Thuốc ho là 1 trong những loại dược phẩm mà người dùng có thể dễ dàng mua và sử dụng mà không cần kê toa của bác sĩ. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc ho một cách hiệu quả, đặc biệt là thuốc giảm ho cho trẻ thì cha mẹ cần lưu ý 1 số vấn đề.
1. Cần hiểu rõ về phản xạ ho của cơ thể
Ho là một phản xạ bảo vệ đường hô hấp của cơ thể khi gặp vấn đề về hô hấp như tắc nghẽn đường hầu họng do dịch hoặc ngứa họng do có tác nhân kích thích. Theo tính chất của các dạng ho thì sẽ phân thành 2 loại chính là ho khan và ho có đờm. Ngoài ra, một bệnh nhân bị ho có thể xác định là ho cấp tính hay ho mãn tính dựa trên thời gian triệu chứng ho kéo dài bao lâu, với ho cấp tính là dưới 3 tuần, ho mạn tính trên hoặc bằng 3 tuần.
Ho khan:
Ho khan là tình trạng người bệnh ho thường xuyên nhưng không có đờm tiết ra. Nguyên nhân của ho khan thường là do bụi bặm, khói thuốc, mùi hóa chất, nhiễm virus cúm hoặc cảm lạnh. Ho khan còn bắt gặp trong các bệnh như hen phế quản, trào ngược dạ dày, suy tim hoặc do người bệnh sử dụng thuốc ức chế men chuyển như captopril/ lisinopril.
Ho khan chủ yếu xuất hiện theo các triệu chứng ngứa họng và không có đờm. Ho khan dạng nhẹ chỉ gây khàn giọng nếu nặng có thể gây mất giọng.
Ho có đờm:
Ho có đờm là tình trạng ho có kèm các bệnh lý viêm đường hô hấp điển hình như viêm họng (chiếm đa số), viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ho có đờm thường gây ra các triệu chứng đi kèm như nặng ngực, cảm giác nghẹt thở và khó thở, các triệu chứng này có thể khiến người bệnh mệt lả. Người bệnh ho có đờm thường sẽ có các triệu chứng tăng lên về số lần (ho nhiều, muốn khạc đờm nhiều) khi nói chuyện hay đi bộ.
2. Lưu ý khi sử dụng các loại thuốc ho hiện nay
Như đã phân tích ở phần trên, tùy vào nguyên nhân gây ho mà người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng loại thuốc ho khác nhau.
2.1 Thuốc giảm ho dành cho bệnh nhân ho có đờm
Các loại thuốc ho dành cho bệnh nhân ho có đờm sẽ là các thuốc làm giảm tính nhạy cảm của các thụ thể ho ở ngoại biên. Đây là các thuốc khi sử dụng sẽ có tác dụng hỗ trợ tiết dịch bảo vệ đường hô hấp, đồng thời sẽ được sử dụng kết hợp với các thuốc có tác dụng làm tan các chất nhầy (đờm) để người bệnh có thể dễ dàng tống chất nhầy này ra qua phản xạ ho, khạc.
- Thuốc giảm ho làm giảm kích thích thụ thể ho sẽ bao gồm các hoạt chất như: Guaiacol, Eucalyptol, Terpin. Thuốc làm giảm sản xuất chất nhầy ở đường họng: Thuốc kháng cholinergic, ipratropium và tiotropium.
- Thuốc giảm ho có công dụng làm loãng chất nhầy, tiêu chất nhầy (thuốc long đờm) ở đường họng: N-acetyl cysteine, Bromhexine, Carbocysteine, Mecysteine và Mucothiol
2.2 Thuốc giảm ho dành cho bệnh nhân ho khan
Đối với người bệnh ho khan, việc sử dụng thuốc giảm ho sẽ cực kỳ cân nhắc và dễ gây hiểu lầm cho những bệnh nhân tự ý đi mua thuốc mà không có toa của bác sĩ. Nên lưu ý rằng thuốc giảm ho dành cho bệnh nhân ho có đờm không sử dụng được cho bệnh nhân ho khan, vì ở bệnh nhân ho khan không có các chất nhầy và đờm ở đường hầu họng. Trong trường hợp người bệnh ho khan thì thuốc giảm ho sẽ được chia làm 2 loại là thuốc giảm ho ngoại biên và giảm ho trung ương
Thuốc giảm ho ngoại biên:
Có tác dụng làm giảm độ nhạy của các thụ thể gây ho ở đường hầu họng, bao gồm các thành phần như glycerol, siro và đường mía. Ở dạng thuốc giảm ho này còn có chứa các chất gây tê ở những ngọn dây thần kinh gây ho, các thuốc tê được sử dụng là benzonatate, bupivacaine, lidocaine, tinh chất bạc hà,..
Thuốc giảm ho trung ương:
- Codein (methylmorphine) là một trong những chất giảm đau và ức chế trực tiếp vào trung ho của người bệnh, codein phù hợp sử dụng ở những bệnh nhân ho khan khó chịu, mất ngủ, không sử dụng cho người mẫn cảm với thuốc, người bị gan và suy hô hấp, trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ đang mang thai.
- Pholcodin: Có tác dụng giảm ho tốt hơn Codeine và có ít hơn các tác dụng phụ
- Dextromethorphan: Đây là nhóm thuốc có tác dụng ức chế trung tâm ho giống như codein, tuy nhiên nhóm thuốc này không có tác dụng giảm đau. Dextromethorphan có hiệu quả tốt trong các trường hợp ho khan mãn tính. Không dùng thuốc ở những bệnh nhân dị ứng với thuốc, trẻ em dưới 24 tháng tuổi, những người bệnh đang dùng thuốc MAO, người có nguy cơ suy giảm hô hấp, người bị hen và thận.
- Noscapine: Có tác dụng và tác dụng phụ tương tự Dextromethorphan nhưng bị hạn chế dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
- Thuốc kháng histamin: Được dùng trong trường hợp ho do dị ứng, ho về đêm. Một số thuốc kháng histamin thường được sử dụng làm thuốc giảm ho là Alimemazin và diphenhydramine.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm ho cho trẻ em
Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với các loại thuốc nói chung và thuốc giảm ho nói riêng. Đa phần các phụ huynh đều tự ý mua thuốc giảm ho cho trẻ mà chủ quan không cần qua sự thăm khám và kê toa của bác sĩ. Đây là một sai lầm thường gặp và có thể dễ dẫn tới tình trạng trẻ uống thuốc nhưng không giảm ho, lờn thuốc. Do đó, khi dùng thuốc giảm ho cho trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và xác định rõ nguyên nhân trẻ bị ho mới có thể sử dụng đúng thuốc để giảm ho.
Khi sử dụng thuốc giảm ho, đặc biệt ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên xác định được nguyên nhân trẻ bị ho để sử dụng đúng thuốc, tránh gây lờn thuốc và tác dụng phụ cho trẻ.