Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chữa viêm tuyến tiền liệt mãn tính như thế nào? Theo các chuyên gia, hiện nay việc điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính chủ yếu là kháng sinh, tức sử dụng thuốc kháng sinh để uống. Có nhiều cách chữa bệnh viêm tuyến tiền liệt mãn tính, vậy phương pháp nào là hiệu quả nhất trong việc điều trị bệnh này?
1. Các loại thuốc điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính
Các loại thuốc được sử dụng trong quá trình chữa viêm tuyến tiền liệt mãn tính phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Tự ý dùng thuốc có thể khiến vi khuẩn giảm mức độ nhạy cảm, làm tăng nguy cơ bội nhiễm và khiến bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Một số loại thuốc được dùng phổ biến trong quá trình điều trị bệnh lý này, bao gồm:
1.1. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh (Trimethoprim, Clarithromycin và Levofloxacin,...) được sử dụng trong trường hợp viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn gây ra. Bác sĩ sẽ căn cứ vào vi khuẩn gây bệnh và chỉ định loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn tương ứng. Thuốc kháng sinh phải được dùng đều đặn trong suốt thời gian chỉ định nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng tái phát.
Hầu hết bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt mãn tính đều được sử dụng kháng sinh đường uống. Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể dùng kháng sinh đường tiêm để ức chế vi khuẩn nhanh chóng.
1.2. Thuốc chẹn alpha
Thuốc chẹn alpha có tác dụng làm thư giãn các cơ trong tuyến tiền liệt và cổ bàng quang nhằm tăng cường dẫn lưu đường tiểu. Từ đó cải thiện các triệu chứng như đau rát khi tiểu, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, rò rỉ nước tiểu,...
Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể làm hạ huyết áp. Vì vậy cần tránh dùng cho người bị huyết áp thấp hoặc đang điều trị bằng thuốc hạ áp.
1.3. Thuốc giảm đau, chống viêm
Thuốc giảm đau, chống viêm (Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac, Piroxicam,...) được sử dụng để làm giảm các triệu chứng đau nhức, tăng thân nhiệt và viêm do nhiễm trùng ở tuyến tiền liệt gây ra. Nhóm thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng. Vì vậy khi điều trị bệnh cần phải dùng phối hợp với thuốc chẹn alpha và thuốc kháng sinh.
Lưu ý:
Khi dùng thuốc điều trị viêm tuyến tiền liệt, bạn cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều lượng hoặc ngưng thuốc sớm hơn dự định. Với những trường hợp thiếu thận trọng khi dùng kháng sinh, vi khuẩn có thể kháng lại hầu hết các loại thuốc và gây bất lợi cho quá trình điều trị. Ở các trường hợp này, viêm tuyến tiền liệt mãn tính có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, vô sinh, nhiễm trùng bàng quang và niệu đạo.
Nhiều bác sĩ đưa ra giải pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật không chỉ định cho người bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Chỉ khi nào trường hợp bệnh quá nặng mới dùng đến giải pháp này để cắt bỏ bằng cách nội soi hay bốc hơi bằng laser.
Phẫu thuật tuyến tiền liệt để lấy đi nhân tế bào làm bệnh tái phát. Những nhân này có tên gọi – nidus – là những sỏi tuyến tiền liệt và chúng có thể được phát hiện bằng cách siêu âm.
2. Chữa viêm tuyến tiền liệt mãn tính tại nhà
Ngoài điều trị viêm tuyến tiền liệt bằng thuốc, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà để hỗ trợ điều trị và làm giảm triệu chứng của bệnh.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà gồm:
- Có thể ngâm vùng hậu môn và dương vật trong nước ấm để làm giãn các cơ và cải thiện cơn đau;
- Bổ sung nhiều nước để tăng đào thải vi khuẩn gây nhiễm trùng;
- Luyện tập các bộ môn thể thao có cường độ vừa phải để tăng cường trao đổi chất. Tuy nhiên cần hạn chế những bộ môn làm tăng áp lực lên tiền liệt tuyến như nâng tạ hay đạp xe;
- Vệ sinh cơ thể và vùng kín đúng cách để ngăn ngừa bội nhiễm.
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin;
- Cải thiện tình trạng thừa cân - béo phì với chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý;
- Khi quan hệ tình dục, nên sử dụng các biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm.
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính có thể được điều trị dứt điểm nếu bạn tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc chữa trị đúng cách còn giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh như áp xe tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn huyết và vô sinh.
3. Lưu ý trong điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính
- Trong quá trình điều trị không được bỏ thuốc giữa chừng, không tự ý thay thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, vì việc làm này rất dễ dẫn đến nhờn thuốc và việc điều trị sẽ càng lâu hơn;
- Lựa chọn thăm khám và điều trị ở những cơ sở uy tín, cần tin tưởng tuyệt đối vào cách điều trị của bác sĩ;
- Người bệnh nên tập thói quen xuất tinh 3 lần/ngày hoặc quan hệ tình dục trong khi điều trị bằng kháng sinh để đạt hiệu quả cao hơn.
4. Phòng ngừa tái phát viêm tuyến tiền liệt mãn tính
- Tránh sử dụng các chất kích thích cà phê, bia, rượu và các loại thực phẩm nhiều gia vị, vì gây kích ứng bàng quang và tuyến tiền liệt;
- Uống nhiều nước giúp cho việc đi tiểu dễ dàng;
- Tránh gây áp lực lên tuyến tiền liệt như ngồi nhiều hay đạp xe đạp...;
- Sử dụng biện pháp tắm ngâm mình trong bồn nước ấm hay massage vùng tầng sinh môn để giảm triệu chứng;
- Bổ sung kẽm khi đang sử dụng kháng sinh;
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu, cà phê, ăn thức ăn nhiều gia vị hoặc có tính axit;
- Ngồi trên một tấm đệm lót gối hoặc bơm hơi;
- Tránh đi xe đạp, nếu vẫn muốn đi thì cần mặc quần short đệm và điều chỉnh xe đạp để làm giảm áp lực vào khu vực tuyến tiền liệt (đáy chậu).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.