Lưu ý khi dùng thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tiêu chảy là bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Hiểu về các thuốc điều trị tiêu chảy ở trẻ em sẽ giúp các bậc cha mẹ sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, giảm thời gian và mức độ nặng của bệnh tiêu chảy, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

1. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị tiêu chảy ở trẻ em

Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ em. Rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cho trẻ, trong đó thường gặp nhất là virus Rota, vi khuẩn E.coli, Shigella, Salmonella enterocoltica, vi khuẩn tả Vibrrio cholerae,... Khi bị tiêu chảy trẻ sẽ đi phân lỏng nhiều lần trong ngày (nhiều hơn 3 lần), ngoài ra trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chướng hơi, sốt, ho, chảy nước mũi.

Nếu chưa có tình trạng mất nước, trẻ bị tiêu chảy có thể điều trị tại nhà. Các loại thuốc điều trị tiêu chảy tại nhà chủ yếu nhằm bù nước, chất điện giải và tăng sức miễn dịch cho trẻ.

1.1 Cách sử dụng dung dịch Oresol trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em

Điểm mấu chốt trong điều trị tiêu chảy là phải bổ sung đủ nước và điện giải cho trẻ, trẻ tiêu chảy và nôn càng nhiều thì càng cần tăng cường bù dịch. Dung dịch Oresol (ORS) là dung dịch bù nước và điện giải tốt nhất. Khi chọn mua dung dịch ORS, các bậc cha mẹ nên chọn mua loại ORS có nồng độ thẩm thấu thấp. Loại ORS này có nồng độ natri, glucose và độ thẩm thấu toàn phần thấp hơn so với loại ORS trước đây. Ưu điểm của ORS nồng độ thẩm thấu thấp là làm giảm khối lượng tiêu chảy và nôn, độ an toàn và hiệu quả điều trị cao hơn.

Thành phần Dung dịch ORS chuẩn
trước đây (mEq hay mmol/L)
Dung dịch ORS có nồng độ
thẩm thấu thấp
(mEq hay mmol/L)
Glucose 111 75
Kali 20 20
Natri 90 75
Chloride 80 65
Citrate 10 10
Độ thẩm thấu 311 245

Phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi pha dung dịch ORS vì các sản phẩm ORS trên thị trường hiện rất đa dạng, có loại dạng gói, loại dạng viên, có nhiều hương vị như vị cam, vị dừa cho trẻ dễ uống. Thể tích nước cần thiết để pha cũng khác nhau, có loại pha trong 200ml, có loại pha trong 250ml, có loại pha trong 1 lít nước. Phải đong đúng lượng nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất mới pha ra dung dịch ORS có nồng độ đúng, nếu pha không đủ nước, dung dịch quá đặc khi sử dụng sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, nếu pha quá nhiều nước, dung dịch thu được quá loãng, sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Trước khi pha ORS, cha mẹ hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng. Dụng cụ dùng để pha phải thật sạch sẽ. Dung dịch sau khi pha chỉ sử dụng trong 24 giờ. Nếu không sử dụng hết sau thời gian này, phải bỏ đi và pha mới.

Nên cho trẻ uống ORS sau mỗi lần trẻ tiêu chảy và giữa những lần trẻ tiêu chảy cho đến khi ngừng tiêu chảy. Liều lượng được khuyến cáo như sau:

  • Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi: cho trẻ uống 50-100ml sau mỗi lần tiêu chảy
  • Trẻ 2-10 tuổi: cho trẻ uống 100-200ml sau mỗi lần tiêu chảy
  • Trẻ lớn: cho trẻ uống theo nhu cầu.

Pha dung dịch Oresol theo hướng dẫn của nhà sản xuất
Pha dung dịch Oresol theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Đối với trẻ nhỏ, có thể dùng bơm tiêm (không có kim) hoặc ống nhỏ giọt để bơm từ từ ORS vào miệng trẻ. Với trẻ lớn hơn 2 tuổi, có thể cho trẻ uống từng ngụm bằng thìa. Trẻ lớn hơn cho uống bằng cốc. Nếu trẻ nôn sau khi uống ORS, nên ngừng khoảng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống dung dịch ORS nhưng uống chậm hơn.

1.2 Cách sử dụng kẽm trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em

Bổ sung kẽm là một trong các khuyến cáo mới trong phác đồ điều trị tiêu chảy ở trẻ em hiện nay. Kẽm là một vi chất rất quan trọng trong hệ miễn dịch của trẻ. Khi trẻ bị tiêu chảy, trẻ sẽ bị mất một lượng lớn kẽm. Bổ sung kẽm sẽ giúp trẻ giảm thời gian và mức độ nặng của đợt tiêu chảy, đồng thời tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc đợt tiêu chảy mới trong những tháng tiếp theo sau điều trị, giúp cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng của trẻ.

Nên cho trẻ uống kẽm sớm ngay khi có các triệu chứng của bệnh tiêu chảy. Uống kẽm vào lúc đói sẽ giúp hấp thu thuốc tốt hơn. Liều lượng kẽm trong điều trị tiêu chảy được khuyến cáo như sau:

  • Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi: cho trẻ uống 10mg/ngày trong 10-14 ngày.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: cho trẻ uống 20mg/ngày trong 10-14 ngày.

1.3 Bổ sung vitamin A cho trẻ bị tiêu chảy

Khi bị tiêu chảy, khả năng hấp thu vitamin A của cơ thể trẻ giảm, trong khi nhu cầu sử dụng vitamin A lại tăng lên. Do lượng dự trữ vitamin A trong cơ thể trẻ rất thấp nên khi bị tiêu chảy trẻ rất dễ bị tổn thương mắt do thiếu vitamin A. Trẻ bị tiêu chảy nên được khám mắt để phát hiện bệnh lý mờ giác mạc và tổn thương kết mạc. Nếu phát hiện có các tổn thương này, cần cho trẻ uống ngay vitamin A với liều như sau:

  • Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi: 200.000 đơn vị/ liều.
  • Trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị/liều.
  • Trẻ dưới 6 tháng: 50.000 đơn vị/ liều.

Ngày hôm sau cho trẻ uống nhắc lại với liều như trên.

Đối với trẻ chưa có dấu hiệu mắt bị tổn thương nhưng đang bị sởi trong vòng một tháng hoặc bị suy dinh dưỡng nặng thì cũng cần điều trị bổ sung vitamin A với liều tương tự.


Sử dụng vitamin A trong điều trị tiêu chảy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa
Sử dụng vitamin A trong điều trị tiêu chảy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa

1.4 Thuốc điều trị sốt tiêu chảy ở trẻ em

Trẻ khi mất nước có thể bị sốt. Ngoài ra, trẻ tiêu chảy có thể bị sốt do các nhiễm khuẩn ở ngoài đường tiêu hóa như: viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn đường tiết niệu,... Do đó, khi trẻ tiêu chảy bị sốt cần đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, nhằm phát hiện các nhiễm khuẩn ngoài đường tiêu hóa, đặc biệt khi trẻ đã được bù đủ dịch mà vẫn sốt.

Khi trẻ sốt cao cần được điều trị ngay, việc điều trị bao gồm sử dụng các thuốc hạ sốt như paracetamol và kháng sinh thích hợp để điều trị các ổ nhiễm khuẩn.

2. Khi nào sử dụng kháng sinh trị tiêu chảy cấp?

Chỉ sử dụng kháng sinh trị tiêu chảy cấp khi trẻ tiêu chảy phân có máu, nghi ngờ mắc tả có mất nước nặng và có xét nghiệm các định nhiễm Amip, Gardia duoedenalis. Tuyệt đối không dùng kháng sinh cho những trường hợp tiêu chảy thông thường vì không hiệu quả và có thể gây nguy hiểm. Việc chỉ định kháng sinh khi tiêu chảy cấp phải được thực hiện bởi bác sĩ, các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh đề điều trị cho con.

3. Những thuốc nên sử dụng thận trọng trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em

Các thuốc chống tiêu chảy, mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng không có hiệu quả điều trị, một số thuốc còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Do đó nên hết sức hạn chế sử dụng cho trẻ:

  • Các thuốc hấp phụ như Kaolin, Smectic, Attapulgite,... có khả năng làm săn gây táo, làm bất hoạt độc tố cùng các tác nhân gây tiêu chảy. Tuy nhiên chưa có các bằng chứng rõ ràng trên lâm sàng chứng minh hiệu quả trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em.
  • Các thuốc giảm nhu động như Loperamid, Atropine, Opum, Paregoric,... có thể làm giảm số lần tiêu chảy ở người lớn nhưng không hiệu quả đáng kể ở trẻ em. Những thuốc này có tác dụng phụ gây liệt ruột, làm kéo dài thời gian tiêu chảy. Ngoài ra, thuốc có tác dụng an thần, làm tổn thương hệ thần kinh trung ương.
  • Thuốc bismuth subsalicylate: có thể làm giảm lượng phân tiêu chảy ở người lớn, tuy nhiên lại ít tác dụng với trẻ em bị tiêu chảy.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe