Liệu pháp miễn dịch dị ứng, còn được gọi là chích ngừa dị ứng, là một hình thức điều trị dị ứng lâu dài làm giảm các triệu chứng cho nhiều người bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn dị ứng, viêm kết mạc hoặc dị ứng côn trùng đốt. Cơ chế của liệu pháp này là làm giảm độ nhạy cảm với chất gây dị ứng, dẫn đến giảm các triệu chứng dị ứng lâu dài ngay cả khi ngừng điều trị. Do đó, đây đã trở thành một phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân.
1. Liệu pháp miễn dịch dị ứng là gì?
Tùy theo loại dị ứng mà người bệnh sẽ được áp dụng để có thể “rèn luyện” cơ thể để ít bị dị ứng hơn. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị dự phòng cho các phản ứng dị ứng với các dị nguyên thường gặp trong cuộc sống như phấn cỏ, mạt bụi nhà và nọc ong.
Liệu pháp miễn dịch bao gồm các lần cho tiếp xúc liều lượng dị nguyên theo phác đồ cụ thể nhằm tạo dung nạp miễn dịch dài hạn với dị nguyên mẫn cảm và giảm các triệu chứng dị ứng khi này gặp phải thực sự trong tương lai.
Do đó, liệu pháp miễn dịch hiện nay đã được khuyên cáo trong điều trị viêm mũi dị ứng, hen suyễn hay dị ứng nọc côn trùng, viêm da cơ địa.
Trước khi bắt đầu điều trị với liệu pháp miễn dịch dị ứng, bác sĩ chuyên ngành miễn dịch học và bệnh nhân sẽ cùng nhau thống nhất xác định các yếu tố kích hoạt những triệu chứng dị ứng. Test da hoặc xét nghiệm tìm IgE đặc hiêu có thể được sử dụng để xác định dị nguyên gây mẫn cảm. Từ đó, việc lựa chọn loại dị nguyên để thực hiện liệu pháp miễn dịch dị ứng trở nên chính xác hơn, tăng cường hiệu quả điều trị.
2. Các loại liệu pháp miễn dịch dị ứng
Cho đến nay, liệu pháp miễn dịch dị ứng được xem là phương pháp điều trị duy nhất thực sự thay đổi hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
Liệu pháp miễn dịch dị ứng có các hình thức như sau:
- Liệu pháp miễn dịch đường dưới da: Là phương pháp sử dụng các chiết xuất dị nguyên liều cao tiêm dưới da. SCIT được thực hiện tại cơ sở y tế. Chiết xuất dị nguyên là dạng dung dịch vô trùng của các chất tự nhiên như phấn hoa, nấm mốc, vảy da động vật. Quá trình thực hiện gồm 2 giai đoạn: tăng liều và duy trì, khoảng cách giữa các liều sẽ giãn dần theo thời gian, tạo sự thay đổi miễn dịch bền vững.
- Liệu pháp miễn dịch đường dưới lưỡi: Việc điều trị được thực hiện tại nhà với các viêm ngậm dưới lưỡi hoặc các lọ nhỏ dưới lưỡi hàng ngày trong vài năm (thường tối thiểu 3 năm.
- Liệu pháp miễn dịch đường tiêm nội hạch: Là phương thức mới được thực hiện bằng cách tiêm dị nguyên vào hạch lympho dưới hướng dẫn siêu âm. ILIT sử dụng phác đồ chỉ 3 mũi tiêm, liều thấp và có thể hoàn thành quá trình liệu pháp trong 8 tuần. Một số nghiên cứu đã thực hiện cho thấy phương pháp này có hiệu quả trong điều trị một số dị nguyên nhất định.
3. Khi nào cần chỉ định liệu pháp miễn dịch dị ứng?
Cả trẻ em và người lớn đều có thể được thực hiện liệu pháp miễn dịch dị ứng, mặc dù thường không được khuyến cáo cho trẻ em dưới năm tuổi. Điều này là do những phản ứng bất lợi khó lường mà trẻ nhỏ hơn có thể gặp phải. Đồng thời, khi cân nhắc tiêm phòng dị ứng cho người lớn tuổi, bệnh nhân cũng nên được xem xét các tình trạng y tế đi kèm như bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa và thảo luận với bác sĩ chuyên khoa dị ứng miễn dịch trước đó.
Khi tình trạng bệnh nhân được xác định là đủ khả năng, bác sĩ chuyên khoa dị ứng miễn dịch chỉ định việc thực hiện liệu pháp miễn dịch dị ứng dựa trên các chỉ định về:
- Thời gian kéo dài của mùa bị dị ứng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
- Khả năng kiểm soát với các thuốc và/hoặc kiểm soát môi trường đối với các triệu chứng dị ứng
- Nhu cầu muốn tránh sử dụng thuốc lâu dài
- Có sẵn thời gian để điều trị hoàn toàn
4. Ai không nên thực hiện liệu pháp miễn dịch dị ứng?
Liệu pháp miễn dịch dị ứng là chống chỉ định ở những bệnh nhân có tình trạng bệnh lý làm tăng nguy cơ tử vong do các phản ứng toàn thân liên quan đến điều trị, chẳng hạn như những người bị hen suyễn nặng hoặc có khả năng kiểm soát kém hoặc đồng mắc với các bệnh tim mạch nghiêm trọng, ví dụ, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim gần đây, rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp không kiểm soát.
5. Hiệu quả của liệu pháp miễn dịch dị ứng như thế nào?
Liệu pháp miễn dịch dị ứng đã cho thấy khả năng làm giảm các triệu chứng của nhiều bệnh lý dị ứng một cách đáng kể, làm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh dị ứng từ viêm mũi dị ứng đến hen suyễn.
Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp này có liên quan đến thời gian điều trị cũng như liều lượng của chất gây dị ứng. Một số người có thể cảm thấy thuyên giảm lâu dài với các triệu chứng dị ứng, trong khi những người khác có thể tái phát sau khi ngừng điều trị .
Lúc này, việc không đáp ứng với liệu pháp miễn dịch dị ứng có thể do một số yếu tố như sau:
- Không đủ liều lượng kháng nguyên
- Xác định không chuẩn xác chất gây dị ứng trong quá trình đánh giá dị ứng ban đầu
- Có sự hiện diện mức độ cao hơn của chất gây dị ứng trong môi trường
- Có sự tiếp xúc đáng kể với các tác nhân cũng có thể gây dị ứng khác, chẳng hạn như, phấn hoa..., mà chưa được xác định
6. Liệu pháp miễn dịch dị ứng có nguy cơ gì hay không?
Hầu hết các bệnh nhân bị dị ứng kéo dài không gặp trở ngại nhiều khi thực hiện liệu pháp miễn dịch dị ứng. Tuy nhiên, những nguy cơ có thể gặp phải khi thực hiện liệu pháp này cũng cần được giải thích cho bệnh nhân và gia đình hiểu rõ trước khi bắt đầu:
- Các phản ứng tại chỗ, có thể bao gồm mẩn đỏ, sưng tấy hoặc kích ứng tại chỗ tiêm. Những phản ứng thông thường này thường bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi tiêm và hết ngay sau đó.
- Các phản ứng toàn thân, ít phổ biến hơn - nhưng có khả năng nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể bị hắt hơi, nghẹt mũi hoặc phát ban. Các phản ứng nặng hơn có thể bao gồm sưng họng, thở khò khè hoặc tức ngực.
- Sốc phản vệ là một phản ứng hiếm gặp nhưng có mức độ đe dọa tính mạng khi tiêm thuốc dị ứng. Đây là tình trạng có thể dẫn đến tụt huyết áp và khó thở. Sốc phản vệ thường bắt đầu trong vòng 30 phút sau khi tiêm, nhưng đôi khi bắt đầu muộn hơn nữa.
Nhằm dự phòng các nguy cơ nêu trên, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân uống thuốc kháng histamine trước khi tiêm phòng. Đồng thời, vì sự an toàn tuyệt đối của người bệnh, liệu pháp miễn dịch dị ứng chỉ được thực hiện dưới giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa, tại cơ sở được trang bị nhân lực và thiết bị đầy đủ, phù hợp để sẵn sàng ứng cứu.
Ngoài ra, việc theo dõi tại phòng khám ít nhất trong 30 phút sau mỗi lần tiêm là một điều bắt buộc đối với tất cả các trường hợp đến thực hiện liệu pháp miễn dịch dị ứng.
Tóm lại, liệu pháp miễn dịch dị ứng là một liệu pháp có khả năng điều trị dị ứng, có hiệu quả trong viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn và quá mẫn với côn trùng đốt. Khi được sử dụng cho những bệnh nhân đúng chỉ định, liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với chất gây dị ứng được xem là cực kỳ an toàn, giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, qua đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI, acaai.org, mayoclinic.org