Không chỉ huyết áp cao (tăng huyết áp) mới gây ảnh hưởng đến não và tim của chúng ta mà huyết áp thấp cũng vậy. Vậy mối liên hệ giữa huyết áp và não là như thế nào?
1. Huyết áp ảnh hưởng như thế nào đến não của bạn?
Huyết áp cao được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, nó thường không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo nhưng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
Huyết áp càng cao, tim của bạn càng phải làm việc khó khăn hơn để bơm máu đi khắp cơ thể và càng có nhiều khả năng gây ra tổn thương cho cơ tim. Tuy nhiên, vì tất cả các bộ phận của cơ thể bạn đều dựa vào tuần hoàn, cho nên không chỉ tim bị ảnh hưởng. Nếu máu không lưu thông với áp suất cao, nó có thể gây hại cho động mạch cũng như các cơ quan quan trọng như thận, mắt và não.
Huyết áp cao (hay "tăng huyết áp") đã được chứng minh là làm hỏng các mạch máu nhỏ trong các bộ phận của não chịu trách nhiệm về nhận thức và trí nhớ, làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer hoặc một chứng sa sút trí tuệ khác.
Việc được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch cũng có thể gây ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc và khiến bạn dễ bị lo lắng và trầm cảm hơn. Và cũng giống như huyết áp có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, tâm trạng cũng có thể ảnh hưởng tới huyết áp của bạn:
- Căng thẳng có thể làm tăng sản xuất hormone của cơ thể như adrenaline và cortisol, do đó làm tăng huyết áp.
- Việc sử dụng rượu, nicotin, đồ ăn vặt hoặc thuốc kích thích để điều chỉnh tâm trạng cũng có thể làm tăng huyết áp.
- Ngay cả việc cô lập bản thân với gia đình và bạn bè - một triệu chứng phổ biến của trầm cảm và lo âu có thể đẩy huyết áp lên cao hơn và gây hại cho sức khỏe tim mạch..
- Cao huyết áp và các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến thường có thể được cho là ít nhất một phần do cùng các yếu tố lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như áp lực, căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh và lười tập thể dục. Thay đổi lối sống để giải quyết bệnh tăng huyết áp có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của bạn và ngược lại.
Mặc dù tăng huyết áp rất phổ biến, nhưng tin tốt là nó cũng rất dễ điều chỉnh. Trong nhiều trường hợp, những thay đổi đơn giản trong lối sống có thể có tác động rất lớn đến số lượng của bạn và giúp bảo vệ sức khỏe của cả tim và não.
Huyết áp thấp (được gọi là "hạ huyết áp") là một vấn đề ít phổ biến hơn nhiều so với tăng huyết áp, nhưng nó vẫn có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến lưu lượng máu đến não, gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ và làm tăng nguy cơ sốc, đột quỵ, đau tim và suy thận.
2. Kiểm tra chỉ số huyết áp
Huyết áp có đơn vị tính là milimét thủy ngân (mmHg) và có hai thành phần:
- Con số cao hơn hay còn gọi là huyết áp tâm thu là khi tim bơm máu vào động mạch.
- Con số thấp hơn, hoặc huyết áp tâm trương là khi tim của bạn thư giãn giữa các nhịp đập.
Con số tâm thu được ghi lại đầu tiên, với số đo huyết áp lý tưởng là dưới 120/80mmHg. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ xác định huyết áp cao, hoặc tăng huyết áp, là khi huyết áp từ 130/80 trở lên (huyết áp tâm thu ít nhất là 130 mm Hg hoặc huyết áp tâm trương ít nhất là 80 mm Hg, hoặc cả hai).
Huyết áp của bạn dao động trong ngày, với rất nhiều thay đổi. Huyết áp sẽ tăng đột biến nếu bạn đang tập thể dục hoặc đi họp muộn, và giảm khi bạn đang ngủ hoặc thư giãn với những người thân yêu. Vì huyết áp có thể thay đổi rất nhiều, nên nếu bạn đã được chẩn đoán là bị tăng huyết áp, bạn có thể muốn theo dõi huyết áp của mình tại nhà thường xuyên.
Chọn một máy đo huyết áp quấn quanh cánh tay. Chúng có xu hướng chính xác hơn những gì hoạt động trên cổ tay hoặc ngón tay.
Không uống caffein hoặc hút thuốc ít nhất 30 phút trước khi đo huyết áp. Ngồi yên lặng trên ghế trong vài phút trước khi đo, sau đó đảm bảo rằng cánh tay của bạn được hỗ trợ và khuỷu tay của bạn ngang với tim khi bạn đo huyết áp.
Những thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Theo một nghiên cứu của Harvard, bị tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 220%. Mặt khác, giảm huyết áp tâm thu 10 mm Hg có thể giảm nguy cơ đột quỵ tới 44%.
Nhưng huyết áp thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc, đột quỵ, đau tim và suy thận. Không có kết quả cụ thể nào xác định khi nào huyết áp quá thấp. Thay vào đó, các bác sĩ dựa vào sự hiện diện của các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu, nhìn mờ và không vững khi đứng để chẩn đoán hạ huyết áp.
Nếu bạn gặp các triệu chứng như vậy, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân cơ bản như tác dụng phụ của thuốc, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc vấn đề về tim. Ngoài chế độ ăn ít natri, nhiều thay đổi lối sống tương tự được sử dụng để điều trị huyết áp cao cũng có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp thấp.
3. Nguyên nhân của huyết áp cao
Không có nguyên nhân duy nhất nào gây ra huyết áp cao, mà có nhiều yếu tố cùng gây ra tình trạng này. Một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như tuổi tác, chủng tộc, giới tính và tiền sử gia đình: Huyết áp có xu hướng tăng ở độ tuổi 70, ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới trên 55 tuổi và phổ biến ở người Mỹ gốc Phi hơn người da trắng, có lẽ do nhạy cảm di truyền với muối.
Nhiều yếu tố nguy cơ khác của tăng huyết áp nằm trong tầm kiểm soát. Thừa cân, ăn nhiều muối, hút thuốc, uống rượu quá mức và không tập thể dục đầy đủ đều có thể ảnh hưởng đến huyết áp cơ thể.
Ngoài ra còn có các chất cụ thể có thể làm tăng huyết áp, chẳng hạn như:
- Caffeine bao gồm cà phê, trà, soda và nước tăng lực.
- Thuốc theo toa, bao gồm một số loại được sử dụng để điều trị ADHD, thuốc tránh thai, corticosteroid, thuốc chống loạn thần không điển hình, MAOI và SNRI được sử dụng để điều trị trầm cảm và một số loại thuốc ung thư.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin và ibuprofen (Motrin, Advil).
- Thuốc ho và thuốc cảm có chứa thuốc thông mũi hoặc NSAID.
- Thực phẩm bổ sung thảo dược chẳng hạn như ma hoàng và yohimbine.
4. Các biện pháp kiểm soát chỉ số huyết áp
Phương pháp điều trị cao huyết áp đầu tiên là thay đổi lối sống lành mạnh bằng các biện pháp sau:
- Tập luyện
- Ăn một chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch
- Giảm cân
- Quản lý căng thẳng
- Bỏ hút thuốc
Việc dùng bất kỳ loại thuốc hạ huyết áp nào mà bác sĩ đề nghị cũng rất quan trọng. Có nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát huyết áp cao, vì vậy nếu một loại thuốc gây ra tác dụng phụ khó chịu, bác sĩ có thể giúp bạn tìm loại phù hợp hơn.
Ngay cả khi bác sĩ đã kê cho bạn thuốc để giúp điều trị tăng huyết áp, kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc, cải thiện chế độ ăn uống, kiểm soát căng thẳng và tập thể dục thường xuyên vẫn rất quan trọng để giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh và kiểm soát huyết áp của bạn về lâu dài.
Bắt đầu dần dần và thực hiện một hoặc hai thay đổi để bắt đầu. Khi những thay đổi đó đã trở thành thói quen, bạn có thể giải quyết một hoặc hai thay đổi khác. Bạn có thể quyết định bắt đầu bằng cách từ bỏ hút thuốc và áp dụng một số kỹ thuật thư giãn để giúp giảm căng thẳng khi bỏ thuốc, sau đó chuyển sang giảm cân hoặc cải thiện chế độ ăn uống của bạn.
Làm điều gì đó, dù nhỏ đến đâu, luôn tốt hơn là không làm gì cả. Như nếu bạn đang ăn thực phẩm lành mạnh trong tuần, sau đó sử dụng đồ ăn chế biến sẵn vào cuối tuần, huyết áp và sức khỏe tổng thể của bạn sẽ vẫn ở trạng thái tốt hơn so với khi bạn ăn đồ ăn chế biến sẵn mỗi ngày.
Có thể thấy huyết áp có mối liên hệ chặt chẽ đến sức khỏe của não và tim, vì thế bạn cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này để sức khỏe luôn được đảm bảo.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh tốt nhất đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.