Làm thế nào khi bị suy thai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy thai là một quá trình bệnh lý nguy hiểm đối với mọi phụ nữ mang thai, đe dọa tính mạng đứa bé. Khi nhận thấy các dấu hiệu suy thai, bà bầu cần phải đến bệnh viện để xử trí kịp thời, hạn chế xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

1. Suy thai là như thế nào?

Suy thai là một tiến trình bệnh lý, bắt nguồn từ tình trạng thai thiếu oxy trong máu hoặc thiếu oxy tại các tổ chức khi đang sống trong tử cung. Hiện nay, người ta còn xem hiện tượng suy thai là tình trạng bất ổn của thai nhi, bao gồm các dấu hiệu: giảm thành phần oxy trong máu, giảm cung cấp oxy cho hệ cơ quan, tình trạng tăng ion hydro trong máu (rối loạn điện giải), nhiễm toan thai nhi, dẫn đến tình trạng thai chết lưu.


Suy thai là tình trạng bất ổn của thai nhi dẫn đến tính trạng thai chết lưu
Suy thai là tình trạng bất ổn của thai nhi dẫn đến tính trạng thai chết lưu

Biểu hiện lâm sàng của suy thai đặc trưng bởi những thay đổi về nhịp tim thai, được ghi nhận bằng ống nghe hoặc hỗ trợ từ máy theo dõi nhịp tim thai (ví dụ như, tim thai giảm nhịp biến đổi lặp lại, nhịp giảm muộn, nhịp tăng nhanh, nhịp chậm hoặc tình trạng tim đập bất thường). Cử động bất thường của thai nhi cũng là dấu hiệu cho thấy bà bầu đang bị suy thai, cần đưa đến viện ngay lập tức.

Suy thai có hai dạng:

  • Suy thai cấp: Thường xảy ra một cách đột ngột trong quá trình bà bầu chuyển dạ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, suy thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của đứa bé sau sinh và trong tương lai, thậm chí đe doạ tính mạng em bé trong khi mẹ chuyển dạ. Đánh giá được tình trạng sức khỏe của thai nhi, nhằm chẩn đoán sớm suy thai trong chuyển dạ, sẽ có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo một cuộc vượt cạn an toàn cho cả mẹ và con. Suy thai cấp có tỷ lệ dưới 20% trong các ca sinh.
  • Suy thai mãn: Xảy ra từ từ trong quá trình mang thai, với các triệu chứng thường âm thầm, không đột ngột. Tuy nhiên, suy thai mãn có thể nhanh chóng chuyển thành suy thai cấp khi bà bầu chuyển dạ sinh con.

Sự nguy hiểm của suy thai là như thế nào còn tùy thuộc vào lượng oxy thiếu nhiều hay ít, cấp hay mãn tính và việc phát hiện để điều trị có kịp thời hay không. Vậy khi nhận thấy suy thai phải làm sao?

2. Sản phụ bị suy thai phải làm sao?

Nguyên tắc xử trí đối với sản phụ bị suy thai là lấy thai ra khỏi môi trường tử cung đã bất lợi cho thai nhưng phải tùy theo tình trạng của thai phụ và phải thực hiện đúng lúc, tránh can thiệp quá sớm gây nên biến chứng do thai còn non tháng.

2.1. Đối với suy thai trong khi có thai

Bà bầu cần được khám thai và theo dõi, đặc biệt là với những thai nhi có nguy cơ xảy ra suy thai:

  • Theo dõi nhịp tim thai (bằng ống nghe) sau khi vê núm vú trong và sau cơn gò để phát hiện sự thay đổi của nhịp tim thai. Theo đó, thiếu oxy khiến cho tim thai đập quá nhanh hoặc quá chậm (trên 160 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút).
  • Soi ối nhiều lần để phát hiện dấu hiệu nước ối có màu xanh.
  • Thử nghiệm ocytocin hay vê núm vú, theo dõi bằng máy monitor sản khoa nếu có để phát hiện dấu hiệu rối loạn tim thai, chẳng hạn như nhịp chậm sớm, nhịp chậm muộn.
  • Xác định độ trưởng thành của thai để cân nhắc đình chỉ thai trong trường hợp có chỉ định.
  • Siêu âm thai: Đường kính lưỡng đỉnh (trên 90mm, với thai trên 38 tuần), đường kính trung bình bụng (trên 94mm, với thai nặng trên 2500g), độ canxi hóa bánh rau độ 3, chỉ số nước ối (lượng nước ối giảm) trên thai ≥ 42 tuần tuổi.
  • Chỉ số nước ối không quá 28mm thường phải chỉ định mổ lấy thai, nếu từ 28-40mm thì phải đình chỉ thai nghén (kích thích chuyển dạ đẻ, nếu thất bại thì cần chuyển qua mổ lấy thai), từ 40-60mm thì theo dõi sát, trên 60mm là nước ối bình thường.

Siêu âm phát hiện các dấu hiệu của suy thai
Siêu âm phát hiện các dấu hiệu của suy thai

2.2. Đối với suy thai trong quá trình chuyển dạ

Trong khi chuyển dạ, bà bầu sẽ được theo dõi sát để phát hiện kịp thời dấu hiệu suy thai, từ đó có thể quyết định lấy thai ra nếu cần thiết:

  • Theo dõi thể trạng, các bệnh lý của người mẹ, các biến chứng có thể xảy ra.
  • Đo nhịp tim thai mỗi 10-15 phút, theo dõi dấu hiệu cơn co tử cung phù hợp với khoảng thời gian chuyển dạ. Nếu tăng cường độ và nhịp độ xảy ra các cơn gò tử cung, có thể phải dùng thuốc giảm co.
  • Theo dõi nhịp tim thai liên tục bằng máy monitor sản khoa để có thể phát hiện triệu chứng nhịp chậm sớm, nhịp chậm muộn (Dip II), nhịp tim biến đổi (Dip biến đổi), nhịp tim thai dao động ít hơn 5 nhịp. Nếu có Dip II, Dip biến đổi, tim thai dao động ít và đủ điều kiện thì chỉ định làm thủ thuật Forceps trợ sinh, không đủ điều kiện làm Forceps thì phải cho mổ lấy thai.
  • Đo lượng nước ối trong các trường hợp thai nghén quá ngày sinh, nước ối đặc, có phân su thì nên mổ lấy thai, không nên thử thách sản phụ đẻ đường dưới.

Trong mọi trường hợp, sản phụ cần thực hiện khám thai định kỳ để hạn chế các tình huống xấu xảy ra. Đối với các thai phụ nguy cơ cao, cần được theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ chuyển dạ để phát hiện sớm tình trạng suy thai và can thiệp lấy thai ra kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe