Nhiều người cho rằng việc lấy khóe móng chân giúp móng đẹp hơn, dễ vệ sinh hơn. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp lấy khóe móng chân bị sưng mủ, chảy máu hoặc thậm chí hoại tử. Tình trạng này có nguy hiểm không, cách xử lý như thế nào?
1. Lấy khóe móng chân là gì, có an toàn không?
Khóe móng chân là phần rìa tại 2 cạnh của móng chân, thường mọc thuôn ra 2 bên của móng. Trong sinh hoạt hằng ngày, khóe móng chân không hề gây đau nhức hoặc phiền toái. Tùy theo sở thích, nhiều người khi chăm sóc, làm móng chân đều muốn lấy khóe móng chân. Tuy nhiên, việc lấy khóe móng chân có thể dẫn đến hiện tượng móng chân bị sưng mủ khó chịu.
Tình trạng lấy khóe móng chân bị chảy máu, sưng mủ thường bắt nguồn từ các nguyên nhân:
- Dụng cụ lấy khóe móng chân không đảm bảo vệ sinh;
- Thực hiện lấy khóe quá mạnh và sâu;
- Lấy quá da nhiều phần khóe móng chân, gây tổn thương cho móng chân.
2. Hậu quả từ tình trạng lấy khóe móng chân bị sưng mủ
Cấu trúc da, móng của ngón chân rất hoàn hảo để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Khi cắt móng chân, lấy khóe móng chân dễ gây vết trầy xước, chảy máu,... tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập. Sau đó, vi khuẩn sẽ nhanh chóng nhân lên, gây triệu chứng sưng, nóng đỏ vùng da quanh vết thương, tiếp đó là xuất hiện mủ ở vị trí lấy khóe móng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng huyết nặng toàn thân. Đã có trường hợp chân bị hoại tử do biến chứng nhiễm trùng lấy khóe móng.
Trong quá trình làm móng như cắt da và lấy khóe, nếu cắt quá ngắn có thể gây tình trạng móng chọc vào thịt. Đây là tình trạng cạnh bên của móng chọc vào tổ chức phần mềm ở cuống móng bên, gây tổn thương tổ chức này, dẫn tới triệu chứng sưng đỏ và đau. Khi bị viêm, người bệnh sẽ có biểu hiện sưng vùng móng chân, đau nhức ngón chân, mất đi các nếp gấp của da trên móng. Áp xe do tụ cầu sẽ gây triệu chứng da xung quanh móng sưng, tấy đỏ và có mủ trắng, bệnh nhân bị sốt. Trong trường hợp này, người bệnh cần nhanh chóng được chẩn đoán, thậm chí phải can thiệp ngoại khoa, rạch mủ, dùng thuốc kháng sinh hoặc cắt bỏ một phần móng.
Ngoài ra, người lấy khóe móng chân ở các cơ sở không đảm bảo có thể bị viêm móng do virus Herpes. Đây là loại virus dễ lây từ người này sang người khác. Đặc biệt, một số bệnh nhân có thể bị viêm quanh móng do Candida thể cấp (biểu hiện sưng tấy, có mủ) hoặc thể mãn tính (biểu hiện hơi sưng, thâm tím, có thể gây biến dạng móng).
Những vấn đề trên đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.
3. Nên làm gì khi lấy khóe móng chân bị sưng mủ?
Tùy tình trạng sưng mủ nặng hay nhẹ, người bệnh sẽ có hướng xử trí phù hợp. Cụ thể:
3.1 Tình trạng sưng mủ nhẹ
Khi lấy khóe móng chân bị sưng mủ nhẹ, người bệnh thực hiện như sau:
- Rửa tay, làm sạch móng chân trước và sau khi tiếp xúc với chân;
- Khử trùng các dụng cụ cắt móng chân, nhíp, que đẩy biểu bì da chết, các dụng cụ khác,... bằng cồn tẩy rửa hoặc hydrogen peroxide (oxy già), để khô;
- Ngâm chân trong nước ấm khoảng 10 - 30 phút để làm mềm móng và da. Bạn có thể bỏ vào bồn ngâm chân một chút muối Epsom, giấm, dầu cây trà hoặc các loại tinh dầu khử trùng khác;
- Dùng khăn mềm lau khô bàn chân và các ngón chân;
- Nhẹ nhàng massage vùng da quanh móng chân để cải thiện lưu thông máu tới khu vực móng chân, làm giảm đau, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương;
- Nhẹ nhàng nhấc mép móng chân lên, đặt 1 miếng bông gòn nhỏ vào dưới móng chân để làm chệch móng mọc theo hướng khác, giúp móng không ăn vào da;
- Dùng dũa móng tay hoặc que đẩy biểu bì cạo lớp da ở 2 bên móng để loại bỏ các tế bào da chết;
- Sau mỗi lần ngâm móng chân, bạn có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh (như Polysporin) và bôi thuốc lên vị trí ngón chân bị sưng. Bạn có thể dùng loại thuốc mỡ này mà không cần đơn thuốc của bác sĩ nếu khóe móng chân bị sưng mủ nhẹ.
Nếu điều trị đúng cách thì mủ trong móng chân sẽ tự hết sau 48 giờ, tình trạng đau móng chân sẽ khỏi sau khoảng 1 tuần. Ngoài ra, khóe móng chân bị sưng mủ có thể lành trong vòng 2 tuần.
3.2 Tình trạng nhiễm trùng nặng
Nên làm gì nếu lấy khóe móng chân bị sưng mủ nặng? Người bệnh cần ngay lập tức đi khám bác sĩ để có cách xử trí phù hợp, giảm đau hiệu quả. Một số thủ thuật bác sĩ có thể sử dụng là:
- Đầu tiên, bác sĩ tiêm 1 mũi để làm tê ngón chân hoặc bàn chân. Sau đó, bác sĩ dùng dao mổ loại bỏ da trên đầu móng chân mọc ngược. Phần móng mọc ngược, sau đó có thể được cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ. Trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ không thấy đau;
- Nếu thường xuyên có móng chân mọc ngược hoặc sưng mủ, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp laser hoặc hóa chất để loại bỏ vĩnh viễn một phần móng chân, giúp móng không phát triển nữa.
Để đảm bảo móng chân khỏe mạnh, tránh tình trạng nhiễm trùng, người dùng cần chăm sóc móng chân sau khi phẫu thuật như sau:
- Dùng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ;
- Dùng thuốc giảm đau (acetaminophen, ibuprofen) nếu được bác sĩ kê đơn;
- Bôi kem kháng sinh lên khu vực móng chân bị sưng với tần suất 2 lần/ngày hoặc nhiều hơn;
- Bôi kem làm tê hoặc kem chống viêm lên móng chân bị sưng tấy nếu cần thiết;
- Giữ cho móng chân luôn sạch sẽ và khô ráo;
- Tránh đi bộ nhiều hoặc chạy bộ trong vòng 2 - 4 tuần sau phẫu thuật;
- Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại rau củ và trái cây để vết thương mau lành. Nên tránh ăn thịt bò, nước tương, rau muống,...;
- Nếu bị nấm móng, người bệnh có thể cần dùng thuốc trị nấm hoặc bôi kem thuốc để làm sạch vùng da này trước khi được phẫu thuật.
3.3 Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Trong hầu hết các trường hợp lấy khóe móng chân bị sưng mủ, người bệnh có thể tự chăm sóc móng chân tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã mắc các bệnh mãn tính hoặc gặp vấn đề nhiễm trùng da thì việc tự điều trị có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. Tình trạng nhiễm trùng do móng mọc ngược có thể lan tới bàn chân, cẳng chân hoặc cả cơ thể, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng xương ngón chân.
Do đó, nếu gặp những triệu chứng sau, người bệnh nên đi khám ngay:
- Bị đau móng chân dữ dội;
- Có các biểu hiện nhiễm trùng như đau, đỏ, mủ trên móng chân;
- Bị đau, nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trên bàn chân;
- Mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh mãn tính khác;
- Tình trạng móng chân bị sưng mủ không được cải thiện sau 7 ngày.
4. Cách ngăn ngừa móng chân bị sưng mủ
Một số lưu ý bạn cần nhớ khi cắt móng chân, lấy khóe móng chân để tránh nguy cơ bị sưng mủ, nhiễm trùng:
- Cắt móng chân bằng kềm cắt móng, giữ móng dài ít nhất 1 - 2mm ở đầu ngón chân. Vì vậy, tần suất cắt móng chân phù hợp là 6 - 8 tuần/lần;
- Không nên lấy khóe móng quá nhiều, nếu lấy khóe cần tránh lấy sâu, sử dụng dụng cụ đảm bảo vệ sinh;
- Cắt góc móng ở vị trí có thể nhìn thấy được để giảm áp lực, giảm gây đau trên móng;
- Nên làm sạch khu vực cắt móng chân bằng dầu cây trà hoặc dùng các chất khử trùng khác;
- Sau khi tắm hoặc tiếp xúc với nước, móng chân sẽ trở nên tương đối mềm. Do đó, bạn có thể gập các góc của móng chân lên trên để thay đổi hướng móng mọc, tránh tình trạng mọc ngược, chọc vào thịt;
- Đảm bảo không đi giày quá chật, cần phải thoải mái khi di chuyển. Bạn có thể mang giày hở mũi hoặc dép sandal để giúp vùng da móng chân bị sưng tấy được thông thoáng;
- Nếu phát hiện có vết trầy xước da ở chân thì cần chăm sóc vết thương hằng ngày đúng cách: Dùng nước sát khuẩn, dùng băng gạc vô trùng, giữ vết thương khô sạch tới khi lành.
Lấy khóe móng chân bị sưng mủ có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nặng và nguy hiểm. Do đó, nếu có những biểu hiện nhiễm trùng, người bệnh không nên cố gắng tự điều trị tại nhà mà nên đi khám ngay để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.