Bài viết bởi Bác sĩ Ma Văn Thấm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Sữa mẹ là loại thức ăn tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu sau đẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp nuôi dưỡng tự nhiên và tuyệt đối an toàn cho trẻ nhỏ. Đó là một khâu rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
1. Giá trị của sữa mẹ và tính ưu việt của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ:
Một lít sữa mẹ cung cấp khoảng 700 Kcalo. Nồng độ và thành phần các chất dinh dưỡng (đạm, mỡ, đường, vitamin...) trong sữa mẹ cân đối, nên trẻ dễ tiêu, dễ hấp thu
Sữa mẹ có khả năng kháng khuẩn:
- Trẻ bú mẹ trực tiếp nên đảm bảo vô khuẩn và vệ sinh
- Sữa mẹ có IgA tiết hoạt động ngay tại ruột chống lại một số vi khuẩn, vi rút gây tiêu chảy
- Sữa mẹ có lactoferin là protein gắn sắt ức chế vi khuẩn phát triển
- Sữa mẹ còn có lyzozym là men có tác dụng diệt vi khuẩn, có tế bào lympho sản xuất ra IgA, Interferon, có đại thực bào sản xuất ra lyzozym và lactoferin, đại thực bào có thể thực bào nấm và vi khuẩn đặc biệt là các vi khuẩn Gram âm.
- Yếu tố Bifidus là một Carbohydrate có chứa nitrogen cần cho vi khuẩn lactobacillus bifidus phát triển và ngăn cản vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng :
Nhờ có IgA và đại thực bào có tác dụng chống dị ứng nên trẻ bú mẹ ít bị eczema, dị ứng.
Sữa mẹ rẻ tiền, thuận lợi:
Không cần đun nấu, pha chế tốn kém. Tạo điều kiện cho người mẹ có đủ thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, bồi dưỡng, chăm sóc trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ tăng cường tình cảm mẹ con:
Mỗi lần cho con bú, người mẹ có thời gian nâng niu, âu yếm con và đứa trẻ vui tươi, thoải mái. Giao lưu tình cảm mẹ con được tăng cường qua dòng sữa mẹ, làm cho con lớn nhanh và khỏe mạnh. Người mẹ quên đi nỗi mệt nhọc của mình. Tạo cho trẻ có cảm giác an toàn, không gây các stress cho trẻ khi được người mẹ cho bú và âu yếm.
Cho con bú mẹ giúp bảo vệ sức khỏe người mẹ:
- Cho con bú ngay sau đẻ có tác dụng co hồi tử cung giúp cầm máu tốt.
- Cho con bú sẽ hạn chế quá trình rụng trứng là giảm khả năng thụ thai.
- Bú mẹ thường xuyên sẽ hạn chế tỷ lệ viêm tắc, áp xe và ung thư vú cho người mẹ
2. Làm thế nào để bảo vệ nguồn sữa mẹ?
Để bảo vệ tốt nguồn sữa mẹ, cần chú ý:
Chăm sóc 2 bầu vú sữa
- Ngay từ khi có thai, người mẹ phải thường xuyên kiểm tra 2 đầu vú, nếu đầu vú bị tụt vào thì hàng ngày phải xoa bóp và kéo 2 đầu vú ra.
- Nếu nứt đầu vú thì ngoài bữa bú có thể bôi Vaseline hoặc mỡ kháng sinh.
- Nếu áp xe có mủ thì phải trích mủ và luôn vắt cạn sữa hoặc dùng bơm hút cạn sữa để kích thích tiết sữa (không cho trẻ bú).
- Trước khi cho trẻ bú nên vắt 1 ít sữa xoa vào 2 đầu vú để cho vú mềm, không bị nứt
Bổ sung thức ăn cho bà mẹ khi mang thai và cho con bú
- Khi có thai người mẹ phải ăn uống đầy đủ sao cho 9 tháng mang thai tăng được từ 10 - 12 kg
- Khi cho con bú người mẹ phải ăn uống đủ chất và bồi dưỡng thêm hàng ngày. Có thể chế biến cháo chân giò gạo nếp..., không nên ăn các chất gia vị gây mùi khó chịu làm trẻ bú kém.
- Hàng ngày nên uống thêm nước đường, nước quả, nước sôi nguội nhất là vào mùa hè (nhất là sau mỗi lần cho con bú).
Lao động nghỉ ngơi hợp lý
- Lao động nhẹ và cần có thời gian nghỉ trước và sau đẻ để trẻ phát triển tốt và người mẹ phục hồi sức khỏe giúp cho bài tiết sữa tốt.
- Bà mẹ ngủ tốt, thoải mái sẽ tiết nhiều prolactin kích thích tiết sữa tốt.
Hạn chế dùng thuốc
Một số thuốc qua sữa gây độc cho con như: thuốc ngủ, Tetracyclin, Quinolon. Các thuốc tránh thai có Estrogen, thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid có thể làm giảm sự tạo sữa.
Sinh đẻ có kế hoạch
Đẻ dày, đẻ nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, làm sự bài tiết sữa kém.
Trẻ em là một cơ thể không ngừng phát triển về thể chất, tinh thần và vận động từ lúc mới đẻ đến lúc trưởng thành. Sự tăng trưởng bình thường của trẻ theo từng lứa tuổi chủ yếu phụ thuộc vào chế độ nuôi dưỡng phù hợp và đáp ứng với nhu cầu phát triển của trẻ. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng và sức đề kháng cho trẻ.