Làm thế nào để phục hồi sau ca sinh khó?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thay vì có trải nghiệm sinh con tuyệt vời như tưởng tượng, phụ nữ trải qua ca sinh khó sẽ cảm thấy sợ hãi, bất lực, quá sức chịu đựng và cô đơn. Thậm chí người mới làm mẹ còn buồn bã và thấy có lỗi khi mọi chuyện không theo kế hoạch. Sau đây là một số bước để hồi phục sau sinh khó.

1. Dành thời gian cho cơ thể hồi phục sau sinh khó

Thật không may, một ca sinh con vất vả cũng thường khiến cho việc phục hồi thể chất khó khăn hơn. Bạn có thể phải chịu đựng một vết rạch lớn hoặc vết mổ đau đớn, kèm thèm cảm giác choáng váng và kiệt sức.

Cơ thể cần thời gian để tự chữa lành, và cách tốt nhất để hồi phục sau sinh khó là nghỉ ngơi. Nhưng khi bạn đã có một đứa trẻ sơ sinh bên cạnh, việc nghỉ ngơi hoàn toàn gần như là không thể. Điều quan trọng là chỉ cần tập trung vào bản thân và em bé, tạm thời để mặc mọi chuyện khác sang một bên. Nghĩa là để chén đĩa chất đống trong bồn rửa, tạm hoãn cảm ơn với vô số lời chúc mừng trên mạng xã hội, không nhận quá nhiều điện thoại hỏi thăm và không quét dọn nhà trong lúc này.

Hãy nhớ rằng, em bé của bạn sẽ không quan tâm nếu bạn chưa tắm hoặc chưa dọn dẹp sạch nhà bếp. Chuyên gia tâm lý khuyên mẹ sau sinh nên học cách lo lắng ít hơn và chỉ tập trung vào những vấn đề quan trọng để nuôi dạy trẻ một cách hạnh phúc.

Ngoài ra, hãy nhận sự giúp đỡ từ bất cứ ai đề nghị hỗ trợ bạn. Nếu mọi người muốn mang bữa tối cho bạn, đừng từ chối. Bạn thậm chí có thể yêu cầu loại thực phẩm giúp tăng cường tâm trạng hoặc một số món ăn nhẹ lành mạnh.

Đối với trẻ lớn của bạn, hãy thuê một người trông trẻ, nhờ bạn bè hoặc người thân trong gia đình chăm sóc chúng. Bạn cũng có thể tăng thêm ngày giờ gửi trẻ tại trường, đồng thời cho con thoải mái xem TV ở nhà trong giai đoạn hỗn loạn này. Tạm thời tăng thêm một chút thời gian chơi tự do sẽ không ảnh hưởng xấu đến trẻ, nhưng sẽ giúp bạn bớt đi một mối lo để yên tâm nghỉ ngơi.

2. Đối mặt với cảm xúc thật sự


Gây tê ngoài màng cứng
Gây tê ngoài màng cứng

Khi gần đến ngày dự sinh, hầu như tất cả thai phụ đều hồi hộp chờ đợi, thậm chí là náo nức, mong chứng kiến thời khắc em bé cất tiếng khóc chào đời. Nhưng trước khi chuyển dạ, một số người không may bị tiền sản giật và phải được tiêm thuốc giục sinh. Họ phải gây tê ngoài màng cứngsinh mổ, thay vì sinh thường và không cần dùng thuốc mê như hy vọng. Điều này khiến họ thực sự đau buồn sâu sắc.

Có thể thật đau đớn về mặt thể chất lẫn cảm xúc khi việc sinh con của bạn không giống như kỳ vọng, thay vào đó là một thảm họa, một cơn ác mộng không muốn nhớ đến. Nhiều phụ nữ sinh con vất vả cho rằng họ đã bỏ lỡ một kỷ niệm thực sự quan trọng trong đời.

Mặc dù nhiều người thường an ủi: "Cũng may là đứa trẻ sinh ra an toàn, khỏe mạnh.", nhưng điều đó không thể xoa dịu được cảm giác buồn bã hoặc khiến bạn gạt bỏ cảm xúc riêng. Để giải quyết nỗi buồn của mình, trước tiên bạn cần phải đối mặt với nó. Cảm xúc của bạn là có thật, hãy thừa nhận chúng thay vì cố gắng chối bỏ.

3. Mở lòng chia sẻ

Nhiều người thấy rằng kể về những gì đã xảy ra giúp họ vượt qua nỗi thất vọng. Bạn bè, hội nhóm trực tuyến dành cho những phụ nữ cũng sinh khó, hoặc bác sĩ riêng của bạn,... là những người có thể đồng cảm, động viên, chia sẻ kinh nghiệm và trả lời các câu hỏi bạn còn băn khoăn, ví dụ như tại sao lại sinh khó.

Nếu bạn thích viết, hãy thử viết nhật ký về thực tế sinh con vất vả như thế nào và bí quyết hồi phục sau sinh khó. Bạn có thể viết vào một quyển sổ đẹp, chọn một ứng dụng viết nhật ký trực tuyến, chia sẻ trên mạng xã hội hoặc đơn giản là ghi chú trong điện thoại.

Nếu tiếp tục đọc bài viết các bà mẹ khác mô tả trải nghiệm sinh con đầu lòng suôn sẻ của họ, bạn sẽ dễ bị tổn thương hơn, thậm chí là nổi cơn thịnh nộ. Tìm đến một nhà trị liệu tâm lý cũng có thể giúp bạn kiểm soát cảm xúc và chấp nhận thực tại.

Một số ca sinh con vất vả không chỉ gây thất vọng, mà còn để lại hậu quả về cảm xúc và thể chất lâu dài. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) có thể xảy ra sau ca sinh khó, với những biểu hiện như:

  • Luôn hồi tưởng về sự cố đó
  • Gặp ác mộng
  • Khó ngủ
  • Hoảng loạn, lo lắng hoặc cảm thấy khó chịu
  • Khó cho con bú
  • Không thể gắn kết với em bé
  • Mất ham muốn quan hệ tình dục sau khi sinh.

Nếu bạn thấy mình rơi vào tình trạng này, hãy trình bày với chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.

4. Ngừng tự trách mình

Mặc dù các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày nay rất an toàn, nhưng sự thật là phụ nữ thường cảm thấy có lỗi khi phải can thiệp bất kỳ hình thức nào trong quá trình chuyển dạ, từ liệu pháp tiêm tĩnh mạch (IV) đến hút chân không và mổ lấy thai.

Video đề xuất:

Cận cảnh mổ đẻ ở Vinmec: An toàn, giảm đau, trọn vẹn hạnh phúc!

Thậm chí có người còn cảm thấy như họ đã thất bại và mọi thứ trở nên tồi tệ. Đối với một số phụ nữ, cảm giác "thất bại ngay từ lần đầu" do không thể sinh thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm mẹ sau này. Nói cách khác, phụ nữ phải sinh mổ hoặc sinh khó có thể có cảm giác rằng họ là một người mẹ thất bại ngay từ đầu, thua kém tất cả người mẹ khác.

Sự thật là bạn không hề thất bại. Chuyển dạ và sinh nở sẽ khác nhau đối với mọi người, một số trường hợp sẽ đơn giản hoặc phức tạp hơn bình thường. Can thiệp y tế là biện pháp cần thiết để cứu cuộc sống của mẹ và đứa trẻ. Các loại thuốc giảm đau khi chuyển dạ đã được đảm bảo an toàn và thường chỉ sử dụng khi cần thiết.

Cố gắng điều chỉnh lại cảm xúc bằng cách nhủ rằng: Bạn không phải là người thất bại, bạn đã thành công. Bạn đã vượt qua một thử thách khủng khiếp, và em bé cũng vậy. Chặng đường làm cha mẹ luôn đầy những thử thách bất ngờ, vẫn đang chờ đón bạn phía trước.

5. Nhìn vào những mặt tích cực


Hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn hoặc tâm sự với các bà mẹ trong hội nhóm - những người cũng đã và đang chịu đựng hậu quả của việc sinh nở khó khăn
Hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn hoặc tâm sự với các bà mẹ trong hội nhóm - những người cũng đã và đang chịu đựng hậu quả của việc sinh nở khó khăn

Mặc dù bạn không sinh con suôn sẻ như hy vọng, hãy cố gắng tự nhắc nhở bản thân về những điều tốt đẹp đã xảy ra. Bạn thậm chí có thể lập một danh sách những điều tích cực. Sinh thường suôn sẻ chỉ là một phần của quả ngọt, điều quan trọng là bạn vẫn có được con của mình bên cạnh.

Thật khó để nhìn thấy những điều tốt đẹp trong một ca sinh nở phức tạp và đau đớn, đặc biệt là nếu bạn hoặc em bé bị chấn thương, hoặc mắc phải một vấn đề nào đó tệ hơn. Nếu gặp khó khăn, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn hoặc tâm sự với các bà mẹ trong hội nhóm - những người cũng đã và đang chịu đựng hậu quả của việc sinh nở khó khăn.

6. Bỏ qua những đánh giá

Người hàng xóm, mẹ chồng hoặc chị dâu của bạn có thể nói bâng quơ, bình luận tiêu cực khiến bạn đau đớn, nhưng cố gắng không để chúng ảnh hưởng đến tâm lý của mình. Bạn nên tự nhắc nhở bản thân về sức khỏe của em bé hiện tại để làm động lực, đồng thời giải thích cho họ biết tại sao lại sinh khó, và thực tế hai mẹ con bạn hiện tại cũng rất tuyệt vời.

Cũng cố gắng không phán xét chính mình. Bạn có thể thất vọng với bản thân vì trải nghiệm sinh con vất vả của mình, đặc biệt nếu bạn đã từng kỳ vọng quá nhiều. Nhưng không đánh đồng với cảm giác tội lỗi. Sinh con là vẫn là một điều thiêng liêng, cho dù diễn ra bằng cách nào và như thế nào. Bạn cần cảm thấy như vậy vẫn ổn.

7. Biến chứng sau sinh

Đôi khi các tình trạng thể chất hoặc cảm xúc có thể khiến việc hồi phục sau sinh khó trở nên khó khăn hơn. Buồn bã kéo dài hơn 2 tuần là dấu hiệu cảnh báo trầm cảm sau sinh. Mệt mỏi, khó ngủ và thiếu năng lượng có thể là dấu hiệu của các vấn đề tuyến giáp mà một số phụ nữ gặp phải trong năm đầu sau sinh.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào cản trở quá trình hồi phục sau sinh khó của bạn, hãy cho bác sĩ biết. Trong trường hợp bạn đang vật lộn với những suy nghĩ về việc làm tổn thương chính mình hoặc em bé, hãy đến phòng khám của chuyên gia tâm lý ngay lập tức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe