Liệu pháp chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chiếu đèn được xem là một trong những phương pháp điều trị bệnh vàng da sơ sinh hiệu quả, dễ thực hiện và kinh tế nhất hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của phương pháp này còn phụ thuộc rất nhiều vào: Cường độ- bước sóng ánh sáng do đèn phát ra, khoảng cách từ đèn chiếu vàng da đến trẻ sơ sinh, cách chọn máy chiếu đèn vàng da phù hợp...

1. Tìm hiểu về bệnh vàng da tăng Bilirubin ở trẻ sơ sinh


Vàng da sinh lý sẽ không có biểu hiện ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ
Vàng da sinh lý sẽ không có biểu hiện ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng xảy ra khi nồng độ Bilirubin máu tăng cao thấm vào da và tổ chức gây nên vàng da, vàng niêm mạc. Vàng da sinh lý hầu như xảy ra với tất cả trẻ mới sinh và xuất hiện vào khoảng ngày thứ 2 sau sinh.

Đối với hiện tượng vàng da sinh lý, trẻ thường không có biểu hiện ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ đi tiểu hoặc đi cầu phân vàng khoảng 2-3 lần/ngày. Hiện tượng này sẽ kéo dài khoảng 10-15 ngày sau sinh và tự động khỏi mà không cần chữa trị.

Nếu vàng da mức độ nặng hơn, không khỏi trong thời gian dài khoảng 1-2 tuần, có những triệu chứng kèm theo như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, ngủ nhiều, chỉ số Bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh tăng cao và tăng nhanh thì sẽ trở thành hiện tượng vàng da bệnh lý, đặc biệt với những trẻ sinh non, trẻ không được bú sữa mẹ, sữa công thức, trẻ bất đồng nhóm máu với mẹ, nhiễm khuẩn...

Vàng da bệnh lý cần được chữa trị sớm nhất có thể nếu không sẽ để lại những di chứng nguy hiểm, một trong số đó là hội chứng nhiễm độc thần kinh.

2. Quy trình kỹ thuật chiếu đèn vàng da sơ sinh


Kỹ thuật chiếu đèn vàng da sơ sinh là kỹ thuật tiên tiến, hiện đại
Kỹ thuật chiếu đèn vàng da sơ sinh là kỹ thuật tiên tiến, hiện đại

Những trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh có chỉ định liệu pháp chiếu đèn phải đủ những tiêu chí sau:

  • Vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh.
  • Vàng da tăng Bilirubin gián tiếp quá mức chưa xuất hiện những dấu hiệu của tiền nhiễm độc hoặc nhiễm độc thần kinh.
  • Chiếu đèn nhằm mục đích dự phòng vàng da trong trường hợp trẻ đẻ non, trẻ đẻ ra bị sang chấn trên da và xuất huyết mức độ nặng, trẻ có bướu máu...

Những trường hợp không áp dụng quy trình chiếu đèn vàng da là những trẻ mắc phải bệnh niệu bẩm sinh hoặc trẻ bị vàng da tăng Bilirubin trực tiếp.

Quy trình kỹ thuật chiếu đèn vàng da sơ sinh bao gồm những bước sau:

  • Chuẩn bị, thông báo cho người nhà bé.
  • Khám - đánh giá tất cả những cơ quan của trẻ sơ sinh.
  • Đánh giá mức độ vàng da của trẻ.
  • Đảm bảo vệ sinh vô khuẩn, ấm, thoáng khi tiến hành phương pháp chiếu đèn.
  • Che mắt trẻ lại bằng mảnh vải tối màu.
  • Dùng bỉm che bộ phận sinh dục của trẻ lại để hạn chế tình trạng teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.
  • Bộc lộ toàn bộ cơ thể trẻ để đảm bảo ánh sáng chiếu vào cơ thể trẻ được nhiều nhất.
  • Cung cấp đủ nước cho trẻ trước khi chiếu đèn, tốt nhất là bú sữa mẹ.
  • Đặt trẻ vào lồng ấp ở vị trí trung tâm ánh sáng.
  • Bật công tắc đèn và điều chỉnh nhiệt độ máy chiếu đèn vàng da phù hợp với nhiệt độ của cơ thể trẻ.
  • Thay đổi tư thế trẻ mỗi 2-4 giờ.
  • Kiểm tra nồng độ Bilirubin máu liên tục 12-24 giờ/lần để quyết định thời gian chiếu đèn cho trẻ vàng da.

Ngoài những quy trình kỹ thuật chiếu đèn vàng da sơ sinh kể trên, để có thể đạt được kết quả điều trị hiệu quả nhất, người thực hiện phương pháp chiếu đèn vàng da cho trẻ sơ sinh còn cần lưu ý những vấn đề như sau:

  • Về máy chiếu đèn vàng da:

Cần chọn máy chiếu đèn vàng da có ánh sáng xanh hoặc trắng, tốt nhất là ánh sáng xanh dương, tiếp đó là ánh sáng xanh lá cây và tối thiểu là ánh sáng trắng nhưng hiệu quả điều trị sẽ thấp hơn.

Ánh sáng được chọn để chiếu đèn chữa trị vàng da trẻ sơ sinh phải là ánh sáng có bước sóng từ 400-480 nm vì khi chiếu những tia sáng này, năng lượng nó phát ra sẽ xuyên qua da, tới những lớp mỡ nằm dưới da chuyển đổi những phân tử Bilirubin gián tiếp thành phân tử đồng phân hoặc những sản phẩm quang oxy hóa không gây hại cho não trẻ, tan được trong nước nên sẽ đào thải qua ganthận.

  • Về khoảng cách chiếu đèn vàng da cho trẻ sơ sinh:

Để hiệu quả điều trị bệnh vàng da tăng Bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh được cao nhất, cần đặt máy chiếu đèn vàng da sao cho khoảng cách từ đèn đến trẻ trong khoảng từ 30-50 cm.

  • Về cách chiếu đèn vàng da cho trẻ sơ sinh:

Dùng đèn ánh sáng xanh chiếu vào da trẻ đã được bộc lộ hoàn toàn, chỉ che mắt và bộ phận sinh dục lại để cơ thể trẻ được tiếp xúc nhiều nhất với ánh sáng xanh. Xoay trở cơ thể trẻ khoảng 2-4 giờ/lần để tăng diện tích tiếp xúc của cơ thể với ánh sáng từ đèn phát ra. Chiếu đèn liên tục, hoặc cách quãng. Dùng đèn 1 chiều hoặc 2 chiều (trong trường hợp trẻ vàng da mức độ nặng và vàng da tăng dần lên)

  • Thời gian chiếu đèn cho trẻ vàng da:

Thời gian chiếu đèn cho trẻ vàng da phụ thuộc vào tình trạng vàng da của trẻ trên lâm sàng cũng như nồng độ Bilirubin gián tiếp và toàn phần khi làm xét nghiệm máu. Khi vàng da giảm cùng với nồng độ Bilirubin quay về trị số bình thường thì có thể ngưng chỉ định chiếu đèn. Khi chiếu đèn không hiệu quả và nồng độ Bilirubin tiếp tục tăng cao thì lập tức cân nhắc phương pháp thay máu cho trẻ.

Nếu trẻ có những bất thường trong sinh hoạt hằng ngày như bú ít, ngủ nhiều, vàng da... các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được khám và phát hiện bệnh lý vàng da tăng Bilirubin gián tiếp. Từ đó, có thể được áp dụng liệu pháp chiếu đèn vàng da sơ sinh ngay tại bệnh viện đạt tiêu chuẩn và mang lại hiệu quả cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cổng TTĐT Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe