Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Lần đầu làm cha chắc chắn là trải nghiệm rất mới mẻ, thú vị và mang đến nhiều cảm xúc bất ngờ, song cũng không kém phần căng thẳng, khó khăn do cảm giác bỡ ngỡ và chưa có kinh nghiệm làm cha lần đầu.
1. Lần đầu làm cha là điều không hề đơn giản
Trở thành người lần đầu làm cha là trải nghiệm thật sự hạnh phúc mà bất cứ người đàn ông nào cũng mong muốn. Cảm giác đầu tiên chắc hẳn là sự hãnh diện, rằng mình cũng có thể tạo ra sự sống. Tiếp theo là nỗi niềm hạnh phúc, vì gia đình có thêm một thành viên mới - một người nối dõi gọi mình là bố.
Tuy nhiên, trải nghiệm lần đầu làm bố đối với nhiều người lại gần như cơn ác mộng. Nhiều “ông bố non” cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ, căng thẳng khi gặp phải những khó khăn của việc làm cha mẹ, chưa quen với việc chăm con và phát triển mối quan hệ đầu tiên với chính con yêu của mình. Do đó, các ông bố cần phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong quá trình nuôi con sắp tới hoặc đơn giản là trở thành một ông bố chuẩn mực của con.
2. Hiểu những khó khăn của việc lần đầu làm bố
Chăm sóc trẻ sơ sinh không phải là điều dễ dàng. Lần đầu làm bố có thể gặp phải những khó khăn sau đây:
- Số ngày nghỉ thai sản bị hạn chế
Không giống như ở phụ nữ, chế độ thai sản dành cho người đàn ông trong gia đình khá hạn chế. Lịch làm việc dày đặc và phải có mặt ở công ty thường xuyên sẽ khiến cho bố không thể dành nhiều thời gian cho con sau khi chào đời.
- Trách nhiệm làm cha
Trẻ sơ sinh đòi hỏi phải nhận được sự chăm sóc liên tục từ đấng sinh thành và đó được xem là trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ. Ngoài việc cho con ăn, thay tã và dỗ khi con khóc, cha mẹ còn phải thực hiện những công việc khác, chẳng hạn như làm việc nhà, sắm sửa đồ đạc và một số hoạt động cá nhân khác. Điều này có thể gây ra áp lực không nhỏ cho những người lần đầu làm cha, khi đã quá quen với lối sống độc lập và cảm thấy khó khăn khi phải nhận thêm trách nhiệm đối với thành viên mới trong gia đình.
- Mất ngủ
Chỉ có những người lần đầu làm bố mới hiểu được sự quý giá của giấc ngủ ngon khi chăm trẻ sơ sinh. Trên thực tế, em bé quấy khóc liên tục khiến cho bố mẹ khó có được một giấc ngủ trọn vẹn. Thiếu ngủ dài ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Áp lực về tài chính
Chi phí sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm ngừa bệnh, mua tã lót, quần áo sơ sinh và các vật dụng khác cho em bé khiến cho ngân sách của gia đình nhanh chóng giảm đi. Áp lực tài chính sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu bố mẹ phải dọn ra ở riêng, thuê một người trông trẻ hoặc một trong hai vợ chồng phải nghỉ phép không lương hoặc chuyển công việc khác để dành thời gian chăm sóc em bé.
- Giảm thời gian gần gũi với vợ
Khi có con, cả hai vợ chồng sẽ vô cùng bận rộn, đồng nghĩa với việc hai người sẽ không có nhiều thời gian bên nhau trong ngày như lúc chưa sinh. Mặt khác, người phụ nữ sau sinh thường dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho con. Do đó, những người lần đầu làm bố đôi khi sẽ có cảm giác bị vợ mình “bỏ rơi”.
- Giảm khả năng sinh hoạt tình dục
Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ trở nên kiệt sức, kèm theo đó là căng thẳng về mặt tinh thần, khiến cho đời sống tình dục vợ chồng cũng bị ảnh hưởng. Phụ nữ sau sinh cần thời gian để phục hồi hoàn toàn trước khi có thể gần gũi với chồng.
- Phiền muộn
Nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng trầm cảm sau sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thậm chí xuất hiện những hành vi gây nguy hiểm cho con. Hiện tượng này cũng xảy ra với số ít nam giới lần đầu làm cha.
3. Tìm hiểu kinh nghiệm làm cha lần đầu trước khi em bé chào đời
Trong thời gian vợ đang mang thai, các ông bố tương lai cần tích cực tìm hiểu và trau dồi kinh nghiệm làm cha lần đầu. Nên tranh thủ làm những điều sau đây trước khi em bé chào đời:
- Kết nối với em bé
Trong suốt thai kỳ của vợ bầu, các ông bố thường không thể nào cảm nhận hết được cảm giác sắp trở thành bố của đứa trẻ nhiều như đối với người mẹ. Nguyên nhân là do bố chưa có nhiều kết nối với em bé, trong khi với mẹ thì có thể cảm nhận rõ ràng do bé đang nằm ngay trong bụng mình. Để thiết lập mối liên kết với con, hãy thường xuyên đặt tay lên bụng vợ để cảm nhận những cử động, những cú đạp của con, tham gia cùng vợ trong các buổi thăm khám trước khi sinh và lắng nghe những lời khuyên từ bác sĩ. Ngoài ra, bố có thể nói chuyện, đọc sách hoặc hát cho con nghe ngay trước bụng mẹ để giúp con nhận ra giọng nói của bố sau khi sinh ra.
- Tham dự khóa học tiền sản
Các lớp học tiền sản sẽ giúp thai phụ chuẩn bị tốt nhất cho quá trình mang thai và chuyển dạ. Mặt khác, bố tương lai cũng học được kha khá kinh nghiệm làm cha lần đầu, đặc biệt là cách chăm sóc trẻ sơ sinh để hỗ trợ cho vợ khi cần thiết.
- Chuẩn bị kế hoạch tài chính
Nếu khó khăn về mặt tài chính, người chồng có thể nhờ đến sự hỗ trợ và lời khuyên từ bạn bè, người thân hoặc một chuyên gia về tài chính để giúp gia đình xử lý những chi phí phát sinh khi nuôi con sau này.
- Học hỏi từ các ông bố khác
Khi mang thai, người phụ nữ có thể nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ bác sĩ, người thân, bạn bè và các bà mẹ khác, những người đã từng hoặc đang mang thai. Tương tự như vậy, bố cũng nên có một mạng lưới các mối quan hệ cần thiết trong thời gian này. Hãy tìm kiếm người thân họ hàng, bạn bè, đặc biệt là chính bố của mình, những người đã từng trải qua giai đoạn lần đầu làm cha để có thể chia sẻ những lời khuyên, kinh nghiệm cần thiết trước khi con chào đời.
- Tâm sự với vợ
Khuyến khích vợ bầu chia sẻ những khó khăn của việc mang thai cũng là cách để cảm nhận vai trò người làm cha trong cuộc sống sau này của con.
- Suy nghĩ về hình mẫu người bố muốn trở thành
Bố của bạn chính là hình mẫu lý tưởng của một người bố hoàn hảo. Hãy học hỏi kinh nghiệm làm bố lần đầu từ chính người đã sinh ra và nuôi nấng mình khôn lớn.
4. Lời khuyên cho người lần đầu làm cha
Sau khi em bé được sinh ra là lúc “ông bố tương lai” chính thức trở thành bố. Các lời khuyên sau đây sẽ giúp những người lần đầu làm cha giảm đi phần nào căng thẳng và bỡ ngỡ:
- “Hồi sức” cùng hai mẹ con tại bệnh viện
Nếu bệnh viện cho phép, hãy thu xếp thời gian và công việc để đến phòng hồi sức cùng với vợ và trẻ sơ sinh cho đến ngày đưa bé về nhà.
- Thay phiên nhau chăm sóc em bé
Các ông bố nên hỗ trợ cho vợ bằng cách thực hiện những việc đơn giản có thể làm được, chẳng hạn như thay phiên cho con ăn, thay tã, trông chừng em bé.
- Dành thời gian chơi với con
Nhiều ông bố sau sinh không thể dành thời gian cho con và chơi với con, dẫn đến trải nghiệm của con không đầy đủ. Trên thực tế, phụ nữ nuôi con thường có xu hướng chăm sóc con bằng những hành động nhẹ nhàng, đơn giản. Trong khi đó, đàn ông nuôi con thường cho em bé tham gia vào các hoạt động liên quan đến thể lực và trí tuệ. Cả hai cách nuôi con đều quan trọng và cần thiết, giúp cho bé cảm nhận đầy đủ tình thương cũng như sự quan tâm của cha mẹ dành cho bé. Nụ cười của con chính là dấu hiệu cho thấy điều này.
- Thể hiện tình cảm thân mật với vợ
Nếu cảm thấy khó khăn trong chuyện tình dục, vợ chồng vẫn có thể duy trì tình cảm thân mật qua những cái ôm, hôn hoặc đơn giản là xoa bóp vai cho nhau. Những hành động này có thể giúp vợ chồng bạn kết nối lại tình cảm trong những tháng mang thai căng thẳng và hỗ trợ nhau tốt hơn trong việc nuôi con.
- Tìm sự trợ giúp nếu cần thiết
Lần đầu làm cha là trải nghiệm rất khó khăn, nhưng bạn không hề cô đơn. Nếu không thể xử lý những vấn đề trong chuyện nuôi con, chuyện tình cảm hoặc nếu nhận thấy triệu chứng của trầm cảm, hãy nhờ đến sự trợ giúp từ bác sĩ, những người có chuyên môn.
Sau khi sinh con, cuộc sống của cả hai vợ chồng có thể hoàn toàn thay đổi. Bằng cách chuẩn bị từ sớm và lập kế hoạch để thích nghi với sự thay đổi, những người lần đầu làm cha có thể giảm bớt căng thẳng và trở thành một người cha hoàn hảo của con.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Thạc sĩ. Bác sĩ Vũ Quốc Ánh đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà nẵng. Hiện tại, đang là Bác sĩ Nhi khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org