Bài viết bởi Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi - Cố vấn cao cấp Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City
Bạn có thể ngăn ngừa suy tim tiến triển nặng lên bằng cách thay đổi thói quen dinh dưỡng và sinh hoạt. Các yếu tố như uống rượu, hút thuốc, béo phì....không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn thúc đẩy diễn tiến của bệnh nặng hơn.
1. Các nguyên nhân gây nên suy tim
Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương cơ tim dẫn đến suy tim, bao gồm:
Nhồi máu cơ tim: Xảy ra khi một hoặc nhiều động mạch vành bị tắc một cách đột ngột, dẫn tới không có máu tới cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử cơ tim, tạo thành vùng sẹo nếu không được can thiệp tái thông động mạch vành kịp thời.
Bệnh cơ tim: Là tình trạng tổn thương cơ tim không do động mạch vành, mà do các nguyên nhân khác như: nhiễm trùng, lạm dụng rượu, do chất gây nghiện.
Bệnh lý động mạch vành: Bệnh động mạch vành là bệnh của các mạch máu cung cấp máu và oxy cho cơ tim. Nếu các mạch máu này bị tắc hoặc hẹp nặng, tim sẽ bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng
Các nguyên nhân khiến tim hoạt động quá mức: Tăng huyết áp, bệnh lý van tim, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý của thận, đái tháo đường hoặc các bất thường cấu trúc tim bẩm sinh đều có thể là nguyên nhân gây suy tim. Trong một số trường hợp, suy tim có thể xảy ra khi mà một vài bệnh hoặc tình trạng bệnh lý cùng phối hợp gây nên.
2. Làm thế nào để làm chậm tiến triển của suy tim?
Làm chậm tiến triển của suy tim giúp quá trình điều trị bệnh suy tim đạt kết quả tốt hơn. Bạn có thể làm chậm tiến triển của bệnh bằng những cách sau:
- Điều chỉnh huyết áp tối ưu
Trong suy tim, sự giải phóng các chất trung gian dẫn đến co mạch, làm tăng huyết áp. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các mạch máu bị co thắt. Kiểm soát tốt huyết áp là điều rất quan trọng giúp tim có thể làm việc hiệu quả hơn
- Theo dõi sát triệu chứng của bạn
Kiểm tra sự thay đổi tình trạng thừa dịch của bạn như kiểm tra cân nặng hằng ngày và phát hiện triệu chứng phù. Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn tăng cân không kiểm soát (tăng quá 1,3kg/ngày hoặc 222 kg/tuần) hoặc nếu tình trạng phù của bạn tăng lên.
- Duy trì cân bằng nước.
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi chép số lượng nước bạn uống hoặc ăn và số lần bạn đi tiểu. Bạn nên nhớ rằng: quá nhiều dịch trong hệ tuần hoàn sẽ khiến tim làm việc vất vả hơn. Giới hạn lượng nước bạn sử dụng trong ngày nhỏ hơn 2 lít sẽ giúp bạn giảm gánh nặng cho tim và ngăn ngừa triệu chứng tái phát.
- Lượng muối nên bạn nên dùng:
Muối có trong thành phần rất nhiều thức ăn tự nhiên chúng ta sử dụng hằng ngày. Nó có thể tăng thêm hương vị và giúp bảo quản đồ ăn lâu hơn. Nếu bạn ăn theo chế độ ăn hạn chế muối, bạn sẽ bớt tích nước hơn, bớt phù hơn đỡ suy tim hơn và thở một cách rễ dàng hơn.
- Theo dõi trọng lượng và giảm cân nếu cần
Theo dõi cân nặng vào cùng thời điểm trọng ngày, thường là vào buổi sáng, với cùng một loại quần áo, sau khi đi tiểu nhưng là trước khi ăn sáng và với cùng một chiếc cân. Ghi chép lại cân nặng của bạn vào sổ hoặc lịch. Nếu bạn tăng cân bất thường, hãy gọi cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ điều chỉnh đơn thuốc của bạn.
- Theo dõi triệu chứng của bạn:
Gọi bác sĩ nếu triệu chứng suy tim mới xuất hiện hoặc nếu triệu chứng nặng lên. Đừng chờ tới khi triệu chứng trở nên nặng đến mức bạn cần tới sự cấp cứu.
- Dùng thuốc theo đơn được kê:
Thuốc được sử dụng để cải thiện khả năng bơm máu của tim, giảm gánh nặng cho tim, giảm sự tiến triển của suy tim và ngăn ngừa sự giữ nước. Rất nhiều thuốc suy tim được sử dụng để làm giảm sự giải phóng của các hormones gây hại. Những thuốc này sẽ khiến mạch máu của bạn giãn ra (do đó hạ thấp áp lực máu)
- Lên lịch khám bác sĩ đều đặn:
Trong suốt quá trình theo dõi, các bác sĩ sẽ giúp bạn ở trong tình trạng sức khỏe ổn định và tình trạng suy tim của bạn không tiến triển nặng lên. Bác sĩ sẽ yêu cầu xem lại sổ theo dõi cân nặng và đơn thuốc của bạn. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy ghi chú lại và mang đến khi tái khám. Gọi bác sĩ nếu bạn có câu hỏi khẩn cấp. Thông báo cho tất cả bác sĩ của bạn về tình trạng suy tim, các thuốc đang dùng và bất kỳ sự hạn chế nào. Tương tự như vậy, trao đổi với bác sĩ tim mạch của bạn về bất kỳ thuốc mới nào được kê bởi bác sĩ khác. Giữ gìn các hồ sơ, xét nghiệm, đơn thuốc và mang theo mỗi lần tái khám.
3. Làm thế nào để cải thiện chất lượng cuộc sống nếu bị suy tim?
Có một số việc bạn có thể làm để cải thiện chất lượng cuộc sống nếu bạn bị suy tim. Một trong số đó là:
Chế độ tốt cho sức khỏe: Hạn chế lượng muối nhỏ hơn 2000 mg (2g) mỗi ngày. Ăn thức ăn có hàm lượng xơ cao. Hạn chế thực phẩm có hàm lượng cao acid béo no, cholesterol và đường. Giảm tổng lượng calo hàng ngày để giảm cân nếu cần thiết.
Tập thể dục đều đặn: Chương trình tập luyện tim mạch đều đặn, được khuyến cáo bởi bác sĩ của bạn, sẽ giúp cải thiện sức khỏe và khiến bạn cảm thấy tốt hơn, và nó cũng giúp làm chậm quá trình tiến triển của suy tim.
Không gắng sức: Các kế hoạch tập luyện và bao gồm các thời gian nghỉ ngơi trong ngày. Một số hoạt động như nâng hoặc kéo vật nặng có thể gây hại đến tim của bạn và nó gây ra triệu chứng.
Phòng các nhiễm trùng đường hô hấp: Hỏi bác sĩ của bạn về các loại vaccine phòng cúm và viêm phổi.
Dùng thuốc theo đơn được kê. Không dừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Tìm kiếm sự trợ giúp về cảm xúc và tâm lý nếu bạn cần. Suy tim có thể trở nên khó khăn cho cả gia đình bạn. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hỏi bác sĩ và y tá của bạn. Nếu bạn cần trợ giúp về tình cảm, các nhân viên xã hội, các nhà tâm lý và nhóm giúp đỡ bệnh nhân suy tim sẽ liên lạc với bạn ngay lập tức. Tham khảo ý kiến bác sĩ và y tá để có sự định hướng đúng đắn.
Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là một trong số ít các phòng khám chuyên sâu về suy tim được xây dựng sớm nhất tại Việt Nam. Phòng khám chuyên sâu về suy tim Vinmec có tham khảo mô hình của Mỹ và Singapore, mang lại hy vọng điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân bị suy tim. Ngoài ra, khách hàng có yếu tố nguy cơ suy tim, có chỉ định kiểm tra bệnh lý và khách hàng có nhu cầu có thể tham khảo GÓI KHÁM SUY TIM giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh, từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn lộ trình điều trị phù hợp với sức khỏe của bạn.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.