Làm thế nào để xác định chẩn đoán khóc dạ đề?

Khóc dạ đề hay còn được gọi là chứng quấy khóc thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi gây nhiều lo lắng cho cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ. Vậy làm thế nào để xác định khóc dạ đề ở trẻ cũng như điều trị khóc dạ đề cho trẻ hiệu quả nhất?

1. Khóc dạ đề là gì?

Khóc dạ đề là hiện tượng trẻ khóc liên tục nhiều giờ liền vào các thời điểm chiều tối hoặc ban đêm khi trẻ đang ngủ. Các cơn khóc thường dữ dội, bé thường khóc thét và lớn tiếng và mẹ không thể dỗ dành được.

Khóc dạ đề thường xảy ra với trẻ dưới sáu tháng tuổi và đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ 1⁄5 trẻ. Khóc dạ đề thường gây nhiều căng thẳng, bất lực cho cha mẹ và người thân trong gia đình vì trẻ khóc liên tục và rất khó dỗ.

Khóc dạ đề từ lúc bắt đầu và đến khi kết thúc nhiều khi các bậc cha mẹ cũng không nắm bắt được. Thông thường tình trạng này sẽ được giải quyết khi trẻ được 3 tháng tuổi và biến mất hầu như hoàn toàn khi trẻ được 4-5 tháng tuổi. Tuy nhiên khóc dạ đề cũng ảnh hưởng phần nào đến trẻ, gây rối loạn tương tác giữa trẻ và gia đình, ảnh hưởng lâu dài đến tính cách và hành vi của trẻ.


Khóc dạ đề là hiện tượng trẻ khóc liên tục nhiều giờ liền vào các thời điểm chiều tối hoặc ban đêm khi trẻ đang ngủ
Khóc dạ đề là hiện tượng trẻ khóc liên tục nhiều giờ liền vào các thời điểm chiều tối hoặc ban đêm khi trẻ đang ngủ

2. Nguyên nhân trẻ khóc dạ đề

Trên thực tế chưa có nghiên cứu nào chỉ ra chính xác nguyên nhân khiến trẻ khóc dạ đề, hiện nay giả thiết được nhiều người đồng tình về vấn đề khóc dạ đề ở trẻ là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, không dung nạp được một số chất dinh dưỡng từ sữa mẹ và sữa công thức khiến bé khó chịu và quấy khóc liên tục.

Cha mẹ hoặc người thân trong gia đình trong quá trình chăm sóc trẻ bị stress, thiếu tự tin trong chăm sóc thai kỳ, những bất ổn trong cuộc sống gia đình cũng có mối liên quan nhất định đến khóc dạ đề ở trẻ.

Ngoài ra các tác động đến trẻ gây khó chịu và đau đớn cũng khiến trẻ khóc dạ đề như kim băng tã lót đâm vào da, trẻ bị trào ngược, ợ hơi...

3. Làm thế nào để xác định khóc dạ đề ở trẻ?

Làm thế nào để xác định khóc dạ đề ở trẻ với khóc bệnh lý là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Nhìn chung trẻ khóc dạ đề sẽ có những đặc điểm như sau:

  • Trẻ khóc thét dữ dội, mặt và toàn thân đỏ bừng, thời điểm quấy khóc thường vào chiều tối
  • Giấc ngủ của trẻ không sâu và thường khóc ré lên trong lúc ngủ
  • Tư thế của bé cũng thay đổi, thường cong người hay oằn mình, tay nắm chặt, bụng căng cứng và đầu gối co lên
  • Cường độ khóc khác nhau và việc dỗ dành gần như là bất lực, trẻ không chịu ngừng khóc khi được vỗ về hay cho bú, thậm chí là bỏ bú mẹ.
  • Các cơn khóc với tần suất dày đặc, thường kéo dài hơn ba giờ trong ngày, khóc nhiều hơn 3 ngày trong một tuần và liên tục 3 tuần trong một tháng.
  • Tình trạng khóc giảm dần khi trẻ được từ 4-6 tháng tuổi.

Ngoài việc xác định chính xác có phải trẻ khóc dạ đề hay không, cha mẹ cần chú ý phân biệt với khóc bệnh lý. Khi trẻ khóc về đêm không hẳn là khóc dạ đề mà có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý như sau:

Một số triệu chứng kèm theo khóc bệnh lý để cha mẹ có thể phân biệt với khóc dạ đề như trong lúc khóc trẻ có các hiện tượng khò khè, khó thở, tím tái, sốt kèm theo rét run, chảy nước mũi, co giật, nôn ói...


Trên thực tế chưa có nghiên cứu nào chỉ ra chính xác nguyên nhân khiến trẻ khóc dạ đề
Trên thực tế chưa có nghiên cứu nào chỉ ra chính xác nguyên nhân khiến trẻ khóc dạ đề

4. Điều trị khóc dạ đề cho trẻ hiệu quả nhất

Các chuyên gia vẫn chưa có cách để làm dịu đi các cơn khóc dạ đề nhưng cha mẹ vẫn có thể xử lý tại nhà với nguyên tắc kiên trì và bình tĩnh với con trẻ. Người mẹ cần học các tư thế cho bé bú mẹ hoặc bú bình chính xác để hạn chế tình trạng trào ngược, ợ hơi ở trẻ. Đối với trẻ khóc dạ đề, cha mẹ phải cực kỳ bình tĩnh, không nên nản chí, nóng giận, có thể để trẻ cho người thân trông nếu cảm thấy quá stress vì cảm xúc của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến con trẻ.

Ngoài ra chế độ ăn uống của người mẹ trong thời kỳ chăm sóc trẻ sơ sinh nên tránh những chất kích thích như trà, cafe, rượu... Khi chọn sữa công thức cho trẻ thì nên chọn loại sữa giảm dị ứng, thích hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.

Cha mẹ có thể massage bụng cho trẻ, giúp tăng mối liên kết giữa cha mẹ và bé và giúp trẻ thoải mái, giảm đầy hơi, giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Khi trẻ cảm thấy khó chịu hoặc đang khóc dạ đề, cha mẹ có thể ôm bé vào lòng vuốt ve, hát ru cho bé, cho bé ở trong không gian yên tĩnh. Khi cho bé bú người mẹ cũng không nên căng thẳng, không nên ép bé ăn quá no và sau khi bú phải cho bé ợ hơi đầy đủ.

Điều đặc biệt quan trọng là cha mẹ không được cho bé sử dụng thuốc hay bất kỳ loại thảo dược nào mà không có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe