Tất cả trẻ em đều có tài năng đặc biệt, nhưng nếu trẻ thông minh đến mức trở nên khác biệt, bạn có thể cần giúp con xác định điểm mạnh, nuôi dưỡng năng khiếu và bảo vệ bé khỏi những lời trêu chọc từ bạn bè.
1. Cách nhận biết trẻ có năng khiếu đặc biệt
Những đứa trẻ có năng khiếu sẽ thể hiện khả năng suy luận và học hỏi vượt trội, có thành tích trong top 10% hàng đầu hoặc nổi bật trong ít nhất một lĩnh vực, chẳng hạn như toán học, âm nhạc, ngôn ngữ, nghệ thuật, khiêu vũ hoặc thể thao.
Khó có thể xác định chính xác định nghĩa về năng khiếu vì không có tiêu chuẩn chung, song những đứa trẻ thể hiện khả năng vượt trội trong lĩnh vực nào đó thường có một số đặc điểm sau:
1.1. Trí thức
- Có chỉ số IQ cao hơn mức trung bình
- Vượt các mốc phát triển hơn hẳn các bạn cùng tuổi
- Có tài năng cụ thể, chẳng hạn như vẽ đẹp hoặc tính nhẩm nhanh
- Phát triển ngôn ngữ nâng cao, cụ thể là vốn từ vựng phong phú hoặc nói thành câu trôi chảy sớm hơn nhiều so với những bạn cùng tuổi
- Có thể ghi nhớ sự kiện dễ dàng, nhớ được những thông tin khó được học từ video hoặc sách
- Có khả năng hiểu các khái niệm trừu tượng và phức tạp.
1.2. Sáng tạo
- Có ý tưởng phát minh sáng tạo
- Nhanh trí và có khiếu hài hước
- Có trí tưởng tượng sống động
- Độc lập và không quan tâm đến các chuẩn mực xã hội
- Hứng thú với những trải nghiệm mới và có nhiều sở thích.
1.3. Hành vi
- Rất năng động
- Không ngừng tò mò và luôn đặt câu hỏi
- Có khả năng tập trung vào một nhiệm vụ trong thời gian dài
- Thể hiện rõ đam mê cá nhân
- Có quyết tâm cao và kiên trì trong những chuyện quan trọng đối với bé.
1.4. Xã hội và tình cảm
- Thể hiện những cảm xúc mãnh liệt
- Rất nhạy cảm và đồng cảm với người khác
- Hiểu được bản thân và có thể cảm thấy khác với mọi người
- Dễ bị tổn thương tinh thần và rất cần được quan tâm, chia sẻ
- Có thể mơ mộng và có ý thức về sự công bằng
- Có trình độ đánh giá đạo đức
- Thất vọng dữ dội khi không đáp ứng được kỳ vọng của bản thân hoặc của người khác.
2. Cách nuôi dạy dạy trẻ có năng khiếu
2.1. Đảm bảo trẻ được khuyến khích, nuôi dưỡng tài năng ở nhà và ở trường
Khi biết con mình thực sự có năng khiếu ở tuổi lên 3, bạn cũng đừng vội ghi danh cho bé vào một trường học năng khiếu. Điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là tạo cho con nhiều thử thách ở nhà. Không nên bắt đầu dạy con trước các môn học, thay vào đó hãy cố gắng làm cho việc học trở nên thú vị. Dưới đây là một số mẹo dạy trẻ có năng khiếu được các chuyên gia khuyến nghị:
- Nếu con có thể nói thành câu hoàn chỉnh, bạn cũng hãy trả lời thành câu đầy đủ.
- Cho con tham gia các trò chơi dành cho trẻ lớn hơn, đòi hỏi trí tuệ cao hơn để tránh nhàm chán.
- Khuyến khích bé đọc sách và đọc cho bé nghe để cung cấp thông tin mới, nâng cao tư duy sáng tạo.
- Mua cho trẻ dụng cụ sáng tạo như bút dạ, phấn màu, đất sét và các mảnh vải vụn... để phát triển khả năng nghệ thuật.
- Đăng ký cho bé tham gia các lớp học âm nhạc hoặc khiêu vũ để thúc đẩy các kỹ năng.
- Đưa trẻ thông minh đến thư viện để tìm hiểu nhiều thông tin.
- Chơi các trò có chữ cái và con số.
Ở trường, hãy nói với cô giáo cho con bạn:
- Chọn đọc hoặc nghe những cuốn sách mà bé quan tâm.
- Chơi trò xây dựng mô hình từ những dụng cụ hoặc các vật liệu khác nhau.
- Làm bài tập để tăng hứng thú học toán.
- Tham gia các dự án nghệ thuật sáng tạo, chẳng hạn như ghép ảnh.
- Viết sách, vẽ vời hoặc tạo một buổi biểu diễn.
Lưu ý, phụ huynh không nên gây ra nhiều áp lực cho trẻ thông minh, buộc con tham gia vào vô số các hoạt động mà bạn cho là bổ ích. Bé cần đủ thời gian nghỉ ngơi để thư giãn, đọc sách giải trí và phát triển dần dần.
Hãy nhớ rằng dù có là “thiên tài”, bé vẫn chưa đủ trưởng thành về mặt cảm xúc, hành vi và kỹ năng xã hội, vì vậy con bạn vẫn rất cần sự dạy dỗ từ bố mẹ.
2.2. Bảo vệ trẻ thông minh đặc biệt khỏi bị trêu chọc
Những đứa trẻ có năng khiếu thường bị trêu chọc vì tỏ ra khác biệt so với các bạn cùng lứa tuổi. Mặc dù có vẻ trưởng thành hơn bạn bè, nhưng bé cũng rất nhạy cảm và không có kỹ năng ứng phó để tránh khỏi những lời chế nhạo.
Khi trẻ thông minh bị bạn bè trêu chọc, bạn có thể:
- Thông cảm: Dành tình yêu thương và quan tâm, cũng như một cái ôm ấm áp và lời an ủi khi con bị tổn thương tinh thần.
- Hỏi han: Cố gắng gợi cho con chia sẻ với bạn chuyện gì đã xảy ra, ai đã nói gì, khi nào và ở đâu.
- Giải thích: Giúp trẻ biết rằng nguyên nhân bị trêu chọc có thể là do người khác ghen tị hoặc chỉ đùa vô ý, thậm chí người ta cũng trêu chọc vì thích tiếp xúc với mình.
Tuy nhiên, nếu trò trêu chọc không dừng lại và ngày càng đi quá xa, bạn có thể nói chuyện với người lớn xung quanh như cô giáo và phụ huynh của bạn ấy, giải thích cảm xúc của trẻ và nhờ họ can thiệp.
2.3. Tìm hiểu thêm về những thách thức khi con bạn được gắn mác “thiên tài”
Mọi người thường cho rằng những đứa trẻ thông minh đặc biệt sẽ học rất tốt ở trường. Thực tế là rất nhiều trẻ em “thiên tài” cảm thấy nhàm chán. Nếu chương trình học quá dễ dàng với chúng, đôi khi bé sẽ không theo kịp và học kém hiệu quả, hoặc có thể trở nên trầm cảm.
Một số trẻ “thiên tài” còn được cho là tăng động vì sự tò mò, nhu cầu tìm hiểu và khao khát khám phá quá lớn. Các bé cũng có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề xã hội. Vì có sở thích khác với bạn bè cùng lớp, nên chúng thường cảm thấy xa lạ với mọi người và có thể trở thành mục tiêu trêu chọc.
Bé có thể rất buồn chán ở lớp học và trở về nhà khóc, cho đến khi ai đó nhận ra khả năng đặc biệt của trẻ và giáo dục đúng cách. Tuy nhiên, nhiều trường học thông thường không thể quản nổi những đứa trẻ này. Vì vậy, bạn có thể cần tìm hiểu về các chương trình dạy trẻ có năng khiếu có sẵn ở trường và ở ngoài.
Nếu bạn biết rằng con mình có năng khiếu, hãy hẹn gặp để nói chuyện với giáo viên và hiệu trưởng. Nhưng trước khi gặp mặt, cần tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ thông tin, bao gồm cả những bài kiểm tra để nhận biết trẻ có năng khiếu đặc biệt. Bằng cách đó, bạn có thể thảo luận chi tiết về điểm mạnh và điểm yếu của con mình, giúp nuôi dạy trẻ có năng khiếu phát huy hết tiềm năng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com