Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh (liệt mặt Bell)

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khúc Thị Nhẹn - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Liệt mặt ngoại biên do lạnh (liệt dây VII ngoại biên do lạnh hay liệt mặt Bell) là một bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng 70% của liệt dây VII ngoại biên, một số trường hợp có tính chất gia đình. Bệnh xuất hiện ở cả hai giới với mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở tuổi từ 20 - 40. Tỷ lệ mắc hàng năm khoảng 20 trường hợp / 100.000 dân.

1. Thế nào là liệt mặt ngoại biên do lạnh ?

Liệt mặt ngoại biên là liệt toàn bộ các cơ ở một bên mặt, gồm mặt trên và mặt dưới. Bệnh tiến triển đột ngột, thường xuất hiện sau nhiễm lạnh hoặc nhiễm virus (virus herpes simplex type I, gây mụn rộp ở môi và virus herpes zoster gây bệnh Zona và thuỷ đậu). Liệt mặt là thứ phát của viêm dây thần kinh mặt (dây thần kinh bị phồng lên, phù nề và chèn ép trong lỗ ống tai trong). Bệnh hay xuất hiện về đêm, xảy ra đột ngột sau cơn đau vùng xương chũm (sau tai). Khi tỉnh dậy, bệnh nhân thấy mắt bên liệt nhắm không kín, nhân trung lệch sang bên đối diện (bên lành), giảm hay mất nếp nhăn trán và rãnh mũi má bên liệt, đồng thời giảm tiết nước mắt, giảm cảm giác ở vùng ống tai ngoài cũng như giảm vị giác ở 2/3 trước lưỡi bên liệt. Sau 2-3 ngày, một số trường hợp xuất hiện mụn nước ở vùng ống tai ngoài (vùng Ramsay-Hunt). Liệt mặt ngoại biên do lạnh thường đơn thuần, không phối hợp với tổn thương khác của hệ thần kinh.

Đây là một bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có khoảng 20% các trường hợp để lại di chứng liệt co cứng mặt ảnh hưởng đến thẩm mỹ (nhất là ở phụ nữ trẻ), loét giác mạc mắt bên liệt, hội chứng nước mắt “cá sấu” biểu hiện tăng tiết nước mắt khi ăn. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ cũng như mức độ di chứng.

2. Nguyên nhân gây liệt mặt Bell ?

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh liệt của Bell vẫn chưa được biết, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng có thể là do nhiễm virus (virus herpes simplex hoặc herpes zoster) là nguyên nhân gây sưng và viêm dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).

  • Herpes simplex type I: một loại virus phổ biến gây ra vết rộp ở môi, có trong nhiều trường hợp liệt mặt Bell nhưng vẫn chưa chứng minh được rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa bệnh liệt Bell và virus.
  • Virus herpes zoster: gây bệnh zona và thủy đậu. Một số trường hợp sau liệt mặt vài ngày xuất hiện mụn nước ở lỗ ống tai ngoài, tuy nhiên đa số các trường hợp không thấy bất thường nhưng các chuyên gia vẫn tin rằng Virus herpes zoster là nguyên nhân gây ra một số trường hợp liệt của Bell vì virus ẩn náu trong các rễ thần kinh (giả thuyết này vẫn còn tranh cãi).

Hình ảnh mụn nước ở vùng ống tai ngoài (vùng Ramsay-Hunt)
Hình ảnh mụn nước ở vùng ống tai ngoài (vùng Ramsay-Hunt)

3. Nguy cơ mắc bệnh liệt mặt ngoại biên do lạnh ?

Một số người có nguy cơ mắc chứng liệt Bell hơn những người khác. Nguy cơ cao hơn thường gặp ở người bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai (trong 3 tháng cuối hoặc tuần đầu tiên sau sinh), cúm hoặc nhiễm lạnh, sởi, quai bị, mụn rộp (Herpes simplex tuýp I), bệnh thủy đậu và zona (Herpes zoster), tiền sử gia đình có người liệt mặt...

4. Chẩn đoán liệt mặt ngoại biên do lạnh

Đối với chẩn đoán xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng, không nhất thiết phải chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não. Còn đối với chẩn đoán phân biệt, bệnh liệt Bell phải được phân biệt với bệnh Lyme, hội chứng Guillain-Barré, bệnh sarcoidosis, khối u tuyến mang tai và đột quỵ. U lympho cũng có thể gây liệt mặt (hiếm).

5. Phương pháp điều trị liệt mặt ngoại biên do lạnh

Hiện nay để điều trị liệt mặt ngoại biên do lạnh, bao gồm điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu phục hồi chức năng và châm cứu phối hợp.

5.1 Phương pháp điều trị bằng thuốc

Một vài loại thuốc sau được bác sĩ chỉ định trong điều trị bao gồm:

  • Corticoid (Prednisolon): Liều 1 mg/ kg/ngày x 3 ngày đầu, sau đó giảm dần (giảm 10 mg mỗi 3 ngày) rồi cắt. Thuốc thường uống trong vòng 15 ngày. Chống chỉ định đối với những người có mẫn cảm với thuốc. Thận trọng khi có loãng xương, loét dạ dày thực quản, tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, trẻ em đang lớn. Tác dụng không mong muốn có thể mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động, đục thể thuỷ tinh thể, glocom, phù, tăng huyết áp, viêm tuỵ, loét dạ dày thực quản.
  • Thuốc kháng virus (Acyclovir, Famyclovir...): viên nén 200mg, 400mg, 800mg. Liều 800mg x 5 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Thời gian điều trị từ 5-7 ngày, dùng ngay khi mới mắc hoặc khi mụn nước xuất hiện. Chống chỉ định khi có mẫn cảm với thuốc. Tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng nhức đầu. Thận trọng khi có thai và cho con bú.

Kết quả nghiên cứu ở các nước Âu Mỹ cho thấy, điều trị phối hợp Corticoid và thuốc kháng virus Herpes có kết quả tốt hơn so với điều trị Corticoid đơn thuần.

  • Các Vitamin nhóm B (B1, B6, B12): có tác dụng thúc đẩy phục hồi dây thần kinh bị tổn thương như tăng tổng hợp Acid nucleic và Protein ở tế bào thần kinh, tăng tổng hợp Lecithin (thành phần quan trọng của bao Myelin)
  • Thuốc tái tạo và phục hồi bao Myelin: Cytidine-5 disodium-monophosphate ...
  • Chăm sóc và bảo vệ mắt: nhỏ mắt hàng ngày bằng nước mắt nhân tạo, đeo kính bảo vệ mắt ban ngày để chống dị vật vào mắt gây viêm loét giác mạc, củng mạc và kết mạc mắt. Dùng băng dính không gây dị ứng dán lên mi mắt để trợ giúp chớp mắt ban ngày và nhắm mắt ban đêm đồng thời chống hiện tượng lộn mi ra ngoài.

Người bệnh có thể dùng bằng dính chăm sóc và bảo vệ mắt theo hướng dẫn
Người bệnh có thể dùng bằng dính chăm sóc và bảo vệ mắt theo hướng dẫn

Ngoài ra có thể bổ sung Vitamin D và khoáng chất (magie, Calcium, Kali Clorua,...) Người bệnh nên kiêng muối và đường hấp thu nhanh. Tránh tập thể thao hoặc ở ngoài trời trong giai đoạn cấp.

5.2 Phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng

Cùng với việc dùng thuốc, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng giúp đạt kết quả cao trong điều trị và phòng biến chứng co cứng nửa mặt, đồng động mặt (xuất hiện nháy mắt hàng loạt khi cười). Phục hồi chức năng nên được tiến hành ngay tuần đầu tiên mắc bệnh.

Đối với những trường hợp co cứng nửa mặt hoặc đồng động cơ mặt gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ có thể dùng Toxin Botulinum tiêm tại chỗ để làm giảm co cứng.

5.3 Phương pháp châm cứu phối hợp

Châm cứu có thể thực hiện sau 7-10 ngày kể từ khi mắc bệnh, nếu châm cứu được thực hiện ngay ngày đầu sau khi liệt có thể gây co cứng nửa mặt về sau.

Điều trị dự phòng liệt mặt Bell cho tới thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dự phòng hiệu quả. Vì thế bệnh nhân nên chủ động phòng tránh để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và mất tự tin trong cuộc sống.

Chuyên khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân bị liệt liệt dây thần kinh mặt do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh viện hiện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm được đào tạo bài bản, đặc biệt có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp mang đến hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao, hạn chế tối đa biến chứng cho người bệnh.

Do đó, bệnh viện Vinmec hiện là trung tâm chăm sóc sức khỏe uy tín cho mọi đối tượng khách hàng có thể đến khám khi gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  • Ropper AH, Brown RH. Facial palsy. In : Allan H. Ropper, Robert H. Brown, eds. Adams & Victor’s principles of neurology. New York : McGrawHill, 2005;1181-5.
  • Sullivan FM, et al. Early treatment with prednisolone or aciclovir in Bell’s palsy. N Engl J Med 2007;357:1598.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe