Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị Bệnh nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Đặt ống thông tiểu là thủ thuật đưa một ống thông qua niệu đạo của bệnh nhân để dẫn nước tiểu ra ngoài. Đây là phương pháp được thực hiện nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị các bệnh ở bàng quang, hệ tiết niệu.
1. Chỉ định/chống chỉ định đặt thông tiểu
Thông tiểu, dẫn lưu nước tiểu, rửa bàng quang là thủ thuật chuyển lưu nước tiểu ra ngoài qua việc đặt một ống từ miệng niệu đạo vào đến bàng quang. Thủ thuật này được dùng để chẩn đoán và điều trị trong một số bệnh tiết niệu.
1.1 Chỉ định
- Đặt thông niệu đạo - bàng quang lưu: Thời gian lưu ống tùy theo chỉ định của bác sĩ: 24 giờ - tối đa 2 tuần. Chỉ định cho các trường hợp:
- Bí tiểu do: Tắc đường tiết niệu dưới do u lành tuyến tiền liệt (u phì đại lành tính tiền liệt tuyến), bí tiểu sau sinh, bí tiểu trong giai đoạn cấp cứu chấn thương sọ não, tủy sống hoặc do tai biến mạch máu não,...;
- Cho bàng quang nghỉ ngơi, không căng nước tiểu trong và sau mổ cho các phẫu thuật vùng bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt,...;
- Theo dõi nước tiểu liên tục (mỗi giờ, liên tục 24h) trong các trường hợp bị choáng, suy thận cấp, hôn mê, phẫu thuật có gây mê, hồi sức sau mổ,...;
- Thông niệu đạo - bàng quang một lần: Sau khi đưa hết nước tiểu ra ngoài cơ thể, ống thông được rút bỏ. Phương pháp này hiện đang ít được áp dụng vì có nguy cơ gây nhiễm trùng niệu. Thường bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp này khi:
- Lấy nước tiểu thực hiện xét nghiệm vi trùng học;
- Đo áp lực đồ bàng quang hay làm các xét nghiệm niệu động học;
- Bơm thuốc cản quang chụp X-quang bàng quang ngược chiều;
- Làm cho bàng quang trống trong quá trình chuyển dạ khi thai phụ không thể tự đi tiểu. Không thực hiện đặt thông niệu đạo - bàng quang một lần trong bí tiểu cấp hay mạn tính vì bí tiểu sẽ tái phát sau vài giờ, tăng nguy cơ nhiễm trùng niệu;
- Đặt thông niệu đạo - bàng quang ngắt quãng: Thời gian đặt mỗi ngày từ 4 - 5 lần, không lưu lại ống thông. Sau khi đưa hết nước tiểu ra khỏi cơ thể, ống thông được rút bỏ và có thể dùng lại theo quy trình riêng cho thủ thuật này.
1.2 Chống chỉ định
- Dập, rách niệu đạo do chấn thương;
- Nhiễm khuẩn niệu đạo;
- Hẹp niệu đạo;
- Chấn thương tuyến tiền liệt;
- Không dùng ống thông cứng bằng kim loại cho phụ nữ có thai.
2. Thực hiện kỹ thuật thông tiểu
2.1 Chuẩn bị
- Nhân sự thực hiện: Nhân viên y tế;
- Bệnh nhân: Được tư vấn về mục đích, quy trình thực hiện, ký cam kết thực hiện thủ thuật, chuẩn bị tư thế chuẩn;
- Dụng cụ: Gồm dụng cụ sạch (khay y tế, lọ cắm kẹp, lọ đựng dung dịch sát khuẩn, lọ dầu nhờn parafin đã được hấp, dung dịch thuốc tím, thuốc đỏ, cốc đựng bông và nước rửa, băng dính, giá ống nghiệm, bô đựng nước tiểu,...) và dụng cụ vô khuẩn (khay, ống thông tùy theo tuổi và bệnh, săng có lỗ, gạc củ ấu, bông, găng tay, bơm tiêm,...).
2.2 Quy trình thực hiện
Thông tiểu nam
- Chuẩn bị sẵn sàng:
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, 2 chân co, chống 2 bàn chân trên giường, đùi hơi dạng và quần tụt dưới đầu gối;
- Dưới mông bệnh nhân đặt tấm nilon và đặt bô hứng nước tiểu;
- Rửa bộ phận sinh dục bằng dung dịch sát khuẩn, thuốc tím hoặc thuốc đỏ;
- Trải săng trên 2 đùi và bộ phận sinh dục để hở lỗ niệu đạo;
- Thông biểu bằng ống thông Nelaton:
- Một tay cầm dương vật, tay còn lại cầm ống thông đã bôi dầu nhờn, đưa từ từ vào niệu đạo, đẩy ống thông tới khi thấy nước tiểu chảy ra;
- Khi đưa ống thông vào niệu đạo bệnh nhân cần há miệng thở đều;
- Khi ống thông đi qua hết niệu đạo di động thì kéo dương vật về phía bụng bệnh nhân, ống có thể dễ dàng đi vào niệu đạo sau;
- Đưa ống thông về phía trước để nước chảy ra;
- Khi nước tiểu chảy hết gập ống lại, rút ra và đặt vào khay y tế;
- Lau khô bộ phận sinh dục, mặc quần áo và đặt bệnh nhân nằm tư thế thoải mái;
- Thông tiểu bằng ống thông bằng kim loại:
- Tay phải cầm ống thông kim loại có đầu hơi cong, tay trái cầm dương vật đưa sang ngang, thực hiện đưa ống thông vào ngang tới hết niệu đạo di động;
- Tay trái đưa ống thông và dương vật trở về dường giữa, ban đầu để song song với thành bụng, sau đó nâng dương vật thẳng lên, ống thông sẽ tự trôi vào niệu đạo sau. Nếu chưa được cần thực hiện lại;
- Gập dương vật xuống vị trí 6 giờ, ống thông kim loại sẽ trôi vào bàng quang;
- Rút ống thông ra bằng cách thực hiện ngược lại các động tác.
- Thông tiểu bằng ống thông cao su cứng, đầu cong: Thực hiện tương tự ống thông kim loại và chú ý khi thông tiểu phải hướng đầu cong của ống vào vị trí 12 giờ.
Thông tiểu nữ:
- Nhân viên y tế sát khuẩn bộ phận sinh dục của bệnh nhân nữ bằng dung dịch sát khuẩn, thuốc đỏ hoặc thuốc tím;
- Trải săng có lỗ che kín 2 bên đùi và bộ phận sinh dục; để hở lỗ niệu đạo;
- Bôi dầu nhờn vào đầu ống thông;
- Cầm ống đưa từ từ vào niệu đạo, đến độ sâu khoảng 4 - 5cm sẽ có nước tiểu chảy ra. Nếu có chỉ định lấy nước tiểu gửi xét nghiệm thì bỏ nước tiểu đầu và cuối, lấy nước tiểu giữa vào ống nghiệm;
- Khi nước tiểu chảy hết thì bẻ gập ống lại, rút ra, cho vào khay y tế;
- Lau khô cơ quan sinh dục, giúp bệnh nhân mặc quần áo và nằm với tư thế thoải mái.
Thu dọn dụng cụ:
- Đưa dụng cụ đi rửa sạch, sấy hấp, bảo quản đúng nơi quy định;
- Viết hồ sơ bệnh án, gồm các thông tin: Ngày giờ thông tiểu, số lượng và màu sắc nước tiểu, các xét nghiệm lấy nước tiểu để gửi đi, tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau thông tiểu,...
3. Lưu ý khi đặt ống thông tiểu
- Chỉ những nhân viên y tế đã được huấn luyện mới được thực hiện thủ thuật đặt ống thông tiểu;
- Vệ sinh tay trước và sau khi đặt ống thông tiểu hay khi thực hiện bất kỳ thao tác nào có tiếp xúc với thiết bị, vị trí đặt ống thông;
- Sử dụng các dụng cụ đặt ống thông tiểu đã được tiệt khuẩn;
- Đảm bảo đầu ống thông tiểu được bôi trơn nhằm tránh gây tổn thương niệu đạo;
- Cố định ống thông tiểu ngay sau khi đặt để tránh nguy cơ di lệch ống thông và kéo giãn niệu đạo;
- Sử dụng ống thông tiểu có đường kính nhỏ nhất có thể với khả năng dẫn lưu tốt nhằm giảm nguy cơ chấn thương niệu đạo và cổ bàng quang;
- Nếu sử dụng ống thông tiểu ngắt quãng thì nên duy trì khoảng cách đều đặn giữa các chu kỳ làm đầy, tống xuất nước tiểu để tránh tình trạng bàng quang bị căng quá mức;
- Khi di chuyển người bệnh cần khóa đường dẫn nước tiểu để tránh trào ngược nước tiểu vào bàng quang;
- Khi thực hiện thủ thuật không thành công không được đặt lại ống thông tiểu đã sử dụng;
- Nếu đặt nhầm ống thông tiểu vào âm đạo ở bệnh nhân nữ, cần giữ nguyên vị trí ống thông cho tới khi ống thông mới được đặt đúng vào niệu đạo;
- Cân nhắc sử dụng máy siêu âm bàng quang xách tay ở bệnh nhân có đặt ống thông tiểu ngắt quãng để đánh giá lượng nước tiểu, giảm nguy cơ tai biến,...
Đặt ống thông tiểu là thủ thuật đơn giản nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, phối hợp tốt trong và sau khi thực hiện thủ thuật này để tăng tỷ lệ thành công và giảm nguy cơ biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.