Lưu ý khi dùng thuốc bôi viêm quanh móng

Viêm quanh móng là phản ứng viêm ở các nếp mô xung quanh móng tay hay móng chân. Viêm quanh móng có thể ở dạng cấp hoặc mãn tính, nếu không điều trị kịp thời bằng thuốc, viêm quanh móng có thể tiến triển nghiêm trọng, đôi khi phải can thiệp bằng phẫu thuật. Vậy trong giai đoạn sử dụng thuốc bôi viêm quanh móng, bệnh nhân cần lưu ý những gì để điều trị hiệu quả.

1. Viêm da quanh móng là gì?

Viêm da quanh móng là một bệnh nhiễm trùng phổ biến của vùng da xung quanh ngón tay hoặc móng chân (nơi có nếp gấp móng) với 2 dạng khác nhau:

  • Viêm da quanh móng cấp tính: lúc này bệnh sẽ phát triển nhanh và thường chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn;
  • Viêm da quanh móng mạn tính: bệnh phát triển chậm, kéo dài vài tuần và rất thường tái phát.

Viêm da quanh móng có thể do nhiễm nấm móng (Candida), nhiễm virus Herpes simplex hoặc vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Nấm móng, viêm da quanh móng hay gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa hoặc các loại hóa chất, do tình trạng lưu thông máu kém (tay chân lạnh) hoặc do bệnh đái tháo đường. Phụ nữ mắc bệnh viêm da quanh móng mạn tính thường có xu hướng nhiều hơn nam giới.

Bình thường lớp biểu bì móng nằm ở giữa da ngón tay (chân) và phiến móng. Lớp biểu bì có cấu trúc như một lớp xi không thấm nước, ngăn chặn không cho các tác nhân bên ngoài thâm nhập vào bên trong móng. Khi chấn thương xảy ra ở biểu bì móng hoặc nền móng, sự ngăn cản mang tính bảo vệ của biểu bì móng kể trên bị phá vỡ, dẫn đến các tác nhân bên ngoài thâm nhập vào gây ra viêm quanh móng, thậm chí dẫn đến nấm móng mãn tính.

2. Thuốc bôi viêm quanh móng bao gồm những loại gì?

Có nhiều cách điều trị bệnh viêm da quanh móng bao gồm sử dụng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống tác dụng toàn thân. Theo đó các thuốc bôi tại chỗ điều trị viêm da quanh móng gồm thuốc kháng khuẩn và/hoặc kem kháng nấm.

Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một trong các thuốc bôi như sau: kem hoặc dạng pommade chứa Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Exoderil, Terbinafin, BSI, Corticosteroid hoặc Tacrolimus dùng tại chỗ nồng độ 0,1% (chất ức chế calcineurin), steroid tại chỗ...

Các thuốc chống nấm chỉ nên bổ sung để điều trị viêm da quanh móng khi nghi ngờ có các chủng nấm kèm theo gây nấm móng.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi viêm quanh móng

Bệnh nhân cần lưu ý cách sử dụng thuốc bôi viêm quanh móng để thuốc đạt hiệu quả và tránh sai lầm đáng tiếc:

  • Sau khi rửa và làm sạch chỗ tổn thương móng, dùng thuốc bôi viêm quanh móng lên trên bề mặt móng và xung quanh móng, sử dụng mỗi ngày 2 - 3 lần;
  • Dùng thuốc bôi viêm quanh móng vào ban đêm nên sử dụng thêm băng nhựa để băng bịt vùng da bôi thuốc để giữ thuốc qua đêm;
  • Khi sử dụng thuốc bôi viêm quanh móng phải lựa chọn thuốc phù hợp với tính chất bệnh lý và tác nhân gây bệnh, giai đoạn viêm, mức độ viêm, độ tuổi của bệnh nhân... để thuốc đạt hiệu quả cao nhất;
  • Do thuốc bôi viêm quanh móng không những có tác dụng tại chỗ mà còn có thể cho tác dụng toàn thân, trong một số trường hợp bệnh nhân có nguy cơ có tác động lên toàn bộ cơ thể, vì vậy khi dùng phải thuốc bôi viêm quanh móng phải hết sức thận trọng, nhất là khi bôi cho trẻ em hay bôi trên diện tích da rộng;
  • Không nên bôi một loại thuốc bôi viêm quanh móng trong thời gian quá dài, tuy nhiên lại không nên liên tục thay thuốc bôi viêm quanh móng quá thường xuyên dẫn đến khó đánh giá kết quả điều trị, cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai... Thông thường, một đợt bôi thuốc bôi viêm quanh móng khoảng 10-15 ngày;
  • Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc bôi viêm quanh móng theo hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám để đánh giá diễn biến bệnh, điều chỉnh thuốc bôi viêm quanh móng kịp thời khi cần thiết;
  • Trong quá trình dùng thuốc bôi viêm quanh móng cần theo dõi các bất lợi có thể xảy ra khi dùng thuốc bôi, ở một số rất ít người dùng thuốc bôi viêm quanh móng có thể gây dị ứng.

4. Một số phương pháp điều trị viêm da quanh móng khác

Nếu thuốc bôi viêm quanh móng không hiệu quả có thể sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm đường toàn thân. Hiện nay Itraconazole là thuốc đặc hiệu nhất thường dùng điều trị bệnh nấm móng. Itraconazole là thuốc kháng nấm rất ưa mỡ và chất sừng, tồn tại lâu trong mô như ở da. Itraconazole có nồng độ cao trong mô do có thuốc có ái tính với Protein, đặc biệt là chất sừng có hoạt phổ rộng, trong đó có Candida và Malassezia.

Sau khi uống Itraconazole đi vào tổ chức da, tóc, móng và không quay trở lại hệ tuần hoàn. Điều trị bệnh viêm quanh móng, nấm móng bằng Itraconazole đường uống cần phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra. Tuyệt đối không dùng Itraconazole để điều trị cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, viêm gan cấp.

Nên điều trị viêm da quanh móng sớm, tránh tiến triển nấm móng mạn tính, không để bệnh nặng mới điều trị. Nếu móng tay bị nhiễm trùng nặng hoặc đau đớn, bác sĩ sẽ đề nghị loại bỏ các móng tay bệnh để mọc lại móng mới (thường mất đến một năm để móng tay phát triển trở lại hoàn toàn).

Đôi khi phẫu thuật được sử dụng để xử lý nền móng trong bệnh viêm quanh móng. Ngoài ra, còn có thể điều trị nấm móng với laser hoặc điều trị quang động, trong đó ánh sáng cường độ cao cũng được sử dụng.

Trong một số trường hợp có thể rạch một vết cắt nhỏ giúp dẫn lưu làm sạch ổ viêm khi việc điều trị bằng thuốc thất bại.

5. Cách tự chăm sóc khi mắc viêm da quanh móng

  • Bệnh nhân nên tránh làm ướt tay thường xuyên, hạn chế làm móng và tránh để móng tiếp xúc với các chất kích ứng, giữ cho bàn tay ấm và khô ráo, mang găng tay khi tiếp xúc với nước;
  • Các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường và hiện tượng tuần hoàn kém cũng cần được điều trị;
  • Tránh cắn móng tay;
  • Không sơn móng tay, đắp móng tay giả cho đến khi bệnh được điều trị khỏi.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn nắm được những lưu ý khi dùng thuốc bôi viêm quanh móng. Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào hãy liên hệ bác sĩ Vinmec để được tư vấn, hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe