sẽ có những thể trạng và tình trạng bệnh khác nhau, không thể tùy tiện mua thuốc về tự đặt tại nhà hoặc đặt thuốc theo đơn thuốc của một bà bầu khác có triệu chứng bệnh tương tự. Khi bị viêm nhiễm phụ khoa, bà mẹ tuyệt đối không nên dùng các loại hóa chất hay thụt rửa sâu vùng kín, tránh đẩy vi khuẩn vào sâu bên trong âm đạo.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

3. Thuốc đặt phụ khoa cho bà bầu được khuyến nghị

Mục đích chính trong việc điều trị các bệnh phụ khoa cho bà bầu đó là làm giảm các triệu chứng của bệnh. Các thuốc kháng nấm nhóm Imidazol cho tác dụng tại chỗ được khuyến cáo lựa chọn cho thai phụ. Mặc dù Miconazol và Clotrimazol là 2 hoạt chất có sẵn ở các dạng thuốc không cần kê đơn, tuy nhiên phụ nữ mang thai không nên tự ý dùng các thuốc này khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

  • Miconazol: được phân loại ở mức độ C theo xếp loại nguy cơ trong thai kỳ của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA). Tuy nhiên, dạng đặt âm đạo của thuốc này ít được hấp thu qua đường toàn thân. Các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ở tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu) không thấy tác dụng có hại của Miconazol cho người mẹ hoặc thai nhi.

Thuốc Miconazol
Thuốc Miconazol
  • Clotrimazole: dạng đặt âm đạo được phân loại ở mức độ B theo xếp loại nguy cơ trong thai kỳ (theo FDA). Các nghiên cứu trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba chưa cho thấy kết quả có hại của thuốc này cho người mẹ hoặc thai nhi. Tuy nhiên, chưa đủ dữ liệu để phân loại nguy cơ của hoạt chất kháng nấm Clotrimazole trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ.

Viêm âm đạo do nấm Candida khó điều trị hơn trong thời gian mang thai và khoảng thời gian điều trị từ 7 - 14 ngày là thời gian được khuyến cáo. Các thuốc nhóm imidazol tác dụng tại chỗ có nhiều hàm lượng và dạng bào chế, phụ nữ mang thai nên sử dụng các dạng liều có thời gian điều trị dài ngày.

  • Miconazol viên đạn đặt âm đạo 100mg hoặc kem bôi âm đạo 2% thích hợp dùng cho một đợt điều trị 7 ngày.
  • Kem bôi âm đạo Clotrimazol 2% nên được dùng trong 7 ngày. Các trường hợp viêm nhiễm tái phát cần được điều trị trong 14 ngày.

Tóm lại, việc điều trị nhiễm nấm âm đạo trong thai kỳ cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các thuốc kháng nấm nhóm imidazol dạng đặt phụ khoa cho tác dụng tại chỗ (Miconazol và Clotrimazol) có bằng chứng về độ an toàn cao cho cả người mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Những thay đổi sinh lý trong thời gian mang thai làm cơ chế miễn dịch của người mẹ với tác nhân Candida giảm, vì vậy mỗi đợt điều trị nên kéo dài từ 7-14 ngày.

Dữ liệu về độ an toàn của các thuốc kháng nấm tác dụng tại chỗ khác còn hạn chế, vì vậy Miconazol và Clotrimazol là các thuốc tác dụng tại chỗ (chủ yếu dạng viên đặt âm đạo) được ưu tiên lựa chọn trong thai kỳ. Mặc dù trước đây Fluconazol (một hoạt chất khác cùng nhóm kháng nấm Imidazol) được xem là an toàn ở liều điều trị nhiễm nấm âm đạo, nhưng các dữ liệu gần đây cho thấy tỉ lệ sảy thai ở phụ nữ dùng Fluconazol đường uống cao hơn đáng kể so với những bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị bằng các thuốc nhóm imidazol tác dụng tại chỗ. Dựa trên những dữ liệu này nên tránh sử dụng Fluconazol cho phụ nữ mang thai nếu có thể.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa cho phụ nữ có thai


Lưu ý khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa cho phụ nữ có thai
Lưu ý khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa cho phụ nữ có thai
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và làm theo chỉ định của bác sĩ
  • Kiêng cữ việc quan hệ vợ chồng trong thời gian đặt thuốc.
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô thoáng để bệnh nhanh lành.
  • Sử dụng viên đặt phụ khoa vào buổi tối để tránh vận động làm rơi thuốc.
  • Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy bất cứ điều gì bất thường mẹ cần ngưng điều trị và hỏi ý kiến bác sĩ ngay.

Ngoài ra, thai phụ cũng có thể áp dụng một số mẹo nhỏ trong chế độ ăn và lối sống hàng ngày giúp phòng và điều trị bệnh phụ khoa:

  • Ăn tỏi cũng giúp cải thiện tình trạng viêm nhiễm âm đạo.
  • Ăn nhiều sữa chua bởi trong sữa chua có lợi khuẩn hỗ trợ điều trị viêm âm đạo.
  • Uống nhiều nước để bệnh nhanh khỏi.
  • Dùng lá trầu không, bỏ thêm chút muối biển nấu nước rửa âm đạo hàng ngày. Người mẹ cũng có thể dùng trà xanh làm dung dịch vệ sinh cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe