Trẻ sơ sinh mới chào đời sẽ chưa mọc răng, trung bình đến tháng thứ 6, trẻ bắt đầu chiếc răng đầu tiên, 12 tháng có khoảng 6 răng và đến 24 tháng sẽ đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới. Lịch mọc răng sữa ở mỗi trẻ sẽ khác nhau nhưng thời gian chênh lệch thường không đến một năm.
Lịch mọc răng của trẻ em kéo dài khoảng 2 năm, từ khi bé 6 tháng tuổi đến 2 tuổi rưỡi để hoàn thiện với đầy đủ các răng trên khuôn miệng. Có những trường hợp bé mọc răng rất sớm hoặc mọc răng muộn, cha mẹ không cần lo lắng nhiều vì có thể do nguyên nhân di truyền hoặc cấu trúc răng khiến bé mọc răng chậm, thời gian chênh lệch thường không đến 1 năm. Mẹ có thể theo dõi lịch mọc răng của trẻ khi có những dấu hiệu mọc răng như:
- Trẻ quấy khóc, mệt mỏi, khó chịu, dễ bị kích động;
- Chảy nhiều nước dãi, nướu sinh đỏ, có thể lở loét;
- Thường xuyên cắn, gặm đồ vật, nghiến nướu, gặm ngón tay;
- Rối loạn tiêu hóa nhẹ, hay còn gọi là hiện tượng “đi tướt mọc răng”;
- Sốt nhẹ. Thông thường, các trường hợp sốt mọc răng sẽ không quá 38 độ C;
- Trẻ ăn uống kém, sụt cân.
Những dấu hiệu mọc răng ở trẻ thường xuất hiện khoảng 3 đến 5 ngày trước khi chiếc răng nhú mọc và tự hết sau 3 - 7 ngày.
Lịch mọc răng của trẻ khác nhau về thể chất, một số bé 4,5 tháng đã mọc răng, nhưng cũng có nhiều bé được khoảng 1 tuổi mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên, mẹ đừng lo lắng, trẻ chỉ cần mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì vẫn hoàn toàn phát triển bình thường.
Thứ tự mọc răng sữa ở trẻ có thể theo 1 trình tự sau:
- 4 cái răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới: 5-8 tháng;
- 4 răng cửa bên: 7-10 tháng;
- 4 răng hàm đầu tiên: 12-16 tháng;
- 4 răng nanh: 14-20 tháng;
- 4 răng hàm thứ 2: 20-32 tháng;
Tùy vào mỗi trẻ sẽ có thứ tự mọc răng sữa khác nhau. Khi trẻ còn nhỏ chưa thể chải răng được người lớn có thể sử dụng khăn sữa với nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý vệ sinh lau răng cho trẻ hàng ngày, khi trẻ 2 tuổi có thể cho tập chải răng, trẻ lớn hơn trẻ có thể tự chải răng, trong giai đoạn trẻ còn bé 3-5 tuổi bố mẹ nên hỗ trợ chải răng cho trẻ nhất là vào buổi tối vì ở giai đoạn này trẻ hay mải chơi và chưa chải răng sạch được nên sẽ có nguy cơ gây sâu răng.
Thường xuyên quan sát răng của trẻ nếu có dấu hiệu bất thường như các vết đen, các lỗ nhỏ xuất hiện trên răng thì cần đưa đến nha sĩ để hàn sớm.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.