Fosfomycin thuộc nhóm thuốc kháng sinh với công dụng diệt khuẩn, không có hiệu quả với dạng nhiễm virus như cúm, cảm lạnh,... Thuốc Fosfomycin hỗ trợ điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da, viêm bàng quang,... ở nữ giới.
1. Fosfomycin là thuốc gì?
Fosfomycin là thuốc gì? Fosfomycin thuộc nhóm thuốc ức chế sự phát triển của ký sinh trùng, phòng ngừa nhiễm khuẩn. Thành phần chính là Fosfomycin sodium. Thuốc Fosfomycin có 2 dạng chính: Bột pha tiêm, cốm pha dung dịch uống với hàm lượng như sau:
- Lọ 1g hoặc 4g thuốc bột dạng muối kèm 1 ống nước cất 10ml hoặc 20ml để pha tiêm
- Gói thuốc bột 1g hoặc 3g dạng calcium fosfomycin để pha uống
Tác dụng đường uống của thuốc kháng sinh Fosfomycin:
- Chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới khi bệnh chưa xuất hiện biến chứng (viêm bàng quang cấp tính).
- Chỉ định điều trị nhiễm khuẩn ngoài đường tiết niệu do vi khuẩn Gram âm hoặc Gram dương (da, viêm xoang, tai mũi họng,...).
Tác dụng đường tiêm của thuốc kháng sinh Fosfomycin:
- Chỉ định điều trị cho nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Fosfomycin
Thuốc kháng sinh Fosfomycin gây kháng thuốc khi sử dụng đơn độc, người bệnh nên kết hợp với kháng sinh nhóm khác như: Beta-lactam, tetracyclin, macrolid, cloramphenicol,...
2.1. Cách dùng thuốc Fosfomycin
Thuốc bột pha uống:
- Thuốc dạng khô không được uống trực tiếp, phải pha với nước nguội rồi uống ngay: 3 g thuốc pha với 90 – 120 ml nước.
- Tuyệt đối không pha thuốc Fosfomycin với nước nóng. Uống thuốc trước bữa ăn, trong bữa ăn và sau bữa ăn đều được.
- Người lớn mỗi ngày uống 1 liều duy nhất
Thuốc bột pha tiêm (sử dụng trong trường hợp bệnh nặng, kết hợp với kháng sinh khác phù hợp):
- Thuốc bột pha với dung môi để tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp
- Liều 1 lần pha với ít nhất 250 ml dung dịch glucose 5% hoặc dung dịch natri clorid 0,9%
2.2. Liều dùng thuốc Fosfomycin
Đối với người lớn:
- Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới chưa xuất hiện biến chứng (bệnh viêm bàng quang cấp): Uống 3 g một liều duy nhất.
- Điều trị nhiễm khuẩn ngoài đường tiết niệu do vi khuẩn Gram âm, Gram dương: Uống 0,5 – 1 g cách 8 giờ/lần.
- Điều trị nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm phải kết hợp với kháng sinh khác: Tiêm truyền tĩnh mạch 4 g/lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Nếu liều 8g/ ngày thì 2 lần truyền, mỗi lần cách nhau 8 giờ. Đối với liều 12 g/ngày thì 3 lần truyền, mỗi lần cách nhau 4 giờ.
Đối với trẻ em:
- Điều trị nhiễm khuẩn ngoài đường tiết niệu do khuẩn Gram âm, Gram dương: 40 – 120 mg/kg, mỗi ngày uống 3 – 4 lần.
- Trẻ em trên 12 tuổi tiêm truyền tĩnh mạch không quá 100 – 200 mg/kg mỗi ngày.
Đối tượng khác:
- Bệnh nhân chạy thận: Truyền khoảng 2 – 4 g thuốc sau mỗi lần chạy thận.
- Bệnh nhân cao tuổi: Liều lượng như người lớn tuổi
3. Xử lý khi quên liều – quá liều thuốc Fosfomycin
Một trong những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Fosfomycin là bệnh nhân phải nắm rõ cách xử lý khi quên liều hoặc quá liều.
3.1. Trường hợp quên liều Fosfomycin
Đối với thuốc Fosfomycin dạng uống, nếu bệnh nhân quên một liều trong khoảng thời gian 1 – 2 giờ thì hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều quên gần liều Fosfomycin kế tiếp, bỏ qua liều quên và uống liều kế tiếp như bình thường.
3.2. Trường hợp quá liều Fosfomycin
Trường hợp sử dụng quá liều Fosfomycin đường tiêm, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng: Buồn ngủ, rối loạn điện giải, giảm trương lực cơ, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu,...
Lúc này, bệnh nhân cần ngưng dùng thuốc, thông báo cho bác sĩ hoặc đến ngay địa chỉ y tế để bác sĩ điều trị tích cực, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Fosfomycin
Để hạn chế tác dụng phụ không mong muốn xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc kháng sinh Fosfomycin, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chống chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh Fosfomycin cho bệnh nhân suy thận nặng, viêm thận – bể thận, áp-xe quanh thận.
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Fosfomycin cho bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng với thành phần của thuốc
- Không sử dụng thuốc Fosfomycin cho bệnh nhân dị ứng với bất kỳ loại hóa chất nào khác
- Không sử dụng thuốc Fosfomycin cho bệnh nhân mắc bệnh tim
- Cẩn trọng sử dụng thuốc Fosfomycin cho bệnh nhân bị phù phổi, tăng huyết áp
- Trước khi sử dụng thuốc Fosfomycin, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ nếu bản thân đang mang thai hoặc dự định có thai.
- Thuốc Fosfomycin vào được sữa mẹ. Vì vậy không được dùng thuốc khi mẹ đang cho con bú. Trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc thì mẹ ngừng cho con bú.
- Đối với bệnh nhân mắc bệnh gan, bệnh nhân hen suyễn hoặc có tiền sử hen suyễn, việc dùng thuốc Fosfomycin cần phải kê toa và tuân thủ đúng chỉ định bác sĩ/dược sĩ chuyên môn.
- Nguy cơ viêm tĩnh mạch hoặc đau sau khi tiêm thuốc Fosfomycin, bệnh nhân cần chú ý điều này để báo ngay cho bác sĩ/dược sĩ.
- Trước khi sử dụng thuốc Fosfomycin, bệnh nhân trao đổi với bác sĩ nếu dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, nhất là thuốc metoclopramid, các vitamin, thuốc cisapride, thuốc tetracyclin, thuốc lincomycin,... Những thuốc này làm giảm nồng độ Fosfomycin trong nước tiểu và trong huyết tương.
5. Tác dụng phụ của thuốc Fosfomycin
Trong quá trình sử dụng thuốc Fosfomycin, người bệnh có thể đối mặt những tác dụng phụ ngoài ý muốn sau:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Hệ tiêu hóa: Bệnh nhân khó tiêu, đau bụng, ỉa chảy, buồn nôn,...
- Hệ thần kinh: Bệnh nhân suy nhược thần kinh, đau đầu, chóng mặt,...
- Đối với hệ sinh dục nữ: Bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt, viêm nhiễm âm đạo,...
- Mũi họng: Bệnh nhân gặp triệu chứng viêm họng, viêm mũi,...
- Đối với da: Người bệnh bị phát ban da
Tác dụng phụ ít gặp:
- Hệ tiêu hóa: Bệnh nhân đầy hơi, nôn, khô miệng, chán ăn, táo bón, phân bất thường,...
- Đối với hệ thần kinh: Bệnh nhân xuất hiện hội chứng cúm, sốt, ngủ gà, mất ngủ, đau cơ, đau nửa đầu, dị cảm, căng thẳng thần kinh,...
- Đối với hệ tiết niệu: Bệnh nhân tiểu ra máu, khó tiểu,...
- Đối với hệ sinh dục nữ: Bệnh nhân kinh nguyệt không đều.
- Đối với tai: Bệnh nhân bị rối loạn thính giác.
- Đối với da: Bệnh nhân phát ban da, loạn sắc tố da, ngứa da,...
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Đối với mắt: Một bên dây thần kinh thị giác bị viêm.
- Đối với mạch – máu: Bệnh nhân bị thiếu máu bất sản, phù mạch,...
- Với hệ hô hấp: Bệnh nhân bị hen phế quản
- Đối với gan – tiêu hóa: Bệnh nhân phình đại tràng nhiễm độc, hoại tử gan, vàng da,...
Những tác dụng phụ kể trên có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Vì vậy, bệnh nhân cần sử dụng thuốc Fosfomycin đúng chỉ định bác sĩ/dược sĩ chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc Fosfomycin khi chưa kê đơn.
Bài viết đã tổng hợp những lưu ý khi dùng thuốc Fosfomycin. Hy vọng thông tin trong bài giúp bệnh nhân sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng, hạn chế tác dụng phụ xảy ra.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.