Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Sốt là một tình trạng thường gặp ở trẻ. Đối với những trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở xuống khi bị sốt cần được khám bác sĩ ngay. Trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên bị sốt nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng biện pháp thích hợp nếu không có triệu chứng nào khác. Trẻ sơ sinh bị sốt cao hoặc dai dẳng nên được bác sĩ đánh giá.
1. Tại sao trẻ sơ sinh bị sốt?
Nếu con bạn thức giấc giữa đêm và khóc, đồng thời da bị đỏ bừng, bạn cần đo nhiệt độ của con để xác định xem con có bị sốt hay không. Mặc dù bản thân các cơn sốt không nguy hiểm, nhưng đôi khi đây là biểu hiện của những bệnh lý khác. Trẻ sơ sinh nhỏ tuổi thường có nguyên nhân gây sốt cần điều trị.
Nói cách khác, sốt thường là một triệu chứng của một tình trạng bệnh lớn hơn. Trẻ sơ sinh bị sốt vì nhiều lý do, bao gồm:
- Nhiễm virus
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
- Sau một số mũi chủng ngừa nhất định
- Một tình trạng y tế khác
Các nguyên nhân phổ biến gây sốt ở trẻ em bao gồm các bệnh về đường hô hấp, như cảm lạnh và nhiễm trùng tai.
2. Xác định cơn sốt trẻ sơ sinh
Nhiệt độ bình thường dao động trong khoảng gần 98,6°F (37°C). Thân nhiệt trung bình có thể thay đổi một chút từ sáng đến tối. Nhiệt độ cơ thể thường thấp hơn khi bạn thức dậy, cao hơn vào buổi chiều và buổi tối.
Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để chẩn đoán nguyên nhân tiềm ẩn và điều trị nếu cần thiết. Trẻ sơ sinh được coi là bị sốt nếu nhiệt độ của bé là:
- Từ 100,4°F (38°C) trở lên khi đo ở hậu môn (trực tràng)
- Từ 99°F (37,2°C) hoặc cao hơn khi thực hiện đo nhiệt độ ở các nơi khác
Đối với trẻ sơ sinh trên 3 tháng, không phải lúc nào sốt nhẹ cũng cần đến bác sĩ.
3. Cách hạ sốt cho trẻ hiệu quả
Trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi có nhiệt độ hơi cao thường không cần đến bác sĩ. Bạn có thể điều trị sốt tại nhà bằng các phương pháp sau:
3.1. Uống thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh Acetaminophen
Nếu con trên 3 tháng có thể được cho uống một lượng acetaminophen an toàn dành cho trẻ em (Tylenol). Liều lượng thường dựa trên trọng lượng của trẻ. Vì vậy bác sĩ có thể khuyên bạn nên cân con nếu gần đây con chưa được cân hoặc nếu con đã tăng trưởng nhanh chóng.
Nếu trẻ không khó chịu hoặc quấy khóc vì sốt, bạn có thể không cần cho con uống thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh. Trường hợp trẻ bị sốt cao hoặc kèm theo các triệu chứng khó chịu có thể dùng thuốc hạ sốt để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
3.2. Điều chỉnh quần áo của con
Mặc cho trẻ sơ sinh quần áo mỏng và chỉ sử dụng một chiếc chăn nhẹ để con được thoải mái và mát mẻ. Cho trẻ sơ sinh mặc quá nóng có thể làm cản trở quá trình hạ nhiệt tự nhiên của cơ thể.
3.3. Giảm nhiệt độ
Giữ cho căn nhà và phòng của trẻ sơ sinh mát mẻ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa con bị quá nóng.
3.4. Cho con tắm nước ấm
Thử dùng nước ấm xoa nhẹ người cho bé. Khi dùng cánh tay trong của bạn chạm vào, nhiệt độ nước phải ấm chứ không nóng. Cẩn thận trong suốt quá trình tắm để đảm bảo con được an toàn.
Tránh sử dụng nước lạnh, vì điều này có thể làm bé run rẩy và tăng thân nhiệt. Lau khô người con ngay sau khi tắm và mặc cho con quần áo mỏng nhẹ, thoải mái. Không sử dụng sữa tắm hoặc khăn giấy ướt có chứa cồn để lau người hạ sốt cho con vì điều này có thể gây hại.
3.5. Bổ sung chất lỏng
Mất nước là một biến chứng có thể xảy ra khi sốt. Cho trẻ uống nước, sữa mẹ hoặc sữa công thức thường xuyên. Cần đảm bảo con vẫn có nước mắt khi khóc, miệng ẩm ướt và tã ướt thường xuyên.
4. Những điều cần tránh khi trẻ bị sốt
Có một số điều bạn không nên làm nếu trẻ sơ sinh bị sốt, chẳng hạn như:
- Trì hoãn việc chăm sóc y tế cho trẻ sơ sinh bị sốt, trẻ nhỏ bị sốt dai dẳng hoặc có vẻ ốm nặng
- Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh mà không kiểm tra nhiệt độ của trẻ trước và hỏi ý bác sĩ
- Cho con uống thuốc dành cho người lớn
- Mặc quần áo quá kín cho trẻ sơ sinh
- Dùng nước đá hoặc cồn để hạ nhiệt cho trẻ.
5. Khi nào cần tìm sự trợ giúp bác sĩ?
Đảm bảo theo dõi nhiệt độ của trẻ sơ sinh trong suốt thời gian bị bệnh, quan sát các triệu chứng và hành vi khác để xác định xem có nên liên hệ với bác sĩ hay không.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ của trẻ sơ sinh hoặc tìm cách điều trị y tế nếu:
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị tăng nhiệt độ
- Trẻ sơ sinh từ 3 - 6 tháng tuổi có nhiệt độ hậu môn là 102°F (38,9°C) trở lên
- Trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi bị sốt trên 102°F (38,9°C) trong hơn 1 - 2 ngày mà không có triệu chứng nào khác
- Bé bị sốt kéo dài hơn 24 giờ hoặc xảy ra thường xuyên
- Bé cáu kỉnh (quấy khóc nhiều) hoặc hôn mê (yếu hoặc buồn ngủ hơn bình thường)
- Thân nhiệt của con không giảm trong vòng 1 giờ hoặc lâu hơn sau khi đã uống liều thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh thích hợp
- Con phát triển các triệu chứng khác, như phát ban, bú kém hoặc nôn mửa
- Con bị mất nước (không tiết ra nước mắt, nước bọt hoặc tã khô hơn bình thường)
Tóm lại, cách điều trị sốt ở trẻ sơ sinh sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi của trẻ và các triệu chứng kèm theo cơn sốt. Trẻ sơ sinh bị sốt phải được bác sĩ thăm khám ngay lập tức, trong khi bạn có thể hạ sốt cho trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi tại nhà nếu thân nhiệt chỉ tăng nhẹ. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào và đến cơ sở y tế nếu con bạn bị sốt cao hoặc nếu cơn sốt kéo dài hơn 1 - 2 ngày.
Chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, đến từ nhiều bệnh viện lớn cùng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại sẽ mang lại sự hài lòng cho khách hàng trong quá trình thăm khám và điều trị.
Do đó, khi trẻ gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo:healthline.com - mayoclinic.org