Lao hạch và HIV: Những điều cần biết

Bệnh lao đồng nhiễm HIV là bệnh thường gặp tại các cơ sở điều trị bệnh lao. Những bệnh nhân này cần được tư vấn, cung cấp thông tin, xét nghiệm HIV để phát hiện bệnh và có cách điều trị phù hợp.

1. Các nguy cơ gây ra bệnh lao đồng nhiễm HIV

  • Người bệnh có tiền sử điều trị bệnh lao, có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm lao.
  • Người bệnh có tiền sử chữa bệnh trong các cơ sở cai nghiện hoặc trại giam.
  • Người bệnh đang gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng, có tiền sử nghiện rượu và ma túy.

Chẩn đoán người bị bệnh lao đồng nhiễm HIV cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng và phải sàng lọc để phát hiện 4 triệu chứng điển hình bao gồm ho, sốt, sụt cân, ra mồ hôi ban đêm với bất kỳ thời gian nào.

2. Các dấu hiệu cần được lưu ý

Người nhiễm HIV nếu không có đủ 4 triệu chứng như: ho, hay sốt nhẹ về chiều, sụt cân, đổ mồ hôi trộm về đêm, thì có thể loại trừ không mắc bệnh lao tiến triển và có thể được xem xét điều trị dự phòng lao bằng thuốc Isoniazid.

Trong trường hợp bệnh nhân có khả năng đồng nhiễm lao/HIV có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên thì cần được đưa đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện bệnh lao, bởi vì các dấu hiệu này thường diễn tiến nhanh và ít đáp ứng với các điều trị thông thường.

Người nhiễm virus HIV nếu có kèm theo bất kỳ triệu chứng hô hấp nào cũng cần được khám sàng lọc để phát hiện có bị bệnh lao đồng nhiễm HIV, đặc biệt là lao phổi hay không.

3. Chẩn đoán người bệnh lao đồng nhiễm HIV như thế nào?

Thực tế biểu hiện trên lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân bị lao đồng nhiễm HIV thường không điển hình và tiến triển rất nhanh, nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Vì vậy tại các cơ sở y tế, đặc biệt là những phòng khám ngoại trú cho người nhiễm HIV, cần phải chú ý sàng lọc bệnh lao cho người nhiễm HIV mỗi lần đến khám dù bất kỳ lý do nào. Căn cứ trên yếu tố nguy cơ mắc bệnh lao, các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ quyết định chẩn đoán mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV.

Chẩn đoán cận lâm sàng cho người bệnh đồng nhiễm lao/HIV

  • Xét nghiệm vi khuẩn: Xét nghiệm đờm. Thực hiện xét nghiệm nhuộm soi đờm trực tiếp, hoặc dùng kính hiển vi phát hiện. Lưu ý, cần hướng dẫn người bệnh lấy đờm đúng cách. Có thể lấy 2 mẫu tại chỗ cách nhau ít nhất 2 giờ. Thời gian cho kết quả xét nghiệm được thực hiện trong ngày ở người bệnh đến khám.

Nhuộm soi đờm trực tiếp của bệnh nhân để tìm vi khuẩn
Nhuộm soi đờm trực tiếp của bệnh nhân để tìm vi khuẩn

  • Xét nghiệm Xpert MTB/RIF (Mycobacterium tuberculosis/Rifampicin): Là xét nghiệm ưu tiên dùng để chẩn đoán cho người bị lao đồng nhiễm HIV, thời gian cho kết quả xét nghiệm là khoảng 2 giờ. Xét nghiệm này áp dụng với bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên. Thời gian cho kết quả dương tính có thể là sau 2 tuần khi nuôi cấy ở môi trường lỏng MGIT (multi growth indicator tube).
  • Chẩn đoán hình ảnh bằng cách chụp X-quang cũng có thể phát hiện đồng nhiễm lao/HIV ở giai đoạn lâm sàng nhiễm HIV sớm, khi sức đề kháng chưa ảnh hưởng nhiều. Hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang ngực sẽ không khác biệt so với người có kết quả HIV âm tính. Ở giai đoạn muộn, tổn thương lan tỏa ra cả 2 phế trường, hình ảnh chụp được cho thấy tổn thương dạng nốt, ưu thế tổ chức liên kết lan tỏa, tuy nhiên ít thấy hình ảnh hang và có thể gặp hình ảnh hạch rốn phổi, hạch cạnh phế quản, ...
  • Xét nghiệm mô bệnh học - giải phẫu bệnh: sinh thiết hạch, chọc hạch để chẩn đoán mô bệnh tế bào học có thể cho thấy có các thành phần đặc trưng như hoại tử bã đậu, tế bào bán liên, nang lao.

Xét nghiệm chẩn đoán bị lao đồng nhiễm HIV chỉ được thực hiện khi người bệnh đồng ý. Máu của người bệnh sẽ được thu thập và gửi đến cơ sở y tế có khả năng thực hiện kiểm tra sàng lọc, của các đơn vị PITC thuộc chương trình chống lao.Khi kết quả kiểm tra sàng lọc dương tính, mẫu máu sẽ tiếp tục được gửi đến phòng xét nghiệm - nơi được phép khẳng định HIV gần nhất thực hiện. Kết quả thường sẽ có trong khoảng 7 - 10 ngày sau khi mẫu máu được gửi đến cơ sở xét nghiệm.Cán bộ y tế tại nơi tư vấn sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm cuối cùng là âm tính hay dương tính để tiếp tục tư vấn cho người mắc bệnh lao.

4. Nếu kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV là âm tính

Nếu kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV là âm tính, chứng tỏ người bệnh không bị lao đồng nhiễm HIV thì cán bộ y tế cần thông báo cho người bệnh biết kết quả và tư vấn giúp người bệnh hiểu đúng kết quả và ý nghĩa của giai đoạn này.

Đồng thời khuyên người bệnh nên thực hiện xét nghiệm lại sau khoảng 6 - 12 tuần tại một trung tâm tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện khi nghi ngờ có yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, cũng cần phải tư vấn cho người bệnh nguy cơ lây nhiễm HIV và các biện pháp dự phòng, bao gồm việc khuyên bạn tình của họ cũng cần được xét nghiệm chẩn đoán HIV, đồng thời giới thiệu chuyển tiếp người bệnh đến các dịch vụ can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV khi họ có yêu cầu.

5. Nếu kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV là dương tính


Kết quả xét nghiệm HIV dương tính
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính

Nếu kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV là dương tính, nghĩa là người bệnh bị lao đồng nhiễm HIV thì cán bộ y tế phải thông báo và giải thích kết quả cho người bệnh; lưu ý hỗ trợ tinh thần và tâm lý cho người bệnh.

Sau đó, tư vấn để người bệnh hiểu về sự cần thiết của việc chăm sóc và điều trị bệnh HIV, thông tin về các dịch vụ hỗ trợ sẵn có tiếp theo cho người bệnh; tư vấn các việc cần thực hiện ngay như tiếp tục điều trị bệnh lao, dự phòng lây nhiễm bệnh cho bản thân và người thân.

Trường hợp kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV không xác định được, cần giải thích để người bệnh hiểu đúng về kết quả xét nghiệm, hỗ trợ tinh thần và tâm lý cho người bệnh, tư vấn các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, đồng thời hẹn thời gian xét nghiệm lại sau 14 ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe