Phát hiện sớm và điều trị viêm xoang ở trẻ em kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm xoang để phòng tránh bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng hơn.
1. Điều trị viêm xoang ở trẻ em
1.1 Điều trị nội khoa
Điều trị viêm xoang ở trẻ em chủ yếu là điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và kháng dị ứng. Các thuốc điều trị viêm xoang hiệu quả đối với trẻ em là: Amoxicillin, Azithromycin, Clarithro Cine hoặc Cefuroxime. Nếu không đáp ứng điều trị với Amoxicillin thì cần thay thế bằng Clavulanate (90mg/kg). Thời gian điều trị trung bình khoảng 10 – 21 ngày.
Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu để vệ sinh mũi mỗi ngày, làm lỏng dịch nhầy trong mũi và dịch dễ thoát ra ngoài hơn, làm thông thoáng lỗ dẫn lưu xoang.
Tuy nhiên, không nên tự ý mua và cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ.
1.2 Điều trị ngoại khoa
Khi điều trị nội khoa viêm xoang không có tác dụng thì cần can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật là nạo VA, mở rộng lỗ thông xoang, loại bỏ các bất thường giải phẫu trong hốc mũi hay cắt bỏ polyp...
- Nạo VA:
Đây là phẫu thuật ngoại khoa được ưu tiên, do nếu để VA phì đại sẽ gây tắc cửa mũi sau. Nạo VA được chỉ định trong điều trị viêm xoang ở trẻ em trên 8 tháng tuổi. Sau khi nạo VA, trẻ sẽ hết chảy mũi, hết sốt, phát triển bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh sẽ không khỏi do viêm tai giữa mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm xoang và viêm amidan.
- Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng (FESS):
Phẫu thuật giúp lấy đi tối thiểu các bệnh tích mũi xoang và để lại các mô bình thường. Chỉ định FESS trong điều trị viêm xoang ở trẻ em là viêm mũi xoang dị ứng gây nghẹt mũi và chảy mũi thường xuyên; nghẹt mũi hoàn toàn do bị polyp mũi hoặc polyp cửa mũi sau; viêm xoang gây biến chứng nội sọ; áp xe quanh ổ mắt làm tổn thương dây thần kinh thị giác và giảm thị lực, viêm túi lệ; hoặc viêm xoang do nấm.
2. Chăm sóc trẻ bị viêm xoang
2.1 Vệ sinh mũi họng
- Nếu trẻ chỉ bị nghẹt mũi nhẹ và dịch mũi lỏng thì thực hiện rửa mũi cho trẻ bằng khăn mềm;
- Nếu trẻ bị dịch mũi đặc và có gỉ mũi thì nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý ở mỗi bên mũi, đợi nước muối ngấm vào làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng day mũi trẻ để rỉ mũi mềm và rớt ra;
- Nếu trẻ có dịch mũi quá nhiều và đặc thì có thể sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ. Tuy nhiên, lưu ý không nên lạm dụng việc hút mũi vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Đặc biệt cần tránh tuyệt đối việc sử dụng miệng để hút mũi trực tiếp cho trẻ.
2.2 Chế độ ăn
- Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt để dễ tiêu hóa;
- Nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, ăn thành nhiều bữa trong ngày, lượng thức ăn mỗi bữa ít hơn và không nên ép nếu trẻ không ăn hết;
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
3. Trẻ bị viêm xoang khi nào cần gặp bác sĩ?
Bố mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ khi thấy con có những dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục và không hạ sốt sau khi dùng thuốc;
- Trẻ ho nhiều, khó thở hoặc thở nhanh;
- Trẻ nôn hoặc đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày;
- Trẻ bị chảy mủ tai;
- Sau 2 ngày điều trị các triệu chứng không thuyên giảm.
Việc chăm sóc trẻ bị viêm xoang có vai trò rất quan trọng để tăng hiệu quả điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể xảy ra với sức khỏe non nớt của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.