Lưu ý khi dùng thuốc chữa zona thần kinh cho phụ nữ mang thai

Bất kỳ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu đều có nguy cơ mắc zona thần kinh, kể cả phụ nữ có thai. Tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng khó chịu và rút ngắn thời gian mắc bệnh. Bài viết sau đây giúp quý độc giả tìm hiểu các loại thuốc chữa zona thần kinh cho phụ nữ mang thai gồm những loại nào và cần lưu ý gì khi sử dụng.

1. Bệnh Zona thần kinh là gì?

Bệnh zona thần kinh là kết quả sự tái hoạt động của varicella zoster, virus gây bệnh thủy đậu gây ra. Những người mắc bệnh thủy đậu, sau khi lành bệnh nhưng virus vẫn không biến mất hoàn toàn. Các virus này sẽ ở trạng thái không hoạt động và cư trú trong các tế bào thần kinh, hạch thần kinh. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch (do hóa trị, AIDS,...), căng thẳng thần kinh, suy nhược cơ thể... virus sẽ được kích hoạt trở lại, gây viêm da và dây thần kinh, được gọi là bệnh zona thần kinh.

Triệu chứng của bệnh zona thần kinh là cảm giác đau, ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng trên vùng da ở một phía của cơ thể. Sau khi cơn đau xuất hiện một vài ngày, các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên thành các mụn nước ở vị trí đau. Sau khi mụn nước vỡ, chúng bắt đầu đóng vảy và lành lại. Toàn bộ đợt bùng phát zona thần kinh từ khi khởi phát đến khi lành bệnh thường mất 3-4 tuần. Cùng với triệu chứng phát ban trên da, một số người bệnh có thể có triệu chứng sốt, nhức đầu, buồn nôn, ớn lạnh.

Bệnh zona thần kinh xảy ra phổ biến nhất ở những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên bất kỳ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu đều có nguy cơ mắc bệnh, kể cả phụ nữ có thai.


Bất kỳ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu đều có nguy cơ mắc zona thần kinh
Bất kỳ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu đều có nguy cơ mắc zona thần kinh

2. Các loại thuốc chữa zona thần kinh cho phụ nữ mang thai

Nếu bạn đang mang thai và xuất hiện các triệu chứng của bệnh zona thần kinh, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Phụ nữ có thai mắc zona thần kinh uống thuốc gì? Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh zona thần kinh, nhưng bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để kìm hãm sự nhân lên của virus, giảm viêm, giảm đau, tăng tốc độ chữa lành vết loét. Một số thuốc chữa zona thần kinh cho phụ nữ mang thai có thể được sử dụng bao gồm:

2.1. Thuốc kháng virus

Các thuốc kháng virus được kê đơn để điều trị zona rất an toàn trong thời kỳ mang thai. Các thuốc kháng virus thường được sử dụng bao gồm:

  • Acyclovir
  • Valacyclovir
  • Famciclovir

Các thuốc kháng virus được sử dụng sớm trong vòng 72 giờ sau khi phát ban có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng phát ban và rút ngắn thời gian mắc bệnh.

2.2. Thuốc giảm đau

Phụ nữ có thai mắc zona thần kinh uống thuốc gì? Thuốc giảm đau như Paracetamol mặc dù không làm giảm sự tiến triển của mụn nước và phát ban nhưng có thể giảm triệu chứng đau do bệnh zona thần kinh. Phụ nữ có thai có thai cần thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc giảm đau trước khi sử dụng. Lưu ý không được dùng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) như Ibuprofen, Meloxicam, Naproxen,... vào cuối thai kỳ.

2.3. Thuốc kháng histamine để điều trị bệnh zona

Các thuốc kháng histamine như Diphenhydramine có thể giúp giảm ngứa cho phụ nữ có thai mắc zona thần kinh. Các biện pháp trị ngứa tại nhà khác như tắm bột yến mạch và dùng kem bôi calamine. Chườm khăn hoặc gạc mát cũng giúp giảm đau.

Cùng với uống thuốc zona thần kinh khi mang thai, cần lưu ý giữ vùng da bị tổn thương sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên rửa vết thương bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn. Mặc quần áo rộng rãi, bao phủ các khu vực bị ảnh hưởng bằng gạc sạch có thể giúp tăng tốc độ chữa lành và ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.


Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để sát khuẩn vùng da bị tổn thương
Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để sát khuẩn vùng da bị tổn thương

3. Có thể ngăn ngừa bệnh zona trong thai kỳ không?

Zona thần kinh không phải là bệnh nguyên phát mà có nguồn gốc từ bệnh thủy đậu, do đó để ngăn ngừa bệnh zona thần kinh phải phòng chống bệnh thủy đậu. Vắc-xin thủy đậu được lưu hành rộng rãi từ những năm 1955, kể từ đó số trường hợp nhiễm thủy đậu đã giảm đáng kể. Nếu chưa từng bị thủy đậu và chưa được tiêm vắc-xin thủy đậu khi còn nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hãy tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu để ngăn ngừa nguy cơ mắc thủy đậu trong thời kỳ mang thai và nguy cơ mắc zona thần kinh sau này. Lưu ý là cần tiêm vắc-xin thủy đậu ít nhất 3 tháng trước khi có ý định mang thai.

Do virus varicella zoster rất dễ lây lan nên nếu bạn mang thai mà trước đây chưa mắc bệnh thủy đậu và cũng chưa tiêm phòng vắc-xin thủy đậu, hãy tránh tiếp xúc với những người bị thủy đậu hoặc zona.

Nếu đã từng mắc bệnh thủy đậu trước đây, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh từ 10-20%. Để ngăn ngừa nguy cơ zona thần kinh bùng phát, đặc biệt trong thời kỳ mang thai, tiêm vắc-xin zona là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Hiện trên thế giới có hai loại vắc-xin phòng ngừa zona là Zostavax và Shingrix. Trong đó Shingrix là vắc-xin thế hệ sau có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bùng phát bệnh zona

Nếu bạn mang thai, chưa bị thủy đậu trước đây, chưa tiêm phòng vắc-xin thủy đậu nhưng đã tiếp xúc với một người bị thủy đậu hoặc zona. Bạn hãy đến khám bác sĩ để được làm xét nghiệm máu để tìm kháng thể chống virus thủy đậu. Nếu bạn đã có kháng thể chống virus thủy đậu, bạn và thai nhi sẽ không có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên nếu bạn không có kháng thể, bác sĩ sẽ cân nhắc để chỉ định tiêm globulin miễn dịch chứa kháng thể chống thủy đậu. Globulin miễn dịch sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh thủy đậu và zona hoặc nếu mắc bệnh thì sẽ giảm mức độ nghiêm hiểm của thủy đậu cho thai nhi.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng đăng ký khám trực tuyến trên Website để được phục vụ tốt nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh Zona

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, medicinenet.com, ninds.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe